12/01/2025 lúc 22:29 (GMT+7)
Breaking News

Nền tảng số ‘cứu cánh’ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19

VNHN - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho toàn xã hội và các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu, sử dụng công nghệ tăng kết nối với khách hàng để ứng phó.

VNHN - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho toàn xã hội và các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu, sử dụng công nghệ tăng kết nối với khách hàng để ứng phó.

 Mua sắm qua trang web mua sắm trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) cho biết: Dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống...; trong đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh doanh số, doanh thu, lợi nhuận giảm xấp xỉ bằng 0. Quý I/2020, lần đầu tiên sau nhiều năm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 35.000 đơn vị, cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để sàng lọc doanh nghiệp chất lượng hơn và giúp doanh nghiệp "thay máu", thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh trong nền tảng chuyển đổi số.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc vận hành Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp đã vận hành sản xuất kinh doanh trên nền tảng ứng dụng Verco24. Nền tảng đã được Việt hóa phù hợp doanh nghiệp Việt Nam với nhiều tiện ích, có thể giúp thủ tục hành chính của công ty được thu gọn thông qua phê duyệt điện tử, qua đó giảm thiểu chi phí vận hành doanh nghiệp.

Các nền tảng số được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng hiện nay là Verig Lending hay còn gọi là "chợ vốn điện tử", tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối nguồn vốn theo cơ chế thị trường và minh bạch hóa được dòng tiền, định giá doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các công ty trong chuỗi cung ứng có căn cứ để tài trợ vốn theo giải pháp cho vay ngang hàng (P2P Lending). "Hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng Verco24 và Verig Lending để giao dịch, đạt được hiệu quả cao”, ông Nguyễn Kim Hùng nói.

 Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến "Áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn trong bối cảnh dịch Covid-19" tổ chức ngày 17/4 (Ảnh: baoquocte.vn)

Từng chia sẻ về nền tảng số, Chủ tịch HĐQT UPGen Vietnam Đỗ Hoài Nam cho rằng, về khoa học công nghệ, Việt Nam không thể so với các nước trên thế giới, nhưng Việt Nam có thị trường tương đối lớn. Hiện nay, bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website…

Trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính tăng thêm 20%. Nhiều chuyên gia thương mại đánh giá, nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như: Tiki, Lazada hoặc các kênh phân phối online, thì còn nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa trên toàn quốc.

Trước đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số thời điểm này sẽ để đẩy nhanh luồng lưu thông hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Biện pháp này hiệu quả không kém gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng hay gói 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu không tham gia kinh tế nền tảng số, Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc. Thực tế cho thấy, hiệu quả rất lớn của kinh tế số khi các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, năng suất đã tăng thêm khoảng 30%. Song, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không hề đơn giản. Theo thống kê, số lượng các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chỉ chiếm khoảng 50%.

Đưa ra một hướng quản lý mới cho các nền tảng số, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch. Với số lượng các giao dịch đó sẽ tính toán tỷ lệ hưởng lợi của các bên tham gia, từ đó lấy cơ sở để tính thuế, phí và quy trách nghiệm cho các bên liên quan dựa trên tỷ lệ phần trăm hưởng lợi.

"Đơn cử như việc kinh doanh của Grab, công ty này đang giữ lại 28% doanh thu trên mỗi cuốc chạy xe của người lái xe, người chủ xe được hưởng, số còn lại là 72%. Do đó, khi tính thuế, phí hoặc khi xảy ra rủi ro, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chia trách nghiệm cho chủ doanh nghiệp và lái xe dựa trên tỷ lệ phần trăm họ nhận được. Nếu quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch như vậy sẽ đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia và không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các doanh nghiệp", ông Vũ Tú Thành dẫn chứng./.