22/01/2025 lúc 23:59 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ sĩ Bảo Thu – hành trình từ nhà ảo thuật gia thành nhạc sĩ Bolero

VNHNO - Nghệ sĩ Bảo Thu là nhạc sĩ của những ca khúc quen thuộc với đông đảo quần chúng từ trước năm 1975 như "Ước vọng tương phùng", "Giọng ca dĩ vãng", "Đừng hỏi vì sao tôi buồn". Ít ai biết được rằng ông cũng là một nhà ảo thuật gia tài năng và hành trình bén duyên với âm nhạc của ông cũng thật tình cờ.

VNHNO - Nghệ sĩ Bảo Thu là nhạc sĩ của những ca khúc quen thuộc với đông đảo quần chúng từ trước năm 1975 như "Ước vọng tương phùng", "Giọng ca dĩ vãng", "Đừng hỏi vì sao tôi buồn". Ít ai biết được rằng ông cũng là một nhà ảo thuật gia tài năng và hành trình bén duyên với âm nhạc của ông cũng thật tình cờ.  

Đôi nét về nghệ sĩ Bảo Thu

Được biết với nghệ danh Bảo Thu, tên thật của ông là Nguyễn Trung Khuyến, sinh năm 1944 tại Sài Gòn.

Hình ảnh nghệ sĩ Bảo Thu thời trai trẻ (Ảnh: internet)

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông nội ông là Nguyễn Văn Hậu, hiệu Thuần Đức, còn gọi là Nguyễn Trung Hậu, là một nhà giáo, nhà báo, đồng thời cũng là một chức sắc cao cấp đạo Cao Đài với phẩm Bảo pháp. Cha ông là nhà báo Nguyễn Trung Ngôn, bút danh Tam Đức, thi sĩ Trực Thần đồng thời cũng là một chức sắc đạo Cao Đài với phẩm Hiền tài.

Về âm nhạc, Bảo Thu được biết đến là một nhạc sĩ nhạc vàng danh tiếng trước năm 1975. Về ảo thuật, ông lấy nghệ danh Nguyễn Khuyến, là một trong số ít ảo thuật gia Việt Nam có bằng Tiến sĩ Ảo thuật do Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế trao tặng.

Thần đồng ảo thuật

Nhớ lại những ngày tháng xưa, ông chia sẻ, trong một ngày đi học về, ngang qua một đám Sơn Đông đang biểu diễn, Bảo Thu đã tò mò đứng xem. Thấy ông thầy bán thuốc đặt một con rối gỗ xuống thảm cỏ rồi ra lệnh cho nó nhảy múa và con rối đã nhảy múa theo đúng ý ông thầy. Không hiểu chuyện gì, Bảo Thu đã về hỏi ông nội. Thương cháu, ông nội đã cố công tìm hiểu nguyên lý “Vì sao con rối lại có thể nhảy được?”. Vì ngày đó bộ môn ảo thuật còn ít có ở Việt Nam nên ông nội phải tìm đến những cuốn sách bằng tiếng Pháp mới có thể lý giải được cho cháu nguyên tắc làm cho rối nhảy được.

Tuy nhiên, chưa thỏa trí tò mò, Bảo Thu đã tự mày mò học theo sách và tự luyện những tiết mục ảo thuật đơn giản. Đam mê ảo thuật đến quên ăn quên ngủ, Bảo Thu đã có những thành công đầu tiên, những tiết mục ảo thuật tự học đã được bạn bè trong lớp khen ngợi, thậm chí các thầy cô còn mời Bảo Thu lên trình diễn trong những dịp kỷ niệm hay bế giảng năm học.

Ông giành được nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực ảo thuật (Ảnh: internet)

Sớm biểu lộ tài năng trong lĩnh vực tạp kỹ, đặc biệt với bộ môn ảo thuật, từ năm 1959, ông thường đi theo làm thành viên dự bị và diễn ảo thuật cho ban nhạc Lâm Tuyền. Năm 1960, với nghệ danh Nguyễn Khuyến, ông nổi tiếng là “Thần đồng ảo thuật” tại Việt Nam khi mới 16 tuổi. Trong khoảng thời gian này, ông tranh thủ học sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau như trống, guitar... Đặc biệt, ông được thọ giáo ngón đàn guitar của giáo sư - nhạc sĩ Hoàng Bửu, một bậc thầy về guitar flamenco.

