Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông đã và đang minh chứng rõ nguồn vốn tín dụng luôn ưu tiên hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội; trong đó, tập trung cho vay vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, hỗ trợ, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS một cách hiệu quả, thiết thực nhất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã và đang minh chứng rõ nguồn vốn tín dụng luôn ưu tiên hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chỗ dựa vững vàng của bà con nghèo DTTS
Xã Đăk Ngo là một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông, vào mùa mưa từ trung tâm huyện để đi được đến xã cho kịp giờ giao dịch các cán bộ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức phải đi từ 4h sáng và có đôi khi cán bộ phải xuống để đẩy xe qua những đoạn đường sình lầy. Thế mới biết điều kiện của những người dân sinh sống ở nơi đây hết sức khó khăn và thiệt thòi.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đông con ở bon Điêng Đu xã Đăk Ngo; khi đến tuổi lấy vợ lập gia đình, anh Điểu Hưng được bố mẹ cho ra ở riêng. Không có đất sản xuất, đôi vợ chồng trẻ chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày để mưu sinh vất vả, luôn mong muốn vươn lên thoát nghèo nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh Điểu Byan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bon Điêng Đu, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Điểu Hưng tiếp cận vốn vay NHCSXH.
Vừa vui mừng, vừa xen lẫn lo lắng là tâm trạng của vợ chồng anh Điểu Hưng vì không biết bắt đầu từ đâu, sử dụng vốn vay như thế nào để có hiệu quả. Thấu hiểu tâm tư của bà con, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Tuy Đức, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bon Điêng Đu đã hướng dẫn cặn kẽ cho hộ vay. Năm 2012, sau khi được nhận 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, vợ chồng anh Điểu Hưng mua 2 con bò giống và làm chuồng nuôi bò sinh sản. Chỉ sau một năm, 2 con bò đã sinh thêm ra bê con. Hiện nay, gia đình anh đã có 3 con bò mẹ, 3 con bò con cộng thêm dành dụm mua được 5 sào đất rẫy. Không dừng lại ở đó, anh Điểu Hưng còn đi học thêm nghề thợ hàn để có thêm công ăn chuyện làm. Đến nay, không những đã thoát nghèo 2 vợ chồng anh Điểu Hưng còn có thêm 1 cửa tiệm hàn tiện nhỏ.
Trong những năm qua, với đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được NHCSXH huyện Tuy Đức chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng, thực sự đi vào cuộc sống.
Với ý thức vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, năm 2019 sau khi trả hết nợ của chương trình hộ nghèo, anh được NHCSXH huyện Tuy Đức cho vay 50 triệu đồng chương trình vốn vay hộ SXKD vùng khó khăn để đầu tư vào sản xuất. “Cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều. Tất cả là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, đặc biệt là NHCSXH huyện Tuy Đức đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi có nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống”, anh Điểu Hưng cho biết.
Trong những năm qua, với đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được NHCSXH huyện Tuy Đức chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mọi hoạt động của NHCSXH không thể tách rời sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị - xã hội, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, bà con DTTS là hộ nghèo vay vốn đã hiểu rõ việc vay vốn ưu đãi là quan hệ tín dụng có vay, có trả, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không còn xem đây là một nguồn vốn cứu trợ của Nhà nước mà nhận thức đúng đắn hơn trong việc sử dụng vốn, biết tích lũy trả nợ ngân hàng.
Về phía ngân hàng, luôn tập trung vào nâng cao hiệu quả đồng vốn ưu đãi bằng cách cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, không để vốn tồn đọng lãng phí, kịp thời thu lãi, thu nợ đến hạn, luân chuyển vốn nhanh, hiệu quả. Giám đốc NHCSXH huyện Tuy Đức Trần Duy Kiên cho biết: Gắn với đồng vốn của ngân hàng là hoạt động cho vay ủy thác qua hội, đoàn thể ở cơ sở, 100% hộ vay chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức rất thấp. Thông qua “cánh tay nối dài” này, các chương trình tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn tín dụng đã phát huy vai trò điểm tựa cho bà con DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đã có nhiều mô hình xóa nghèo bền vững tạo sự lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một bộ phận hộ nghèo DTTS nói riêng.
Đã có nhiều mô hình xóa nghèo bền vững tạo sự lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một bộ phận hộ nghèo DTTS nói riêng.
Hiện nay, NHCSXH huyện Tuy Đức đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt hơn 439 tỷ đồng với 11.862 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt hơn 39 tỷ đồng đồng, với 1.209 hộ còn dư nợ. Giai đoạn 2015 - 2020, đã góp phần tạo việc làm mới cho 425 lao động, giúp 4.387 hộ thoát nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 300 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng 2.500 công trình cung cấp NS&VSMTNT,…
Công cụ kinh tế hữu hiệu thực hiện mục tiêu kép
Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, tín dụng chính sách xã hội được xác định là một giải pháp căn cơ nhằm tạo điều kiện trợ giúp người nghèo vay vốn kết hợp, hướng dẫn cách làm ăn để phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đăk Nông là một tỉnh mới, còn nghèo nên đời sống của một bộ phận nhân dân nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn khi trình độ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản… Do vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tập trung huy động nguồn vốn; tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho các xã vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, kết hợp công tác cho vay với công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
NHCSXH tỉnh Đắk Nông đồng hành phát triển kinh tế vùng đồng bào Dân tộc thiểu số.
Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho các hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát cho vay kịp thời nhằm đảm bảo 100% các hộ nằm trong đề án, có nhu cầu đều được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội một cách nhanh nhất. Từ thực tế triển khai cho thấy, có những hộ DTTS được giải quyết cho vay từ 2 - 3 chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ giải quyết các vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống như: đầu tư sản xuất, làm nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đang từng ngày góp phần thay đổi tích cực đời sống của bà con DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Với lợi thế về mạng lưới hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận trực tiếp với bà con ở 100% các thôn, làng trong tỉnh, tác động toàn diện tích cực đến mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn vay ưu đãi không chỉ giúp bà con DTTS làm quen với giao dịch tín dụng đầu tư cho SXKD mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, ngày càng tự tin hơn trong tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, tự lực vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn.
Minh chứng cụ thể cho điều này, trải qua 19 năm hoạt động, Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là 3.144 tỷ đồng với 68.446 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có 13.310 hộ nghèo; 7.875 hộ cận nghèo; 9.912 hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ tại NHCSXH; có 1.386 hộ nghèo đang còn dư nợ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà theo quyết định 167 và quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn theo cam kết. Đến nay có trên 23 ngàn hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào DTTS còn dư nợ, chiếm 33% số hộ còn dư nợ, với dư nợ 1.024 tỷ đồng, chiếm 32% so với tổng dư nợ 3.144 tỷ đồng./