05/01/2025 lúc 09:24 (GMT+7)
Breaking News

Nạo vét luồng Định An: Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng trong tháng 6/2023

Sau khi có ý kiến từ Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục hàng hải Việt Nam đang rà soát, xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương liên quan để chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án nạo vét luồng Định An trong tháng 6/2023.

Luồng Định An rộng nhưng độ sâu chưa đảm bảo để đón tàu trọng tải lớn

Dự án nâng cấp luồng sông Hậu giai đoạn 1 cho phép tàu 5.000 tấn lưu thông

Hiện nay, tàu thuyền ra vào các cảng biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và quá cảnh Campuchia chủ yếu đi qua hai tuyến luồng hàng hải chính là tuyến luồng sông Tiền và sông Hậu.

Tuyến luồng sông Hậu, trước đây, chủ yếu phục vụ cho tàu thuyền ra vào cảng biển khu vực Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… đi qua cửa Định An. Tuy nhiên, đoạn luồng qua cửa Định An thường xuyên bị bồi lấp ảnh hưởng rất lớn đến việc qua lại của tàu thuyền.

Trong những năm trước đây, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam phải duy trì tuyến luồng động theo lạch sâu, kết hợp nạo vét duy tu để đảm bảo độ sâu toàn tuyến -3,2 ÷ -4,0m, với quy mô nạo vét cho tàu tối đa 5.000 tấn, nhưng thời gian duy trì độ sâu rất hạn chế (chỉ từ 1-2 tháng).

Với mục đích tìm ra một tuyến luồng mới ổn định phục vụ cho tàu có trọng tải lớn vào các cảng biển ở sông Hậu, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức khảo sát, nghiên cứu trong nhiều năm với sự tham gia của các tổ chức tư vấn chuyên ngành có uy tín trên thế giới cũng như hầu hết các tư vấn lớn trong nước.

Cụ thể, tại các nghiên cứu trước đây, Tư vấn Hecon (Vương quốc Bỉ) đã kết luận không thể thiết lập tuyến luồng ổn định qua cửa Định An và đề xuất phương án luồng động cho tàu 5.000DWT với độ sâu nạo vét -4,7m (thay đổi tuyến hàng năm); Tư vấn SNC-Lavalin (Canada) kết luận phương án luồng khả thi cho tàu trọng tải 10.000 DWT và lớn hơn vào sông Hậu là luồng qua kênh Quan Chánh Bố và đào Kênh Tắt thông ra biển.

Sau gần 20 năm nghiên cứu các phương án nạo vét, chỉnh trị luồng Định An với mục đích cho phép tàu biển có trọng tải lớn hơn 10.000DWT vào rời các cảng trên sông Hậu, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực chỉnh trị sông... đã cho thấy việc nạo vét, cải tạo luồng Định An cho tàu biển có trọng tải lớn trên 10.000DWT rất khó khả thi về mặt kỹ thuật và không khả thi về kinh tế.

Từ các nghiên cứu nêu trên, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu với mục tiêu đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000DWT đầy tải và tàu trọng tải đến 20.000 DWT giảm tải. Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện, hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ năm 2016.

Hiệu quả rõ rệt từ kênh Quan Chánh Bố

Hiện nay, tuyến luồng hàng hải ra vào các cảng biển trên sông Hậu bao gồm hai tuyến. Tuyến luồng thứ nhất, tuyến luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố) có tổng chiều dài 52,6km, cao độ đáy thiết kế -6,5m (hải đồ) tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000DWT đầy tải và 20.000DWT giảm tải.

Ngay sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng dự án giai đoạn 1, công trình đã được đưa vào khai thác sử dụng (năm 2016) và bước đầu đã phát huy hiệu quả đầu tư. Kể từ khi nhận bàn giao, Cục HHVN đã chỉ đạo Cảng vụ hàng hải Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị hàng hải tại khu vực thực hiện xây dựng và thống nhất có Quyết định số 06/QĐ-CVHHCT ngày 25/01/2016 phê duyệt phương án điều phối an toàn giao thông, phân luồng cho tàu thuyền hành hải ra, vào trên các tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và tuyến luồng Định An- Cần Thơ để vào các bến cảng khu vực Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang an toàn, thuận lợi.

Theo báo cáo của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vưc vùng nước cảng biển Cần Thơ tăng trưởng đều từ khi tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đưa vào khai thác sử dụng. Số lượt tàu có trọng tải trên 10.000 DWT ra, vào luồng từ khi được công bố đưa vào sử dụng đến nay đều tăng qua từng năm, đặc biệt đã có tàu biển trọng tải lớn nhất đến 22.500 tấn (Tàu VINALINES UNITY) đã qua kênh Tắt và kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu. Việc đón các tàu có trọng tải lớn đến 10.000 DWT và trên 10.000 DWT ra vào các cảng thuộc khu vực đã góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp hàng hóa tại các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp không phải thực hiện chuyển tải lên các cảng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do tuyến luồng mới được đưa vào khai thác sử dụng và hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, vì vậy tốc độ và hiện tượng sa bồi chưa ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, tuyến luồng đã được Bộ GTVT quan tâm, đưa vào kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải và đã được thực hiện nạo vét duy tu, duy trì chuẩn tắc hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo khẩn trương triển khai giai đoạn 2 của Dự án để đảm bảo tính ổn định lâu dài của tuyến luồng qua kênh Quan Chánh Bố.

