12/01/2025 lúc 03:03 (GMT+7)
Breaking News

Nền kinh tế Việt Nam kiên cường, có khả năng phục hồi cao

Là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao và triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa và một số vấn đề xã hội tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định do ảnh hưởng của dịch.

Là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao và triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa và một số vấn đề xã hội tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định do ảnh hưởng của dịch.

TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là khẳng định của TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội.

Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lớn nhất do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm 2020 là năm thứ ba của chuỗi hội thảo này.

TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đã nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Chuyên gia này cho rằng “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.

Tuy nhiên TS. Jacques Morisset nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng không vì thế mà chủ quan cho rằng người dân và doanh nghiệp (DN) không bị ảnh hưởng.

TS. Jacques Morisset nêu một loạt thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể, những cú sốc giữa các ngành kinh tế là không giống nhau, việc làm cho người lao động trở nên mong manh, trong đó có khoảng 2,5 triệu người đang gặp khó khăn.

Trong khi đó có 1/3 số hộ gia đình (khoảng 7 triệu hộ) bị giảm thu nhập, có 50% các DN chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng trở lại. Có 16% các DN đã có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới.

Đánh giá triển vọng trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, song TS. Jacques Morisset cũng không quên cho rằng, “Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định”.

Theo TS. Jacques Morisset, Việt Nam cần có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý hiệu quả hơn đầu tư công, tăng cường tái cấu trúc ngân hàng, cần tiếp tục có chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu…

“Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng COVID-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Thách thức tiếp theo sẽ là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này bằng cách đảm bảo giảm thiểu rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả. Đồng thời, cần nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh...”, TS. Jacques Morisset phân tích.

Dưới góc nhìn của chuyên gia trong nước, PGS. GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, chúng ta đang ở giữa đại dịch COVID-19 và đây thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch đã gây ra những làn sóng chấn động cho nền kinh tế toàn cầu với việc người dân lo lắng cho cuộc sống và kế sinh nhai.

Còn PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh mới của dịch COVID-19.

PGS.TS Tô Trung Thành cũng đánh giá, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trên thế giới, nhưng mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào các yếu tố đầu vào mà chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu.

Do đó, trong 1-2 năm tới, cần phải duy trì quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp và của người dân, đây là điều mấu chốt nhất. Tiếp sau đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt các nguồn lực cơ bản để có thể phục hồi kinh tế sau COVID-19.