19/01/2025 lúc 21:23 (GMT+7)
Breaking News

Ngành y tế Ninh Thuận - 30 năm vì sức khỏe cộng đồng

Trải qua 30 năm tái lập tỉnh, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận có cơ hội nhìn lại cũng như đánh giá sự phát triển, ngày càng lớn mạnh của ngành y tế trên chặng đường xây dựng và trưởng thành dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết: Qua 30 năm hình thành và phát triển, mỗi giai đoạn là một chặng đường ghi dấu đậm nét sự trưởng thành của Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận, hệ thống tổ chức bộ máy dần dần được củng cố hướng tới sự hoàn thiện. Từ năm 1993 đến năm 2015 nhiều đơn vị được thành lập mới theo mô hình do Chính phủ và Liên Bộ Y tế - Nội vụ quy định. Đến năm 2015 toàn ngành Y tế có 32 đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện và 65 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

ThS.Bác sĩ CKII Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận - ảnh: VNHN

Qua kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh thần Nghị quyết 18 và 19 của Ban chấp hành Trung ương 6 khóa XII, đến nay ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận còn 18 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, huyện (trong đó gồm 02 Chi cục, 05 Bệnh viện công lập, 03 Trung tâm chuyên khoa, 01 Trường trung cấp Y tế, 07 Trung tâm Y tế huyện, thành phố) và 59 trạm Y tế xã, phường thuộc Trung tâm Y tế huyện, thành phố: tỷ lệ giường bệnh công lập đạt 29,9 giường/vạn dân tăng 13,6 giường/vạn dân so với năm 1992.

Bác sĩ, Lê Vũ Chương chia sẻ: Thời kỳ đầu khi mới tái lập, Ninh Thuận chỉ có 03 bệnh viện, sau 30 năm phát triển tỉnh nhà đã có 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 07 Trung tâm Y tế tuyến huyện (trong đó có 5 bệnh viện huyện và 03 phòng khám đa khoa); lúc đầu toàn tỉnh chỉ có 74 bác sĩ, tương ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân, đến nay là 490 bác sĩ (trong đó gồm 50 BSCKII, 162 BSCKI, 05 Thạc sỹ), đạt 10,2 bác sĩ/vạn dân; dược sĩ năm 2009 cả tỉnh 0,2 dược sĩ đại học/vạn dân, đến nay tăng lên 2,4 dược sĩ đại học/vạn dân.

Tất cả Trạm y tế đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 54/59 xã có bác sĩ làm việc đạt 91,5%; có nhân viên y tế thôn bản, xây dựng được mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các thôn khó khăn, tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ 2005 đến nay tăng từ 12,9% lên 93%... ngoài ra các Trạm y tế còn có mạng lưới cộng tác viên về dân số, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng chống HIV, Lao, Sốt rét, truyền thông giáo dục sức khỏe…

Tháng 4 năm 1992, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận được thành lập trên cơ sở Bệnh viện Phan Rang, hoạt động với quy mô 400 giường bệnh, năm 2010, Bệnh viện hoạt động với quy mô 500 giường, trang thiết bị thiếu và lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp - ảnh: tư liệu.

Năm 2012, Bệnh viện đa khoa tỉnh được hoàn thành đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bổ sung và nâng cao trình độ nhân lực, phát triển chuyên môn kỹ thuật và năm 2020 Bệnh viện đa khoa tỉnh được công nhận Bệnh viện hạng I với quy mô 1000 giường bệnh, thực hiện cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, là cơ sở thực tập, giảng dạy cho các học viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trong và ngoài tỉnh. Đến nay, bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện trên 300 kỹ thuật cao của tuyến trung ương, các bác sĩ đã thực hiện thuần thục được nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu tạo nên thương hiệu cho bệnh viện tỉnh Ninh Thuận như: tim mạch can thiệp; điều trị ung thư gan bằng phương pháp TOCE và đốt điện điều trị ung thư gan RFA; phẫu thuật điều trị u não, điều trị xẹp đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng tạo hình đốt sống, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng; phẫu thuật nội soi đường tiết niệu, điều trị ung thư đại tràng, dạ dày, các dị tập bẩm sinh ở trẻ em và sơ sinh… Điểm chất lượng của bệnh viện tăng dần qua từng năm kèm theo đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay, bệnh viện đang tiếp tục thực hiện đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021– 2025.

