18/01/2025 lúc 10:53 (GMT+7)
Breaking News

Nghề báo và hơn 3 thập niên, chuyện bây giờ mới kể

Nói về nghề báo đối với lứa tuổi như tôi về trước thì có bao nhiêu câu chuyện để nói, có những chuyện viết nên thành sách, nhiều chuyện nếu kể cười ra nước mắt,…trong bao vàn kỷ niệm của đời làm báo vui buồn lẫn lộn, trong đó tôi xin kể lại câu chuyện từ một phóng sự dài kỳ viết về Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cưu mang đồng bào dân tộc ở bản Rào Tre, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Chiếc xe đạp cà tàng và người đưa đường chỉ lối

Vào một buổi sáng tháng 8 năm 1992, tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng đến một quán sửa chữa cơ khí nằm bên đường mương nước đi Thạch Tân (nay gọi là đường Phan Đình Giót, thành phố Hà Tĩnh để nhờ bác thợ hàn hàn cho 2 cùi pê đan đã bị nhọn hoắt. Bác thợ có tên gọi ngang “Nho cơ khí” cầm ghi đông xe lắc lắc mấy lần rồi miệng ông lẩm bẩm nói, xe cộ chi chi mà như răng rụng, xích líp địa, pê đan không còn răng, lốp thì niền chạc mây. Sau đó ông nhìn vào tôi chằm chằm hỏi, chú làm nghề chi mà khổ thế chú? Tôi ngượng ngạo trả lời, dạ bác em làm nghề viết báo ạ, ông liền nói lại với tôi, nhà báo chi mà khổ vậy? tôi trả lời, nghề báo nhà em nghèo lắm bác ạ.

Nhà báo Nguyễn Anh Bình đang tác nghiệp

Sau một hồi lúi húi sửa chữa, thay thế một số phụ tùng bị hư hỏng, ông hàn lại cho tôi một đôi pê đan bằng hai đoạn đinh bulong bằng sắt cỡ to bằng ngón chân cái. Sau đó ông bàn giao chiếc xe đã được sửa chữa chu đáo lại cho tôi, nhìn tôi chằm chằm một lần nữa và nói như giao nhiệm vụ: chú làm báo tôi bày cho chú một nơi trên quê nhà tôi ở xã Hương Liên, Huyện Hương Khê có một bộ tộc “ăn lông ở lỗ” bốn năm gia đình chen chúc nhau ở trong mấy cái nhà sàn xiêu vẹo thiếu ăn, thiếu mặc, chú lên đó mà viết may ra bài báo của chú được đăng, Trung ương đọc được để lên cứu đồng bào với.

Nghe ông Nho mách bảo cảm xúc của tôi lúc đó như người bị lạc đường đã tìm được hướng đi. Trở về nhà đêm hôm đó cứ trằn trọc không sao ngủ được, chỉ mong sao trời sáng để cưỡi lên “con ngựa chiến” ngược rừng lên Hương Khê, tìm cho bằng được đồng bào dân tộc đúng như lời ông Nho kể thì hạnh phúc đối với người làm báo biết bao.

Thời bấy giờ đang trong đỉnh điểm của thời kỳ bao cấp, vả lại tỉnh Hà Tĩnh vừa mới được chia tách từ Nghệ Tĩnh về lại Hà Tĩnh, mọi khó khăn thiếu thốn đang chồng chất đối với một tỉnh nghèo Hà Tĩnh thời bấy giờ. Trước lúc dắt chiếc xe đạp cà tàng ra vợ tôi không quên gói cho tôi mấy củ khoai luộc, một bi đông nước. Chia sẻ khó khăn về đời làm báo của chồng mình, mang mấy củ khoai và bi đông nước ra treo trước ghi đông xe đạp và dặn, ba nhớ đi đường rừng cẩn thận không xe bị hỏng dắt bộ giữa rừng là khổ lắm đó. Tôi ngậm ngùi với sự thấu hiểu của vợ đối với nghề báo.

Ngược rừng mà đi

Con đường đất đỏ từ thị xã Hà Tĩnh lên thị trấn Hương Khê đi xe đạp phải mất hơn ngày đường. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu mờ sáng xuất phát từ thị xã Hà Tĩnh thì tối mịt mới đến được Hương Phố (tức thị trấn Hương Khê ngày nay). Quả đúng như nhận định, bởi đường lên Hương Khê thời ấy còn quanh co, nhiều đoạn còn suối sâu vực thẳm, mặt đường lởm chởm đá mồ côi, cả đoạn đường dài khó tìm ra được đoạn bằng để ngồi lên xe mà đạp cho khỏe đôi chân, phần nhiều phải dắt bộ, nên chậm thời gian so với dự tính, hơn gần 10 giờ khuya mới tới được huyện lị Hương Khê.

