Nga Sơn là huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá hơn 40 km về phía Đông Bắc, diện tích tự nhiên là 15.782 ha, với 39.879 hộ, 141.690 người, trong đó có 2,6 vạn đồng bào theo đạo Công giáo. Khi triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới huyện có 26 xã và 01 thị trấn, đến ngày 01/12/2019 sau khi sáp nhập xã, huyện còn 23 xã và 01 thị trấn. Địa hình huyện được bao bọc bởi ba con sông lớn (sông Lèn, sông Hoạt, sông Càn) và 20 km bờ biển. Hệ thống giao thông khá đồng bộ, có tuyến Quốc lộ 10 chạy dọc xuyên suốt từ đầu tới cuối huyện và 4 tuyến tỉnh lộ kết nối với hệ thống giao thông của huyện.
Trung tâm Hội nghị Huyện Nga Sơn
Địa danh Nga Sơn gắn liền với sự tích “Quả Dưa hấu với Mai An Tiêm”, huyền thoại “chuyện tình Từ thức - Giáng Hương với vẻ đẹp tự nhiên của Động Từ Thức”; không chỉ gắn liền với những câu chuyện huyền thoại, Nga Sơn còn là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử với 7 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh, là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống thực dân Pháp cuối thế ký thứ XIX. Nga Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, người dân Nga Sơn cần cù chịu khó, hiếu học, có nhiều khoa bảng được ghi danh, tiêu biểu như Thám hoa Mai Anh Tuấn, tiến sĩ Mai Thế Chuẩn.
Phát huy bề dày truyền thống của quê hương, khắc sâu lời dạy của Bác “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, nhất là sau khi tiếp thu chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với ý chí, quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện Nga Sơn đã đoàn kết, đồng lòng với tinh thần, quyết tâm cao cùng cách làm năng động, sáng tạo đã tạo nên thành quả trong XDNTM. Diện mạo nông thôn mới huyện Nga Sơn hôm nay đã từng ngày khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Nga Sơn gặp không ít khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 24,23%, trong đó khu vực nông thôn chiếm 24,52%. Bình quân tiêu chí NTM toàn huyện đạt 5,3 tiêu chí/xã, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện thành công xây dựng NTM, năm 2010 huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Nga Sơn với 35 thành viên do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Trong quá trình thực hiện, BCĐ đã 6 lần được kiện toàn để phù hợp đáp ứng trong tình hình mới. Căn cứ các lĩnh vực phụ trách, thành viên BCĐ được phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí NTM. Đối với các xã khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các tổ công tác phụ trách các xã nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. BCĐ huyện thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban đánh giá công tác triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đề ra giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Năm 2011, Ban chỉ đạo huyện đã chọn xã Nga An để chỉ đạo điểm trong xây dựng NTM. Với quyết tâm cao và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2013 xã Nga An đã đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM đầu tiên của tỉnh.
Thấm nhuần quan điểm XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, trong đó, cấp ủy, chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể. Sau khi tiếp thu triển khai của Tỉnh, Ban chỉ đạo huyện Nga Sơn đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện một cách hết sức nghiêm túc và cụ thể; từ khi triển khai đến nay đều duy trì công tác giao ban định kỳ thường xuyên hàng quý, hằng năm để đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ tiếp nối. Huyện ủy, HĐND, UBND đã ban hành hàng loạt Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, Đề án cụ thể cho giai đoạn và từng năm; xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để chỉ đạo, thực hiện. Trong 10 năm đã có tới 24 Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ là trên 207,4 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được cấp uỷ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm; tổ chức các hội thi tìm hiểu về kiến thức xây dựng NTM; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, trên 250 bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, 22 lần tuyên truyền cổ động bằng xe lưu động; tuyên truyền trực quan bằng các cụm tin, băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng được 258 cụm tin lớn, 8.350 pano, 8.235 băng rôn, 7.450 khẩu hiệu treo tường; tổ chức nhiều cuộc đi học tập kinh nghiệm cho BCĐ huyện, xã ở trong và ngoài tỉnh về xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, BCĐ xây dựng NTM huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh mở được 6 lớp tập huấn kiến thức cho hơn 1.550 lượt cán bộ tham gia. Cấp xã đã mở được 130 lớp bồi dưỡng kiến thức, hội nghị chuyên đề cho hơn 10.616 lượt cán bộ và nhân dân tham gia.
Chiếu cói - nghề truyền thống nổi tiếng của Nga Sơn
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Đến hết năm 2012, huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng phục vụ cho công tác xây dựng NTM, sau dồn đổi số thửa đã giảm từ 2,36 thửa/hộ xuống còn 1,53 thửa/ hộ. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2019, toàn huyện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 1.299,6 ha, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp được trên 300 ha; chuyển đổi 1.106,1 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng, mô hình có giá trị kinh cao; xây dựng và duy trì vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 3.000 ha; 300 ha vùng sản xuất rau an toàn (trong đó 30,7 ha vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap); có 80 mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn với diện tích trên 11 ha; chỉ đạo thâm canh 800 ha cây cói cho năng suất, sản lượng cao, sản lượng cói được cung cấp cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tập trung xây dựng và duy trì 53 chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện trong sản xuất nông nghiệp an toàn; có 90% diện tích được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch; huyện đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: Chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói, sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng, rượu Nga Sơn; sản phẩm ẩm thực: gỏi cá Nhệch, Dê ủ trấu,... để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có 09 sản phẩm (trong đó có 04 SP đạt 4 sao, 05 sản phẩm đạt 3 sao) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là huyện có số sản phẩm đạt OCOP cao nhất tỉnh.
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn huyện có 997 trang trại, gia trại, trong đó có 70 trang trại chăn nuôi công nghiệp (45 trang trại lợn, 25 trang trại gà) cho thu nhập hàng năm từ 300 - 400 triệu/trang trại/năm; 07 trang trại trồng trọt; 197 trang trại thủy sản; 723 trang trại, gia trại tổng hợp (trong đó có 325 trang trang tổng hợp có chăn nuôi) cho thu nhập từ 100 - 130 triệu/trang trại/năm. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.991 lao động, cho thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung 160 ha; vùng nuôi cá nước ngọt tập trung 105 ha; vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tập trung 25 ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao cho năng suất 22 tấn/ha/vụ, tối đa năm 03 vụ, cho thu nhập từ 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm. Phát huy tốt nghề khai thác thủy sản của 208 tàu thuyền và chế biến hải sản. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 259,5 tỷ đồng, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2019 đạt 7.368,9 tấn (gấp 2,1 lần so với năm 2010).
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại có bước phát triển khá, đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2019, chiếm 48,8% (tăng 15% so với năm 2010) tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 4.448,1 tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2010. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cơ chế hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và phát triển mới doanh nghiệp, từ 118 doanh nghiệp năm 2010 lên 401 doanh nghiệp, trong đó có 04 doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động. Có 07 làng nghề được công nhận Làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động. Huyện có 05 ngân hàng, 04 quỹ tín dụng nhân, 22 cửa hàng xăng dầu, 21 của hàng tổng hợp, 288 xe vận tải, 3.541 hộ gia đình kinh doanh cá thể, 13 chợ đáp ứng lưu thông hàng hóa phục vụ tốt cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Mô hình nuôi tôm tại Nga Sơn
Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cùng với các chương trình, dự án lớn bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh. Huyện đã tập trung chỉ đạo tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác, nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và xây dựng NTM. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao, các công trình phúc lợi được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu tiêu chí NTM. Giai đoạn 2010 - 2019, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp và làm mới 9,4 km Quốc lộ 10, xây dựng mới cầu Điền Hộ, Cầu Thắm, nâng cấp 4,8 km đường và 9,9 km cống rãnh đường tỉnh lộ, 34 km đường huyện, xây mới và nâng cấp 106,1 km đường xã; 416 km đường thôn xóm và nội đồng, các công trình phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống thủy lợi làm mới 13,7 km kè, 17 cống lớn qua đê, tu bổ 11,4 km đê tả sông Lèn, 40,9 km đê địa phương, xây dựng kiên cố 35,96 km kênh tưới tiêu liên xã, 177 km kênh mương nội đồng, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu chủ động 97,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đảm tốt cho công tác phòng chống thiên tai. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ đảm bảo cấp điện an toàn đạt các yêu cầu kỹ thuật; xây dựng mới và nâng cấp 20 công sở, 23 Trung tâm văn hóa - thể thao, sân vận động xã, xây mới 71 nhà văn hóa thôn; 23 trạm y tế, xây dựng thêm 413 phòng học kiên cố, tu sửa nâng cấp 140 phòng học các cấp; xây dựng mới Trung tâm hội nghị huyện, sân vận động, nhà thi đấu thể dục thể thao huyện; xây dựng mới chợ huyện, 01 nhà máy nước sạch, cung cấp cho 8/24 xã, thị trấn.
