Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) vừa có báo cáo tài chính công bố lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý IV/2021. Tính chung cả năm, NCB chỉ thu về vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng tiền lãi sau thuế.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2021 của NCB năm 2021
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần 171 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi lại tăng trưởng hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi từ dịch vụ 42 tỷ đồng, tăng 160%. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 2,7 lần, ở mức 269 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng 2 lần lên 25 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 55% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 220 tỷ đồng. Trong quý IV/2021, NCB dành ra hơn 97 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 10 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, nhà băng này trích hơn 326 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Do đó, NCB báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4, cùng kỳ năm trước nhà băng này chỉ lỗ gần 25 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 12% so với năm trước, chỉ ghi nhận gần 752 tỷ đồng. Ngân hàng trích hơn 243 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và hơn 506 tỷ đồng cho tái cấu trúc. Do đó, cả năm Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 2.3 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.4 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và tăng 16% so với năm trước.
Một số chỉ tiêu tài chính của NCB tính đến 31/12/2021. Đơn vị: Tỷ đồng
Năm 2021, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1,000 tỷ đồng, như vậy Ngân hàng đã thực hiện được 75% kế hoạch.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng này ở mức 73.784 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 74%, xuống 3.064 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3% 41.615 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu ở mức 1.249 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối năm 2020. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 10 lần, ở mức 603 tỷ đồng và nợ nghi ngờ gấp đôi, lên 464 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ 1,51% đầu năm lên 3%.
Về nguồn vốn, tiền gửi của tổ chức tín dụng khác giảm đến 95% so với đầu năm, còn gần 473 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng giảm 10%, xuống hơn 64.520 tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của NCB tính đến 31/12/2021
Cụ thể, giá chào bán NVB là 10.000 đồng một cổ phiếu, dự kiến thu về 1.500 tỷ đồng. NCB cho biết sẽ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua cổ phiếu. Thời gian phân phối là 90 ngày kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 30/12/2021.Trước đó, nhằm bổ sung vào vốn điều lệ, NCB đã đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVB, đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký ngày 30/12/2021.
Các lĩnh vực mà NCB sẽ dùng vốn điều lệ có được từ việc tăng vốn đợt này bao gồm: đầu tư vào công nghệ, phát triển các dự án digital banking; đầu tư cho việc thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu; mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số khách hàng chiến lược và khách hàng cá nhân cao cấp.
Đồng thời, số tiền cũng được NCB sử dụng để tăng năng lực tài chính cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Quốc Dân (AMC); đảm bảo việc tuân thủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động…
Trên thị trường, cổ phiếu NVB là mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trong năm 2021 với mức tăng lên đến 219%. Những ngày đầu năm mới 2022, giá cổ phiếu NVB tiếp tục tăng trưởng, chốt phiên 20/01/2022 ở mức 30.000 đồng/cp, tăng 18% so với đầu năm, thanh khoản bình quân chưa đến 500.000 cp/ngày.