18/01/2025 lúc 20:10 (GMT+7)
Breaking News

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 ở TP.HCM: Kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá

Buổi họp báo cung cấp thông tin về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được diễn ra vào chiều tối ngày 18-5. Điều này kỳ vọng sẽ tạo lực để dòng vốn thành phố “chạy” nhanh hơn.

“Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ khắc phục những khó khăn hiện tại, tạo động lực lớn hơn, mạnh hơn để TP.HCM phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu của thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong buổi họp báo – (Ảnh: Internet)

Buổi họp báo do đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.

Mở đầu họp báo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là rất cấp thiết đối với thành phố. Bởi đánh giá thực tế rằng, một số quy định hiện nay chưa bao quát hết các vấn đề của thành phố. Một dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ là khung pháp lý phù hợp tháo gỡ vướng mắc, từng bước khắc phục những khó khăn hiện tại và tạo ra không gian, động lực mới để TP.HCM phát triển xứng tầm, phát huy tối đa vai trò đầu tàu.

Dĩ nhiên, như đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 phải tránh "tính xung đột" trong thực hiện chính sách. Cũng là sự thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, giúp TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc, huy động nguồn lực xã hội đầu tư, thông qua cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để thành phố chủ động hơn.

Đồng thời, nội dung dự thảo nghị quyết mới không tập trung các chính sách tăng nguồn thu như Nghị quyết 54 mà có các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, dự án để dòng vốn đầu tư “chạy” nhanh hơn. Cũng như đề xuất thí điểm các cơ chế như TOD (sử dụng ngân sách TP.HCM triển khai dự án đầu tư công độc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga metro 1, metro 2 và các nút giao Vành đai 3… - PV), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo. Tất cả những điều này được đồng chí Phan Văn Mãi nhận định “Nếu thực hiện tốt các chính sách này, TP.HCM sẽ có nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ đồng”.

Riêng trong lĩnh vực thu hút nguồn lực xã hội, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết những cơ chế mới trong Nghị quyết mới về kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong đầu tư các dự án về văn hóa - thể thao; BOT trên đường giao thông hiện hữu… sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cũng như giải quyết hài hòa giữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ là cấp thiết. Do vậy, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Huệ mong muốn sẽ có các chính sách mới ở một số lĩnh vực ưu tiên để phát triển, và dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần có chính sách đặc thù thu hút nhà khoa học, nhân tài đầu ngành.

Không chỉ vậy, ngoài củng cố, xây dựng đội ngũ đủ sức thực hiện nghị quyết, lãnh đạo thành phố cũng chuẩn bị tâm thế triển khai nghị quyết ngay khi được thông qua. Trong đó, thành phố đã phân công các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa nội dung, những chính sách cần trình HĐND TP.HCM trong các kỳ họp tới. Tiếp đó, mọi công tác phê bình, nhắc nhở, thay đổi… đều được thành phố thực hiện triệt để nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, năng động trong đội ngũ cán bộ.

Trước những kỳ vọng được đặt ra, đồng chí Phan Văn Mãi kỳ vọng sẽ “tạo sự phát triển đột phá cho TP.HCM, giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Các cơ chế chính sách thí điểm mới thực hiện thành công là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ tổng kết, để có bước thể chế hóa, thực hiện chung cho cả nước. Đó cũng là đóng góp cho cả nước"./.

 

 

Trí Đức - Hoàng Châu