Do lần đầu mới đặt chân đến huyện miền núi này, tôi chưa hề quen biết ai, vả lại  đêm hôm điện đóm thời bấy giờ chưa có, phải lần mò tìm đến bến xe để ngả lưng tạm lấy sức để sáng mai hỏi đường tiếp tục hành trình tìm đồng bào dân tộc cho bằng được. Trong lúc chưa tìm được bến xe, tôi sà vào một gia đình đang đỏ đèn dầu ngay cạnh ngã ba đường để hỏi thăm đường đến bến xe. May sao có một người đàn ông to cao từ trong nhà bước ra thấy tôi lỉnh kỉnh dắt chiếc xe đạp cà tàng một mình trong đêm, người đàn ông hỏi ba câu, ba điều biết tôi là người ngay thẳng, liền đón tôi vào nhà cho nghỉ ngơi. Mặc dù lạ cái, lạ nước nhưng do đi đường ròng rã cả ngày nên đặt lưng xuống là đánh một giấc đến 7 giờ sáng mới tỉnh giấc, tôi mới phát hiện ra, mình đang được sự cưu mang của vợ chồng Bác sĩ Mô-Thư. Anh Mô là Bác sĩ Đại tá quân y, chị Thư là giám đốc bệnh viện Hương Khê, đúng như cổ nhân nói, “ở hiền gặp lành”.

Sáng sớm hôm đó được gia đình anh chị thết đãi cơm nước no nê, trước lúc lên đường, chị Thư cho biết, chú đi xe đạp từ đây vào chỗ đồng bào dân tộc còn 30-50 cây số đường rừng nữa mới đến nơi. Còn anh Mô thì dặn, đi đường phải cẩn thận, ngoài thú rừng hổ báo, voi ra, đường sá sông suối hiểm trở lắm đấy, trước khi vào bản chú nhớ phải gặp các chú Bộ đội biên phòng để họ giúp và phiên dịch lại tiếng nói của đồng bào chú mới hiểu. Anh Mô cứ nhắc đi nhắc lại với tôi là hết sức cẩn thận.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Chuyến vượt qua núi non gập ghềnh hiểm trở, bao phen người và xe đạp vật nhau vì phải bươn qua nhiều đoạn đường mòn đi bộ, chỉ có người và trâu bò qua lại. Cuối cùng tôi và con ngựa chiến cũng đến được dân bản.

Phía trước xuất hiện mấy ngôi nhà sàn lụp xụp nhỏ nhoi xiêu vẹo đúng như lời ông Nho thợ cơ khi kể, tôi vội vàng lôi chiếc máy ảnh Zenit (Liên Xô) ra chụp lấy chụp để hết cả cuốn phim 36 kiểu, lại tiếp tục lắp thêm cuộn khác để chụp.

Sau mấy ngày tiếp xúc với đồng bào trở về xuôi, phóng sự dài kỳ của tôi được đăng trên trang nhất của báo Hà Tĩnh: “Có một bộ tộc đang sống bơ vơ giữa núi rừng Hương Khê - Cuộc sống du cư hoang giã - Bệnh tật đe dọa sự tồn vong”. Sau khi báo phát hành được đông đảo bạn đọc đánh giá cao bởi lần đầu tiên mọi người mới biết ở Hà Tĩnh cũng có đồng bào dân tộc. Thời ấy chỉ đăng trên báo giấy chưa có báo điện tử, nên báo Hà Tĩnh nhu cầu bạn đọc rất đông, do báo Đảng bộ tỉnh phát hành còn khiêm tốn nên họ chuyền tay nhau đọc bởi họ cho đây là chuyện lạ.

Sau báo Hà Tĩnh đăng tải, báo nhân dân số chủ nhật ra ngày 13/9/1992 đăng chân trang phóng sự “Có một dân tộc sống khắc khoải giữa núi rừng Hương Khê,…”. Ngay sau khi báo Nhân dân phát hành tôi được Phó tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Khanh gọi tới Tòa soạn thông báo tin mừng, Cậu chuẩn bị ngày mốt ra Hà Nội gặp Bác Nguyễn Hữu Thọ Tổng biên tập Báo nhân dân để bác ấy giới thiệu cậu tới gặp Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh qua bài báo viết về đồng bào dân tộc ở Hương Khê. Nghe Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Khanh thông tin trong tôi cứ ngờ ngợ như không tin nổi đây là sự thật.

