10/01/2025 lúc 19:46 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Giao thông vận tải năm 2021 đối mặt với áp lực lớn do dịch Covid-19

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, dịch Covid-19 khiến ngành GTVT đối mặt nhiều áp lực trong triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, dịch Covid-19 khiến ngành GTVT đối mặt nhiều áp lực trong triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Sáng nay 25/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tại hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, năm 2021, toàn ngành giao thông đối mặt nhiều áp lực rất lớn, phải thực hiện mục tiêu kép đảm bảo giao thông thông suốt trong điều kiện phòng, chống Covid-19. Cùng lúc đó phải triển khai hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành GTVT

Trước nhiệm vụ đặt ra, lãnh đạo Bộ cùng toàn thể cán bộ, người lao động ngành GTVT đã nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thì chắc chắn Bộ GTVT sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng việc thiếu hơn 60 triệu m3 vật liệu phục vụ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 giúp ngành GTVT sớm khơi thông được nguồn vật liệu để tổ chức thi công.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án trọng điểm, lưu thông vận chuyển vật liệu cũng gặp nhiều khó khăn khi các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch. Song, Chính phủ ban hành nhiều văn bản gỡ vướng, cùng với sự đồng cảm, chia sẻ của địa phương đã giúp các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ.

Các Ủy ban Quốc hội cũng đồng hành, hỗ trợ ngành GTVT tìm ra các giải pháp triển khai dự án trọng điểm khả thi cao nhất; gần đây nhất, là việc tổ chức đề án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hiện thực hóa đề án đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc và 5.000km vào năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, thời gian qua Bộ GTVT nhận được sự phối hợp, đồng hành của nhiều Bộ, ngành. Bộ Tài Nguyên & Môi trường phối hợp, tạo thuận lợi trong công tác tìm kiếm, bố trí nguồn vật liệu, các vấn đề lớn liên quan đến khoáng sản, công tác đánh giá tác động môi trường phục vụ các dự án giao thông.

Bộ Xây dựng đồng hành cùng Bộ GTVT đánh giá, làm thủ tục hồ sơ thẩm định một cách chặt chẽ để bàn giao cho Hà Nội đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đưa vào vận hành sau 10 năm triển khai. Dự án này có thể nói là niềm vui rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn dân.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ Công an trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp, luôn phối hợp chặt chẽ, đồng hành với Bộ GTVT. Thậm chí, có những lúc, chúng tôi chuyển cả phần mềm cấp QR Code cho Bộ Công an để các đồng chí vừa quản lý, tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm”, Bộ trưởng nói.

Hay Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã song hành, phối hợp nhịp nhàng cùng Bộ GTVT đưa hàng hóa từ các vùng sản xuất đến với người dân, đô thị một cách thuận lợi nhất.

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông được mở đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Đặc biệt, giai đoạn này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã dành cho ngành Giao thông nguồn lực rất lớn với mong muốn đột phá về hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đã được giao.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị một số kết quả nổi bật, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5/8 Nghị định, phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tất cả các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ ban hành đều được Bộ GTVT công bố và triển khai kịp thời; riêng quy hoạch hàng không đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua.

Trong bối cảnh Covid-19, Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý, tháo gỡ ngay vướng mắc, ban hành hướng dẫn tổ chức hoạt động tổ chức vận tải ở các địa phương, bảo đảm hoạt động vận tải lưu thông an toàn, thông suốt.

Về công tác xây dựng cơ bản, năm 2021, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án, hoàn thành 14 dự án. Trong đó có dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác.

Những nỗ lực của Bộ GTVT đã đem lại kết quả cho Bộ là một trong những Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước giải ngân ấn tượng. Đến hết tháng 1/2022, dự kiến kết quả giải ngân đạt trên 95% đáp ứng kế hoạch của Chính phủ.