13/01/2025 lúc 12:46 (GMT+7)
Breaking News

NCIF: GDP của Việt Nam năm 2020 có thể tăng 7,01%

VNHN - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%. Còn ở  kịch bản thấp mức tăng GDP là 6,76%.

VNHN - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%. Còn ở  kịch bản thấp mức tăng GDP là 6,76%.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: doanhnhansaigon

Sáng 10/1, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia –NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tọa đàm “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020” và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020 là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc NCIF đánh giá, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, các dự báo không có sự thống nhất về xu hướng diễn ra nhưng đều cho thấy, tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế thế giới có xu hướng giảm.

“Bối cảnh quốc tế biến động phức tạp khi xung đột chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến giá hàng hóa thế giới. Cùng với đó là chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia tiếp tục gia tăng. Đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Đặng Đức Anh phân tích.

Tuy nhiên, bối cảnh trong nước có nhiều thuận lợi như: kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; thương mại được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do. Sự đóng góp của các khu vực tư nhân ngày càng tăng trong khi đó, tiêu dùng trong nước tiếp tục là động lực với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Mặc dù vậy, theo ông Đặng Đức Anh, nền kinh tế Việt Nam cũng tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức như: động lực tăng trưởng từ khu vực chế biến, chế tạo đang có dấu hiệu chậm lại. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài; lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, là các thách thức cho nền kinh tế đến từ các yêu tố khác như xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam đã đến ngưỡng và đang chịu tác động tiêu cực của xung đột thương mại. Rủi ro bị áp thuế quan cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ những phân tích trên, ông Đặng Đức Anh đưa ra các kịch bản tăng trưởng cho năm 2020. Thứ nhất là kịch bản cơ sở và theo đó, kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức khá, tăng nhẹ so với năm 2019. Việt Nam tiếp tục tận dụng được cơ hội do xung đột thương mại trong gia tăng giá trị hàng xuất khẩu và thu hút đầu tư; nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019-2020; mặt bằng lãi suất, lạm phát ổn định; điều hành linh hoạt và kiểm soát tốt biến động tỷ giá.

Về kịch bản thấp, ông Đặng Đức Anh cho rằng, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng thấp hơn so với kịch bản cơ sở. Căng thẳng thương mại leo thang, các rào cản kỹ thuật gia tăng. Khu vực nông nghiệp chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân không bù đắp được sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo.

Ông Đặng Đức Anh đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%. Còn ở  kịch bản thấp mức tăng GDP là 6,76%.

TS. Đặng Đức Anh cũng đưa ra một số khuyến nghị là cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp thúc đẩy phát triển một số ngành có sức lan tỏa lớn hoặc còn nhiều dư địa như công nghệ thông tin, viễn thông; sản xuất phần mềm, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, năng lượng, du lịch…

Ngoài ra, ông Đặng Đức Anh cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động kinh tế - địa chính trị thế giới để có những phản ứng ngắn hạn phù hợp; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản…