03/05/2024 lúc 07:45 (GMT+7)
Breaking News

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: 'Mỗi ca khúc ra đời đều từ một câu chuyện có thật'

VNHNO - Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được công chúng biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: : Thu hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam,... đa phần những bài hát của ông đều mang một câu chuyện và cảm xúc thật của chính mình. Bởi lẽ đó mà mỗi giai điệu đều đem đến cho khán giả một cảm xúc rất chân thật

VNHNO - Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được công chúng biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: : Thu hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam,... đa phần những bài hát của ông đều mang một câu chuyện và cảm xúc thật của chính mình. Bởi lẽ đó mà mỗi giai điệu đều đem đến cho khán giả một cảm xúc rất chân thật.

Cuộc đời Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Hình ảnh người nhạc sĩ xứ Quảng (Ảnh: internet)

Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12/2/1948, tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Nguyên quán Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ngoài bút danh Vũ Đức Sao Biển ông còn có một số bút danh khác như Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại khi làm báo. Ngoài ra ông còn có tài sáng tác âm nhạc, viết báo, viết văn…

Nghề thầy giáo chính là sự lựa chọn của ông từ thời thanh niên. Năm 18 tuổi Vũ Đức Sao Biển đã vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm ban Việt - Hán và học Đại học Văn khoa, ban Triết học phương Đông. Ông nhớ lại: “Mười tám tuổi tôi xách chiếc vali nhỏ trong đó có tấm bằng tú tài, vài bộ đồ và một chiếc đàn violon, rời Quảng Nam vào đất Sài Gòn. Tôi đi về phương Nam vì lòng lỡ yêu câu hát: "Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long/Nước chảy con thuyền xuôi dòng/Hòa những tiếng hò ấm lòng".

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm ông đã đến Bạc Liêu dạy học các môn Văn và Triết học bậc trung học tại trường công lập Bạc Liêu. "Tháng 10/1970, tôi đặt chân xuống bến xe thị xã Bạc Liêu. Lúc này thì gia tài của tôi có khá hơn: Một chiếc valy, hai chứng chỉ tốt nghiệp đại học, hai cây đàn”. Từ những ngày tháng làm một nhà giáo thanh cao ở trên quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã hun đúc cho thầy giáo Vũ Hợi một tình yêu với giai điệu đờn ca tài tử của người miền Tây Nam Bộ, để rồi sau này ông quay lại quê hương thứ hai của mình sáng tác tác nên những bài ca bất hủ về vùng đất Bạc Liêu và miền đất phương Nam như: Tiếng quốc đêm trăng, Đau xót lý chim quyên, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Tình ca phương Nam, Chào Bạc Liêu…

Cái duyên đến với âm nhạc của người nhạc sĩ cũng thật tình cờ. Ông phát hiện ra tình yêu của mình với âm nhạc và quyết định gắn bó với nó, các tác phẩm của ông chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước…ngọt ngào, du dương, đầy ấn tượng.

 Mỗi ca khúc ra đời đều từ một câu chuyện có thật

Trong đêm nhạc Sol Vàng tháng 8 vừa qua khán giả đã được lắng nghe những ca khúc bất hủ, ngọt ngào của nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển. Đặc biệt trong đêm nhạc, nhạc sĩ cũng tiết lộ tới người nghe các tác phẩm của ông từ văn học đến âm nhạc ra đời đều xuất phát từ một câu chuyện có thật.

Nhạc sĩ chia sẻ, ca khúc “Mẹ Cửu Long” là một sáng tác dựa trên câu chuyện có thật mà nhạc sĩ nghe được từ chuyến đi miền Tây của mình vào năm 2001, bài hát này được ông hoàn thành chỉ sau một đêm bởi những cảm xúc dạt dào. Ông tâm sự: “Khi tôi ghé miền tây, tôi tình cờ nghe được một câu chuyện về người mẹ hy sinh lao xuống dòng nước cứu con mình trong mùa nước nổi. Hình tượng người mẹ, người phụ nữ Nam Bộ lúc đó để lại dấu ấn sâu đậm trong cảm xúc của tôi nên khi đêm đến tôi viết ngay ca khúc Mẹ Cửu Long này”.

Trong đêm nhạc Sol Vàng tháng 8, ca sĩ Phi Nhung đã thể hiện lại ca khúc “Mẹ Cửu Long” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (Ảnh: internet)

Nhắc đến tên Vũ Đức Sao Biển, người ta nghĩ ngay đến những giai điệu ngọt ngào mang đậm chất Nam Bộ nhưng buồn thăm thẳm, dường như đâu đó hiện lên cuộc tình buồn dang dở của chính ông trên những đồi sim trái chín đứng soi bóng nước xuống dòng sông nơi quê nhà xứ Quảng.

Câu hát quen thuộc ngân nga lên gợi cảm giác man mác buồn “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ...” Lời ca đượm buồn chứa chan kỷ niệm về một tình yêu trong mộng tưởng thuở mười chín đôi mươi của chính ông với người con gái mang tên Thu…

Câu chuyện tình trong ca khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển sau này đã trở thành nhiều giai thoại đẹp. Thu hát cho người cũng được xem là một trong những bài hát hay nhất trong dòng nhạc Bolero Việt Nam. Riêng với Vũ Đức Sao Biển, chính câu chuyện tình yêu lãng mạn bên đồi sim thuở nọ đã tạo cho ông nhiều nguồn cảm hứng bất tận trên bước đường âm nhạc sau này.

Ngoài ra trong chương trình, ca khúc Đêm gành hào cũng được thể hiện lại, nhạc sĩ cũng bật mí rằng đây là ca khúc được ông viết khi về thăm Bạc Liêu nơi gắn liền với một phần tuổi trẻ của ông. Ông chia sẻ: “Ngày ấy tôi trở về Bạc Liêu với nhiều cảm xúc lắm. Đêm đó trăng sáng, ngồi thuyền trên sông tôi nghe có tiếng radio trên Gành Hào vọng lại bản Dạ cổ hoài lang nên lấy ý tưởng sáng tác ca khúc Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang”.

Một người sống với tình yêu nghề, cống hiến hết mình vì nền âm nhạc nước nhà (Ảnh: internet)

Với tất cả tâm tư tình cảm của mình gửi gắm trong từng nhịp điệu câu từ của bài hát, Vũ Đức Sao Biển cùng âm nhạc của ông có thể chạm vào trái tim của bất kì người nghe nhạc nào. Một người sống với tình yêu nghề, cống hiến hết mình vì nền âm nhạc nước nhà, ông xứng đáng là một thế hệ nhạc sĩ tài năng để giới trẻ ngày nay tiếp bước noi theo.