24/11/2024 lúc 10:27 (GMT+7)
Breaking News

Nâng ý thức tiết kiệm điện, đưa chương trình điều chỉnh phụ tải vào Luật

Theo Bộ Công thương, các chương trình điều chỉnh phụ tải điện chỉ mới dựa trên vận động khách hàng sử dụng điện tự nguyện tham gia nên kết quả còn rất hạn chế.

Tiết kiệm điện tiềm năng lớn, nhưng chưa hiệu quả.

Hình thức hiệu quả nhưng chỉ dựa trên tự nguyện

Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Điện lực, Bộ Công thương cho rằng: Luật Điện lực còn một số hạn chế, chưa phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay và còn thiếu một số nội dung về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW. Đó là chưa có quy định về việc ưu đãi, khuyến khích đối với khách hàng tham gia các chương trình tiết kiệm điện, điều khiển phụ tải điện…

Vì thế, tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công thương cũng đưa ra loạt chính sách nhằm quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.

"Theo sự phát triển nhanh chóng của phụ tải hệ thống điện, công tác Quản lý nhu cầu điện (DSM) ngày càng trở nên quan trọng", Bộ Công thương đánh giá.

Thực tế hiện nay, nội dung quản lý nhu cầu điện được các quốc gia đặc biệt quan tâm cùng với chính sách tiết kiệm điện, nhất là ở các quốc gia phát triển đã thực hiện tương đối triệt để công tác tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, quy định về công tác quản lý nhu cầu điện mới chỉ được đề cập hết sức sơ sài tại Điều 16 Luật Điện lực về tiết kiệm điện.

Chính vì thế, cơ quan này cho rằng cần thiết xem xét bổ sung nội dung định hướng cơ bản của công tác quản lý nhu cầu điện, quy định trách nhiệm của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, xác định cơ chế tài chính để thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu như điện.

Tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công thương đề xuất các quy định nhằm quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.

Cụ thể, Bộ Công thương muốn xây dựng và ban hành cơ chế tài chính, bổ sung cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện.

Bộ Công thương cũng cho rằng cần ban hành Chương trình quốc gia về tiết kiệm điện nhằm khuyến khích thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tuân thủ các quy định về tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng điện trong giờ thấp điểm, giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện trong việc thực hiện các giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả).

Tiết kiệm ngân sách cho đầu tư nguồn điện

Tác động của chính sách này, theo Bộ Công thương, là góp phần giảm chi phí đầu tư nguồn điện phủ đỉnh nên tiết kiệm ngân sách nhà nước trong đầu tư, giảm chi phí nhiên liệu cho sản xuất điện. Qua đó, làm giảm áp lực tăng giá điện, có thể tăng thu ngân sách do kinh tế phát triển tốt do được cấp điện an toàn; Giảm nguy cơ mất ổn định hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ mất điện.

"Căn cứ vào tình hình cân bằng cung - cầu thực tế, tùy thuộc quy mô và khả năng triển khai của giải pháp điều chỉnh phụ tải, giải pháp này có thể giảm hoặc loại trừ hoàn toàn nguy cơ phải cắt điện cưỡng bức do thiếu công suất", Bộ Công thương đánh giá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư được cấp điện an toàn cho sản xuất - kinh doanh; được chủ động trong việc quản lý vận hành để thực hiện điều chỉnh phụ tải.

Để thực thi chính sách này, các cơ quan nhà nước phải xây dựng các quy định hướng dẫn luật và nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý vận hành hệ thống điện; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường và quản lý an toàn điện sau công tơ, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Trong một tham luận tại hội thảo của Đoàn giám sát của Quốc hội về năng lượng, TS Phạm Quang Anh, chuyên gia năng lượng độc lập cho rằng, cần chú ý hiệu quả năng lượng và quản lý phía nhu cầu.

Theo đó, ưu tiên các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng và quản lý phía nhu cầu để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, giảm lãng phí và giảm cần thiết về năng lượng phát.

Điều này bao gồm việc triển khai các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, và thúc đẩy các chương trình quản lý nhu cầu điều chỉnh phụ tải mà thông qua đó khách hàng thay đổi nhu cầu sử dụng điện dựa trên các tín hiệu giá và điều kiện lưới điện.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam đánh giá giải pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải (DR) đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Ngoài việc đầu tư nguồn điện mới, ông Trần Đình Long cũng đánh giá cao giải pháp quản lý nhu cầu sử dụng điện bởi chúng ta mới chỉ quan tâm việc tăng nguồn điện, tăng khả năng cung ứng để đảm bảo cung cầu. Còn khía cạnh quản lý nhu cầu sử dụng điện chưa được tốt.

Ông Trần Đình Long cho rằng: "Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính sách của nhà nước, đến ý thức của người sử dụng điện. Nếu mỗi một khách hàng sử dụng điện có ý thức quản lý nhu cầu của mình thì nhu cầu sẽ được khống chế và điều khiển ở mức hợp lý. Họ có thể sắp xếp những ca kíp sản xuất, để thay vì sử dụng vào các giờ cao điểm thì chuyển sang giờ thấp điểm, hoặc những múi giờ bình thường.

"Liên quan đến vấn đề tiết kiệm điện, Nhà nước cũng đã hô hào rất nhiều, ngành điện cũng vậy, tuy nhiên chúng ta làm chưa được nhiều về mặt quản lý nhu cầu. Quản lý nhu cầu là vấn đề rất quan trọng, tất cả nước phát triển vẫn luôn chú trọng đến việc quản lý về nhu cầu sử dụng điện", vị chuyên gia này lưu ý.