Nguyên nhân chính của việc sụt giảm lợi nhuận là thu nhập lãi thuần trong quý III ghi nhận lỗ 2,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước mang về gần 440 tỷ đồng). Lãi thuần mảng mua bán chứng khoán đầu tư giảm 55,7% mang về 24,2 tỷ đồng.
Trong khi đó các mảng hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối vẫn có sự tăng trưởng, tuy vậy nguồn thu nhập này chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Giải trình về con số lợi nhuận giảm, ngân hàng cho biết đã đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN; thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại. Đồng thời, NCB cũng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của NCB tăng 6% đạt 78.198 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 45.164 tỷ đồng tăng 8,5% so với đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng của NCB giảm 0,3% so với đầu năm với 64.334 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 3% cuối năm trước lên 14,72%.
Trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn 3 lần lên 1.353 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng từ 181 tỷ đồng lên 2.831 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 4 lần từ 603 tỷ đồng lên 2.462 tỷ đồng.
Lý giải về việc nợ xấu tăng mạnh trong kỳ, NCB cho biết nguyên nhân một phần do nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.
Trong 9 tháng, NCB cũng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay, tăng 31% lên 906 tỷ đồng.