Sáng hôm sau tôi hứng khởi mua vé xe ra Hà Nội theo hướng dẫn của Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Khanh. Sau khi gặp Bác Hữu Thọ Tổng biên tập Báo Nhân dân, bác ấy chúc mừng bài viết của tôi, sau đó bác ân cần chỉ đường cho tôi đến số nhà 37 Hùng Vương, chỗ Văn phòng Quốc Hội thời bấy giờ để gặp bác Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội, Bác Mạnh đang chờ Bình ở đó, cháu cứ bình tĩnh mạnh dạn đến gặp Chủ tịch Quốc hội, theo bác đây là thành công của báo chí về phát hiện đề tài, cũng là thành công của Báo Nhân dân đó cháu.

Ảnh tư liệu: Tại nhà riêng của Chủ tịch Quốc hội (bên trái sang: Chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh, thứ 2 Đại tá Võ Hồng Tuyên, thứ 3 Thiếu tá Võ Trọng Việt và ngoài cùng là tác giả nhà báo Anh Bình)

Thế là tôi chắc chắn mình sẽ được gặp Chủ tịch Quốc Hội rồi. Do thời bấy giờ gia đình mình quá nghèo, bộ đồ mang cho tử tế cũng không có nên tôi vẫn bận bộ áo quần tác nghiệp. Khi tới cửa ngõ 37 Hùng Vương, người gác cổng nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói, chú ở đâu ra đây mà dám đến xin gặp Chủ tịch Quốc hội, tôi liền thưa, dạ em ở Hà Tĩnh, Bác Mạnh bảo ra bác gặp, người bảo vệ liền cầm máy gọi cho Chánh văn phòng Quốc hội, sau mấy phút tôi được cán bộ văn phòng dẫn lên lầu 2 thì thấy Chủ tịch và phó Chủ tịch Quốc hội đón tôi bằng tình cảm ân cần, trìu mến. Sau khi hỏi thăm gia đình, Bác Nông Đức Mạnh đưa tờ báo nhân dân có bài của tôi viết bác hỏi, bài này cháu viết ạ, tôi khiêm tốn, dạ thưa bác bài của cháu viết đó thưa bác, bác lại hỏi tiếp ảnh cụ bà Hồ Sinh 90 tuổi này có thật bà đang bóc hạt mít ăn thay cơm có đúng không, tôi trả lời, thưa bác phải ạ,… Sau những câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội nhẹ nhàng ân cần giáo huấn tôi: Cháu viết báo cho Đảng, cho dân rất tốt, nhưng chớ viết báo đời nha”. Câu dặn dò của Chủ tịch Quốc hội như một người cha dặn con, làm tôi xúc động, thấm sâu vào tâm khảm.

Sau buổi gặp gỡ, trước lúc chia tay Chủ tịch Quốc hội gửi lời hỏi thăm và cảm ơn Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã san sẻ cưu mang, chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc để đồng bào phần nào được an ủi khi có các anh - những người lính Biên phòng giúp đỡ. Sau đó bác dặn tôi, cháu nhớ về nói với anh Tuyên và anh Việt nhớ thứ 7 tuần tới cùng cháu ra bác gặp nhé.

Tôi vui mừng phấn khởi mang tin này về báo cáo lại cho Bộ chỉ huy biên phòng Hà Tĩnh. Chỉ huy trưởng thời bấy giờ là Đại tá anh hùng lực lượng vũ trang Võ Hồng Tuyên và Phó Chỉ huy trưởng Thiếu tá Võ Trọng Việt.

Thế là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã diễn ra, để cũng từ đây cuộc hồi sinh của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, Hương Khê được bắt đầu.

Kết thúc bài viết này, tác giả xin nhắc lại lời phát biểu ghi nhận của Trưởng ban tổ chức huyện ủy huyện Hương Khê Phan Đức Cung thời bấy giờ: “Huyện Hương Khê chúng tôi đã từng mang văn bản ra Hà Nội hàng chục lần để xin công nhận huyện miền núi mãi chưa được. “Nhưng khi bài báo của nhà báo Anh Bình đăng lên, sau một thời gian ngắn huyện Hương Khê chúng tôi đã được Trung ương, các bộ ngành công nhận là huyện miền núi Hương Khê”.     

Anh Bình