Luồng Định An có đoạn chỉ đạt -2,5m

Tuyến luồng thứ hai, tuyến luồng hàng hải qua cửa Định An - Cần Thơ tổng có chiều dài 182,26 km. Tuyến luồng đang duy trì khai thác với độ sâu tự nhiên, đoạn khu vực cửa Định An khoảng từ -2,0 ÷  -2,5m (hải đồ).

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam triển khai Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (từ phao P0 đến phao P25, chuẩn tắc thiết kế H= -4.0 m, hệ Hải Đồ cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn khai thác.

Với mục tiêu phát huy tiềm năng và lợi thế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/01/2022, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các Thông báo số 228/TB-VPCP ngày 04/08/2022, trong đó chỉ đạo Bộ GTVT: ...trước mắt, khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để nghiên cứu nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 03/06/2023, trong đó giao Bộ GTVT: chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý về việc giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ...

Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng phương án nạo vét luồng Định An trong tháng 6/2023

Thực hiện các nội dung đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triên khai cụ thể như sau:

Thứ nhất, về việc triển khai giai đoạn 2 Dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA hàng hải khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công các hạng mục công trình đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Thứ hai, về nội dung nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả bảo vệ môi trường để nghiên cứu nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Ngày 30/9/2022, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị về dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tham luận của các tổ chức tư vấn chuyên ngành, các chuyên gia và các cơ quan đơn vị có liên quan, Hội nghị thống nhất rằng để thực hiện nạo vét nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An Cần Thơ cho tàu từ 10.000 tấn trở lên hành hải cần phải thực hiện nghiên cứu chuyên sâu với nguồn kinh phí lớn do đó cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp từ ngân sách nhà nước hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ trong và ngoài nước để lập nghiên cứu này.

Ba doanh nghiệp đang nghiên cứu chuyên sâu phương án xã hội hoá luồng Định An

Đến nay, UBND thành phố Cần Thơ đã có các văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp (Công ty Xây dựng Minh Đạo, Tập đoàn HABIMEC, Công ty Cổ phần Tập đoàn IBM Land Châu Á Thái Bình Dương) nghiên cứu chuyên sâu về việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và đề nghị Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện theo thẩm quyền.

Ngày 14/2/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì họp với lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ và ban hành TBKL số 42a/TB-BGTVT ngày 17/02/2023, trong đó: “Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ làm việc cụ thể với các doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chấp thuận cho nghiên cứu chuyên sâu về dự án để làm rõ về các đề xuất tự nghiên cứu/tài trợ nghiên cứu dự án.

Trong quá trình các doanh nghiệp nghiên cứu chuyên sâu về dự án, yêu cầu phải đảm bảo tính độc lập, việc nghiên cứu mang tính khoa học, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, không là điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý bao gồm cả việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sau này (nếu dự án mang tính khả thi).

Ngày 27/2/2023, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Sở giao thông vận tải thành phố Cần Thơ tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp đã được UBND thành phố Cần Thơ chấp thuận cho nghiên cứu chuyên sâu về Dự án và các doanh nghiệp quan tâm đến việc nghiên cứu chuyên sâu Dự án; đã hướng dẫn các doanh nghiệp các nội dung cần thiết phải thực hiện việc nghiên cứu chuyên sâu và đã báo cáo Bộ GTVT.

Đồng thời, Cục HHVN cũng đề xuất sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công bổ sung trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025 để tổ chức thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về nạo vét luồng Định An - Cần Thơ.

Thứ ba, về việc chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý về việc giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu của thành phố Cần Thơ cũng đã có ý kiến về nội dung này. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT khi trả lời cũng rất rõ ràng là hoàn toàn ủng hộ đề xuất giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Tuy nhiên, qua quá trình ra soát, đề xuất này còn một số vướng mắc liên quan đến một số quy định của văn bản quy phạm pháp luật như: Luật tài sản công, luật đầu tư, luật ngân sách, luật tổ chức chính quyền địa phương hay Nghị định số 159/2018/NĐ-CP... nên Bộ GTVT cần có thời gian để phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

Hiện Bộ GTVT đã tổ chức họp với các Bộ và địa phương có liên quan, đồng thời có văn bản xin ý kiến về phương án nạo vét luồng Định An. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ GTVT sẽ chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xuất cơ chế để giao UBND thành phố Cần Thơ làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong tháng 6/2023.

Đinh Tịnh