Bác sĩ, Trần Văn Hạnh - Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận đang thăm khám cho bệnh nhân - ảnh: VNHN

Chú trọng công tác đào tạo cán bộ y tế và nâng cao năng lực kiểm nghiệm thuốc, UBND tỉnh đã ban hành đề án thành lập Trường Cao đẳng y tế Ninh Thuận trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận, đồng thời xây dựng và triển khai đề án nâng cao năng lực phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thực phẩm và Thiết bị y tế theo TCVN ISO/ IEC 17025 và GLP.

Giai đoạn 2016-2020, phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở, hệ thống y tế tuyến huyện, tuyến xã được nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây mới cho 17 trạm y tế xã, 05 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và hiện nay các công trình đã được đưa vào sử dụng, 100% trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh ban đầu tại trạm. Dưới sự hỗ trợ từ các Dự án của Trung ương, từ nguồn vốn viện trợ EU và từ nguồn ngân sách tỉnh các trang thiết bị y tế đã được mua sắm phân bổ phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố và trạm y tế xã, phường…

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế đã có 2.851 cán bộ - ảnh: VNHN

Dịch bệnh truyền nhiễm được khống chế và kiểm soát, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm, nhiều dịch bệnh nguy hiểm trước đây thường xảy ra đến nay đã được khống chế và đẩy lùi; Từ năm 1995 đến nay không có dịch tả, dịch hạch, bệnh thương hàn, bệnh sốt rét được khống chế, giảm dần theo từng năm, tỷ lệ sốt rét giảm từ 7,14 người/1000 dân trong năm 1992 đến năm 2004 chỉ còn 0,18 người/1000 dân, từ năm 2011 đến nay không có ca tử vong do bệnh sốt rét; những dịch bệnh khác có khả năng gây dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, quai bị chỉ xuất hiện ở địa phương trên quy mô nhỏ và được khống chế kịp thời; các bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, phong đã được thanh toán hoặc loại trừ; năm 1995 là năm phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Ninh Thuận, đến nay số còn sống đang được quản lý là 380 người, tỷ lệ dân số nhiễm HIV được kiểm soát dưới mức 0,06 % dân số. Đặc biệt trong đợt đại dịch Covid-19 cuối năm 2019 bùng phát, Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận cùng các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai một cách nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Từ đó giúp khống chế nhanh được dịch, làm giảm đáng kể hậu quả, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh, an toàn xã hội.

Bên cạnh là sự quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn tỉnh từ thành phố tới vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giúp cải thiện các chỉ số như: trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 61,8% năm 1993 đến nay chỉ còn 12,5 %. Công tác bảo hiểm y tế (BHYT) cũng được quan tâm chú trọng nâng cao cả về tất cả mọi mặt, với sự tham gia đồng bộ của các sở, ban ngành địa phương, độ bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng. Giai đoạn 2007-2010 tỷ lệ dân số tham gia BHYT dưới 50%, từ sau 2012 dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận đã tích cực nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT, cũng như phối hợp các ngành liên quan vận động người dân chủ động tham gia BHYT vì quyền lợi được hưởng khi tham gia, đến nay tỷ lệ tham gia BHYT của người dân đã lên trên 93,3%. Ngoài ra, mạng lưới phân phối thuốc được phát triển đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Hiện nay ngành y tế tỉnh đã thẩm định và cấp phép hoạt động cho 07 công ty, 82 nhà thuốc, 298 quầy thuốc, 4 cơ sở chuyên bán lẻ thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và vị thuốc dược liệu, các điểm bán thuốc phân bổ ở hầu hết các xã phường.

