11/01/2025 lúc 05:28 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng Phát triển Châu Á lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2021, tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, đạt 3,8%, song ADB vẫn lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2021, tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, đạt 3,8%, song ADB vẫn lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa - Internet

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

“Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định. “Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”.

ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới./.