19/04/2024 lúc 21:34 (GMT+7)
Breaking News

Nền chính trị quốc tế và ván cờ từ vaccine Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã định hình lại tất cả, đặc biệt là nền chính trị quốc tế.

Đại dịch Covid-19 đã định hình lại tất cả, đặc biệt là nền chính trị quốc tế.

Tình trạng phân bổ vaccine Covid-19 không đồng đều có thể để lại hệ quả nghiêm trọng cho toàn thế giới. (Nguồn: Council of Europe)

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hữu hạn là cách hiếm hoi để chấm dứt dịch bệnh, “hỗ trợ vaccine” đã xuất hiện như một hình thức mới, được không ít nước lớn tận dụng để tìm lợi ích và định hình lại môi trường quốc tế theo ý mình.

Số lượng vaccine Covid-19 cam kết hỗ trợ toàn cầu đã lên tới hàng tỷ liều, phần lớn đến từ Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên.

Mặc dù đã có một số thành tựu nhất định, song nỗ lực phổ cập vaccine toàn cầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều đợt vaccine đã được cung cấp dựa trên cân nhắc về địa chính trị, thay vì nhu cầu hay bình đẳng.

Sáng kiến đa phương COVAX thường xuyên thiếu ngân sách và gặp nhiều khó khăn để đảm bảo công bằng vaccine toàn cầu. Công nghệ sản xuất vaccine cũng chưa được chia sẻ rộng rãi, bất chấp nhu cầu mở rộng nguồn cung trên toàn cầu.

Ở kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn, các nỗ lực tiêm chủng ở nước ngoài thường bị nhầm lẫn là “làm từ thiện”. Trong khi đó, những chính sách nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia lại bị coi là nỗ lực đạt được ưu thế về địa chính trị trong ngắn hạn.

Nếu coi cuộc ganh đua về cung cấp vaccine là ván cờ địa chính trị mới thì người chiến thắng vẫn chưa lộ diện, song rủi ro và hậu quả chờ đợi thế giới đã rõ ràng.

Mấu chốt của vấn đề là các bên không nhận ra rằng bình đẳng vaccine toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn. Thực tế này khiến dịch bệnh đứng trước nguy cơ lan rộng, kéo dài, theo đó là suy thoái và bất ổn.

Hiện tại, chưa tới 2/3 dân số thế giới có ít nhất một liều vaccine. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này lên tới 70% trong khi ở các nước thu nhập thấp, con số này chỉ là 10%. Nhu cầu tiêm mũi bổ sung sẽ khiến tình trạng này trầm trọng hơn.

Đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện vấn đề về mặt đạo đức. Nó còn đồng nghĩa rằng virus SARS-CoV-2 còn hàng tỷ người để lây lan, thậm chí phát triển thành những biến thể mới nguy hiểm hơn. Chẳng có gì đảm bảo rằng miễn dịch cộng đồng, dù là do tiêm chủng hay do số ca mắc đã khỏi bệnh, sẽ giúp các nước giàu tránh được khủng hoảng y tế từ các biến thể mới này

Ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nó vẫn có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Cuối cùng, sự phân bổ vaccine không đồng đều có thể để lại nhiều tác động địa chính trị, khiến các đối tác then chốt, dù ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nam Mỹ hay châu Phi, suy yếu và khiến trật tự quốc tế hiện nay thêm phần bất ổn.