Bác sĩ Lê Vũ Chương nhấn mạnh: Xác định phát triển nhân lực là yếu tố quan trọng góp phần phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian qua ngành Y tế luôn quan tâm, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế và thu hút nguồn nhân lực. Theo đó, hàng năm Sở Y tế đã có kế hoạch về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức toàn ngành; từ năm 2016 đến nay, đã cử đi đào tạo 53 bác sĩ CKII, 108 thạc sĩ/CKI, 244 đại học. Gần đây, đã cử 05 bác sĩ trẻ đang làm việc tại 05 huyện khó khăn, vùng biển đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I tại trường Đại học Y Dược Huế thông qua Đề án 585. Song song với đó là các chính sách thu hút bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn, trình độ cao về công tác tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Từ năm 2015 đến nay đã thu hút được 44 cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành y về công tác tại tỉnh. Hiện tại, ngành vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ y tế trình độ chuyên sâu, nhưng những kết quả đạt được cũng đã chứng minh cho sự cố gắng và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp nhằm nâng cao trình độ, tay nghề và giảm áp lực công việc của các cán bộ kỹ thuật cao, dãn bớt một số tua trực quá dày.

Phát triển nhân lực là yếu tố quan trọng góp phần phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân - ảnh: VNHN

Với trình độ đội ngũ cán bộ ngành y tế của tỉnh được nâng cao, bên cạnh đó là được trang bị thêm những máy móc hiện đại cũng như đầy đủ hơn đã giúp cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân, bà mẹ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận, cải thiện một cách rõ rệt. “Qua 30 năm phát triển, để đạt được những thành tựu như trên, Ngành Y tế tỉnh Ninh thuận đã được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp hỗ trợ của các Sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh và sự phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức và người lao động của Ngành Y tế tỉnh” - Bác sĩ Lê Vũ Chương nhấn mạnh.

Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 giao cho ngành Y tế, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và các nhiệm vụ thường xuyên, đặc thù của ngành.

Ngành Y tế Ninh Thuận xác định cần kiện toàn hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách: thu hút, bổ sung cán bộ chuyên môn ưu tiên có trình độ đại học và sau đại học; cần nâng cao chất lượng y tế dự phòng; thực hiện các mục tiêu công tác dân số - phát triển; nâng cao năng lực hệ thống khám chữa bệnh; đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên y tế cơ sở; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vắc-xin, vật tư y tế.

Xây dựng và phát triển y tế sơ sở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã phường, thị trấn, tập trung vào các nhiệm vụ chính thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; triển khai xây dựng mô hình thí điểm trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình cùng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; Tiếp tục phát triển y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Sau 30 năm phát triển tỉnh nhà đã có 05 bệnh viện tuyến tỉnh với 01 bệnh viện hạng I, 07 Trung tâm Y tế tuyến huyện (trong đó gồm 5 bệnh viện huyện 03 phòng khám đa khoa) - ảnh: VNHN

Triển khai hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường nhân lực cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; Tuyến tỉnh làm tốt công tác chỉ đạo tuyến đối với Trung tâm Y tế huyện; Tuyến huyện tăng cường luân phiên bác sĩ về khám chữa bệnh tại trạm y tế; tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai đào tạo chuyên khoa I bác sĩ Y học Gia đình cho Bác sĩ tuyến huyện và xã; nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn y tế và dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng bộ trên tất cả các kênh thông tin đại chúng nhằm tiếp tục củng cố nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng, vai trò và tính liên tục của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và công tác DS-KHHGĐ; tập trung chỉ đạo các hoạt động y tế dự phòng gắn với y tế cơ sở; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến; đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng, khám, chữa bệnh phục hồi chức năng; ưu tiên cung cấp miễn phí dịch vụ nâng cao chất lượng dân số cho các hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân - Bác sĩ Lê Vũ Chương chia sẻ.

Nguyễn Hương - Đình Tiến