Năm 1962, ông chính thức gia nhập Hội Ảo thuật Pháp quốc (Association Française des Artistes Prestidigitateurs - A.F.A.P.) tại Paris. Năm 1963, ông trúng tuyển kỳ thi bằng Giáo sư Ảo thuật của trường QTAT "École International de la Magie". Tại đây, ông được thụ giáo tiết mục “Hóa chim bồ câu” và “Xòe bài” từ ảo thuật gia quốc tế Channing Pollock. Năm 1964, ông được Hội Ảo thuật gia Việt Nam Cộng hòa bầu làm Đại biểu chính thức của bộ môn Ảo thuật tại Việt Nam. Ông là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay nhận được vinh dự này.

Bén duyên với âm nhạc

Bảo Thu nói con đường trở thành ảo thuật là định mệnh với ông, từ ngày đến với ảo thuật ông đã coi ảo thuật là cuộc sống, là sự đam mê. Nhưng trên con đường của sự đam mê đó, đã xuất hiện một con đường khác, kéo ông đi vào như một cái duyên. Đó là trở thành nhạc sĩ.

Nghệ sĩ Bảo Thu đã từng chia sẻ: “Con người tôi khá ôm đồm. Ngoài ảo thuật, tôi còn sáng tác nhạc, biên tập, dàn dựng, đạo diễn nhiều chương trình và phim video ca nhạc. Thậm chí cả lĩnh vực múa, kịch rối tôi cũng đã học ở Hà Lan năm 1971. Riêng âm nhạc, 8 tuổi tôi đã học đàn mandoline, 15 tuổi học guitar. Năm 20 tuổi, tôi viết bản nhạc đầu tiên Ước vọng tương phùng, năm sau ra ấn phẩm đầu tiên là Đừng hỏi vì sao tôi buồn”.

Hành trình đến với âm nhạc của ông là một chặng đường dài. Năm 1967, ông tự xuất bản nhạc phẩm "Giọng ca dĩ vãng", do hãng đĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thu âm và ca sĩ Giao Linh trình bày. Nhạc phẩm nhanh chóng trở nên nổi tiếng, với số lượng bán 500.000 bản. Nhạc phẩm sau đó cũng được trình bày bởi nhiều ca sĩ tài danh bấy giờ như Thanh Tuyền, Thái Châu...Ảnh hưởng của nhạc phẩm này không chỉ đem cho tác giả nguồn tài chính dồi dào thời bấy giờ, mà còn làm đổi tên chương trình "Tiếng K thời đại" thành chương trình "Tiếng hát 20", rồi "Chương trình Bảo Thu". Ông cũng được mệnh danh là "Ông hoàng bồ câu" với những tiết mục ảo thuật độc đáo với chim bồ câu được thu và phát trên làn sóng truyền hình nhiều lần thời bấy giờ.

Ca khúc “Giọng ca dĩ vãng”, ca khúc làm nên cuộc đời âm nhạc của nghệ sĩ Bảo Thu (Ảnh: internet)

Chia sẻ lại kỉ niệm sáng tác ca khúc “Giọng ca dĩ vãng”, ca khúc làm nên cuộc đời âm nhạc của nghệ sĩ Bảo Thu. “Dạo đó, cô ấy sinh hoạt trong Ban văn nghệ thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Tôi thỉnh thoảng cũng đến tham gia sinh hoạt và phụ thầy Đức dạy nhạc cho nhóm. Rồi vì nhà ở gần nhau nên tôi thường đến nhà cô ấy dạy nhạc thêm. Tình cảm giữa hai đứa nảy sinh, nhưng chưa đi đến đâu thì cô ấy cho hay là gia đình đã đính hôn cho cô từ trước. Tôi bị sốc, bèn trút nỗi lòng viết lên từng câu chữ của bài hát”. Ông tâm sự

Kể từ đó, người ta bắt đầu biết tới Bảo Thu nhạc sĩ chứ không còn là Bảo Thu ảo thuật nữa. Bảo Thu chuyển nghề, làm phụ trách chuyên mục âm nhạc ở đài phát thanh, tổ chức các chương trình âm nhạc. Vẫn tưởng rằng mình sẽ theo nghề sáng tác âm nhạc thì năm 1973, Bảo Thu lập gia đình với ca sĩ Thanh Tâm.

“Thanh Tâm cũng là học trò của tôi trong những năm 1969-1970, nhưng đến năm 1973 thì trò hết hát, thầy hết dạy vì phải cùng... chuẩn bị cho đứa con đầu lòng” ông dí dỏm chia sẻ.

Hiện nay, ông sống cùng gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc hiện tại là làm giám khảo các hội thi ảo thuật, đạo diễn dàn dựng biên tập các chương trình tạp kỹ, làm quảng cáo cho các cơ sở thương mại...