Nghệ An là một tỉnh đất rộng người đông, có nền sản xuất nông lâm nghiệp đa dạng, với nhiều tiềm năng, nhưng cũng không ít những khó khăn đan xen trong suốt quá trình phát triển. Những năm gần đây, nhờ nỗ lực cao của cấp ủy và chính quyền các cấp, của ngành NN&PTNT, sự phối hợp của các sở, ngành, doanh nghiệp và cố gắng lớn của nông dân trong tỉnh, nông nghiệp và kinh tế nông thôn Nghệ An đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc)
Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Nghệ An đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại được chú trọng phát triển. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có chuyển biến tích cực. Nghệ An hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Trên cơ sở đó, Tỉnh đã thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ dân với trang trại, hợp tác xã ở Nghệ An đã có những bước phát triển mới. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được thực hiện rất tốt.
Một trong những mối quan tâm lớn của nông nghiệp Nghệ An là đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Trên thực tế, những thành tựu về sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An thời gian qua có sự đóng góp to lớn của khoa học và công nghệ. Cho nên, Nghệ An được coi là một trong những điểm sáng trên toàn quốc về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với sự tiên phong của Tập đoàn TH, Vinamilk và nhiều mô hình khác…
Trong số hàng trăm đề tài, dự án (gọi tắt là nhiệm vụ) khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên tất cả các lĩnh vực đã được triển khai, thì các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, thủy, hải sản và lâm nghiệp) chiếm gần 50%. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông của tỉnh cũng đã xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ mới về KH&CN trong nông nghiệp, với số kinh phí đầu tư từ nhiều nguồn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình cũng đã đầu tư để nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN mới vào sản xuất, kinh doanh của mình.
Trong quá trình đó, nhiều giống mới về lúa, ngô, rau, đậu, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, giống thủy sản, giống bò, lợn, gà đã được khảo nghiệm và từng bước đưa vào sản xuất, mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều kỹ thuật mới cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng và áp dụng rộng rãi trong sản xuất, như các kỹ thuật về giống, kỹ thuật tưới hiện đại, kỹ thuật nhà lưới, nhà màng; kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình sạch, an toàn.
Nghệ An chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Cùng với đó, quá trình Cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được triển khai khá đồng bộ, trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ phát triển gắn với thế mạnh của từng lĩnh vực và từng địa phương. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, các cánh đồng lớn được hình thành, góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích, giúp nhà nông yên tâm gắn bó với ruộng đồng.
Quyết tâm giành thắng lợi trong năm 2021
Năm 2021 đặt ra với ngành Nông nghiệp Nghệ An những nhiệm vụ lớn hơn, nhưng cũng nhiều thách thức hơn, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Một số Chỉ tiêu sản xuất chủ yếu của Ngành là: Diện tích gieo cấy lúa 90.000 ha, ngô 17.500 ha, lạc 11.500 ha và rau màu các loại 13.000 ha. Để sản xuất Nông nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 47 về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ xuân năm 2021. Chỉ thị yêu cầu các huyện phải thành lập Ban chỉ đạo xản xuất, phân công người phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn. Phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước. Rà soát lại các nguồn nước tại hồ đập, sông suối để chuyển đổi cơ cầu cây trồng cho phù hợp với điều kiện cụ thể…
Cũng với tinh thần đó, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Nghệ An đã chủ động đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu để từ đó tiếp tục có sự điều chỉnh hợp lý; Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; Đặc biệt là việc nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai ứng phó tốt với biến đổi khí hậu; Tăng cường thu hút doanh nghiệp để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Ngành Nông nghiệp Nghệ An xác định, sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2021 phải đặt an toàn lên hàng đầu, gieo cấy càng sớm càng tốt, chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ, chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, nắm bắt kịp thời diễn biến sâu bệnh để kịp thời phòng chống hiệu quả. Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2021; Thành lập các đoàn kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt đề án này; Chỉ đạo các huyện, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng đề án sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2021 thích hợp nhất nhằm phát huy tối đa lợi thế sẵn có, thể hiện tinh thần phấn đấu cao và có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo chủ động giành thắng lợi…
Đi đôi với đó, Ngành tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách mạnh mẽ theo hướng chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án thuộc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Với một “hành trang” đã được chuẩn bị như vậy, sản xuất Nông nghiệp Nghệ An trong năm 2021 nhất định tiếp tục đạt kết quả cao và toàn diện.