Phát triển Văn hóa - Y tế - Giáo dục và Môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, chú trọng. Đến nay 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn giai đoạn 2, tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 90%, tăng 26,39% so với năm 2010; Bệnh viện Đa khoa huyện đã được công nhận là bệnh viện hạng II, Trung tâm Y tế huyện được xếp là đơn vị y tế hạng III, công tác phòng chống dịch bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, nhiều kỹ thuật cao được áp dụng trong khám chữa bệnh cho nhân dân, hàng năm bệnh viện khám và điều trị cho khoảng hơn 111.422 nghìn lượt bệnh nhân. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, đến nay có 72/82 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 87,8%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,9%; có 2/3 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,7%, học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2019-2020 là: 98,62%, có 1.304/1.427 học sinh dự thi đậu tốt nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia đạt 15 điểm trở lên trong tổ hợp xét tuyển đại học, bằng 90,11%. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm trung bình mỗi năm trên 3.000 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của các xã đạt 65,4%.
Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, chú trọng: chất thải rắn, chất thải y tế trên địa bàn cơ bản được thu gom và xử lý theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn môi trường; 98,7% số hộ đã sử dụng nước hợp vệ sinh và 65,4% số hộ dùng nước sạch. Thường xuyên phát động nhân dân làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang nông thôn, toàn huyện trồng được trên 45 km đường hoa thay cỏ dại, 14 xã được công nhận xã đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, lực lượng công an tổ chức tuần tra, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân ở các khu dân cư để tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 100% các đã xây dựng được lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu về quốc phòng.
Kết quả huy động nguồn lực từ năm 2010 - 2019 toàn huyện đạt 8.002,7 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương 992,3 tỷ đồng (bằng 12,4%); ngân sách tỉnh 298 tỷ đồng (bằng 3,72%, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM 183,8 tỷ đồng); ngân sách huyện 713,8 tỷ đồng (bằng 8,92%); ngân sách xã 840,9 tỷ đồng (bằng 10,51%); vốn tín dụng: 612,1 tỷ đồng (bằng 7,65%); vốn doanh nghiệp, HTX: 678,1 tỷ đồng (bằng 8,47%); vốn lồng ghép: 906 tỷ đồng (bằng 11,32%); vốn nhân dân tham gia: 2.961,5 tỷ đồng (bằng 37,01%). Trong đó, đóng góp bằng tiền mặt là 156,2 tỷ đồng; ủng hộ 2.591.000 ngày công tương đương 349,8 tỷ đồng; hiến 373,66 ha đất tương ứng với 315 tỷ đồng để mở rộng đường và xây dựng công trình phúc lợi; đầu tư chỉnh trang nhà cửa, cổng tường rào, cải tạo vườn tạp, con em xa quê ủng hộ 2.140,5 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Nga Sơn đã thay đổi mạnh mẽ; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 13,7%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 42,1 triệu đồng, ước năm 2020 đạt 46,3 triệu đồng (gấp 4,1 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm cong 2,18% (giảm 22,05%); 100% số xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành 09 tiêu chí Huyện nông thôn mới, cảnh quan khang trang, hiện đại, môi trường xanh - sạch - đẹp. Với kết quả đạt được, ngày 14/7/2020 huyện đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 1017/QĐ-TTg công nhận huyện Nga Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019.
Nga Sơn hôm nay đang khoác lên mình chiếc áo mới. Diện mạo nông thôn mới đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, là sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2021, huyện Nga Sơn có 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50,5 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, huyện Nga Sơn có trên 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trên 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 30% số thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu.
Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới như luồng gió mát lành mang lại những đổi thay mạnh mẽ ở khắp các làng quê, một sức sống mới từ phong trào đang lan tỏa để tạo nên sức bật từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Đây cũng là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Nga Sơn tiếp tục đoàn kết, thống nhất tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng đô thị hóa nông thôn, góp phần đưa quê hương Nga Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh./.