16/01/2025 lúc 13:52 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Chế biến thủy sản Hà Tĩnh: Hồi sinh mạnh mẽ từ Chương trình OCOP

Phát huy những thành quả tích cực đã đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh xác định tiếp tục xem Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy những thành quả tích cực đã đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh xác định tiếp tục xem Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung thực hiện chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã và sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, như: Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về Chương trình OCOP với nhiều hình thức; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu, điều phối các cấp và các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP; Tổ chức thẩm định, chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh cho các chủ thể tham gia Chương trình; Kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đã được xếp hạng; Triển khai thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Hà Tĩnh; Tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu phát triển, mở rộng quy mô sản xuất...

Nước mắm Thu Hùng của HTX thu mua và chế biến thủy hải sản xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. (Ảnh Minh Tâm)

Là tỉnh có bờ biển dài 137 km với thềm lục địa rộng, đây là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt là  phát triển trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Tận dụng lợi thế đó, trong những năm qua, người dân Hà Tĩnh sản xuất đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: Nước mắm, tôm, mực, cá đông lạnh, chả cá, bột cá, sứa thành phẩm, mực khô, cá khô, moi khô...

Tuy nhiên ngành nghề chế biến thủy hải sản Hà Tĩnh cũng gặp không ít khó khăn thách thức, nhất là trong việc xây dựng được thương hiệu, quảng bá sản phẩm, giá thành chưa tương xứng....

Nước mắm Kỳ Phú, cá mờm Đỉnh Miện của HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh

(Ảnh Minh Tâm)

Đặc biệt vào năm 2016, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, hệ lụy kéo dài cả những năm sau đó, các cơ sở chế biến thủy hải sản trong tỉnh trong tình trạng “chết lâm sàng”. Sản phẩm cũ tồn đọng, sản phẩm mới không được khai thác, người tiêu dùng e ngại ...

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành trong quá trình xử lý sự cố môi trường biển và đặc biệt là Chương trình OCOP đã góp phần làm hồi sinh, phát triển mạnh mẽ ngành nghề chế biến thủy hải sản Hà Tĩnh. Với quan điểm phát huy thế mạnh địa phương, lấy chất lượng làm nên thương hiệu và nhận thấy những lợi ích mà Chương trình OCOP mang lại, từ năm 2018 đến nay, nhiều chủ thể đại diện cho các cơ sở, HTX, THT, DN chế biến thủy hải sản trên toàn tỉnh đã mạnh dạn tham gia Chương trình, đổi mới tuy duy, đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống nhà xưởng, cải tiến nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Như các sản phẩm nước mắm (nước mắm Luận Nghiệp, Nhất Ninh, Bà Thinh, Phú Khương, Kỳ Khang, Thu Hùng...; tôm nõn (Hoa Linh Chi, Thu Hùng); sứa ép (Thạch Hà, Luận Nghiệp, Trung Khang); mực khô (Thu Hùng); cá ngần khô (Hoa Linh Chi)...)

Sứa ăn liền Kỳ Khang của HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Khang, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh

(Ảnh Minh Tâm)

Một thực tế được khẳng định: Thời gian qua, các sản phẩm thủy hải sản chế biến của Hà Tĩnh ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường, trước hết là nhờ nguồn nguyên liệu tươi ngon, sự đầu tư về kỹ thuật, tay nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến.  Nhưng quá trình đó không thể thiếu được vai trò quan trọng của việc tham gia Chương trình OCOP, nhờ đó mà uy tín và thương hiệu của nhiều sản phẩm thủy hải sản chế biến đã được nâng cao và lan tỏa mạnh mẽ. Có thể nói, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” như một “làn gió mới” giúp các cơ sở chế biến thủy hải sản hồi sinh. Nhiều cơ sở phát triển mạnh mẽ, thậm chí có cơ sở tăng sản lượng gấp 3-4 lần so với trước khi tham gia chương trình. Không chỉ như vậy, sự hồi phục của ngành chế biến thủy hải sản đã góp phần quan trọng giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, ổn định sản xuất.

Nước mắm Luận Nghiệp (Kỳ Ninh - Kỳ Anh) - Sản phẩm OCOP có uy tín trên thị trường

Đi sâu vào thực tế có thể thấy rằng, khi tham gia OCOP và để phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản của Hà Tĩnh đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: GMP, HACCP, ISO 22000... Ngoài ra, nhiều sản phẩm thủy, hải sản ở các địa phương ven biển được các cơ sở sản xuất chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Mặt khác, để được địa phương và người tiêu dùng công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp... Và điều quan trọng nhất với mỗi sản phẩm là qua đó, ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng, vươn xa đến nhiều thị trường trong và ngoài nước. Chương trình OCOP đã làm tốt việc kết nối với các đầu mối tiêu thụ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phẩm nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 35 sản phẩm thủy hải sản của 26 cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt chất lượng 3 - 4 sao. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP đều phát triển mạnh hơn, cả về sản lượng và doanh thu; thị trường cũng được mở rộng hơn. Xin nêu một số sản phẩm thủy hải sản đạt OCOP (Trong số 35 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP của 26 cơ sở sản xuất): Nước mắm Phú Khương  (Kỳ Xuân, Kỳ Anh) xếp hạng 3 sao (2019) có mức tăng doanh số lên tới 132% so với trước khi tham gia chương trình; Nước mắm Kỳ Phú (xã Kỳ Phú, Kỳ Anh) đạt mức tăng 221%; Cá mờn khô Đỉnh Miện (xã Kỳ Phú, Kỳ Anh) đạt mức tăng doanh số 140%; Nước Mắm Trung Khang (xã Kỳ Khang, Kỳ Anh) đạt mức tăng 174%; Nước mắm Lạch Kèn (xã Cương Gián, Nghi Xuân) đạt mức tăng 150%; Chả cá Mậu Nguyễn (xã Xuân Giang, Nghi Xuân) đạt mức tăng 100%; Tôm nõn khô Thu Hùng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) đạt mức tăng 50%; Mực khô Thu Hùng (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) đạt mức tăng 63%; Ruốc chua Bà Thinh (Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đạt mức tăng 186%; Ruốc nêm Nhất Ninh ( Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) đạt mức tăng 280%... Đó là những con số “biết nói” về kết quả thiết thực do OCOP mang lại.

Nhờ những kết quả rất đáng ghi nhận đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2018-2020.

Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là Chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, là giải pháp quan trọng để Hà Tĩnh thực hiện thành công tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển số, tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng để sản phẩm OCOP Hà Tĩnh ngày càng khẳng định thương hiệu và đi xa hơn nữa.