08/12/2024 lúc 04:37 (GMT+7)
Breaking News

Đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc quá trình sửa đổi Luật đất đai ở Việt Nam hiện nay

Luật Ðất đai là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống pháp luật, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật. Chính vì vậy trong thực hiện thủ đoạn xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật của Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tập trung lợi dụng quá trình xây dựng luật đất đai để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Tóm tắt: Chiêu trò xuyên tạc quá trình xây dựng, sửa đổi luật đất đai ở Việt Nam hiện nay bằng hình ảnh Đảng đàn áp, bóc lột nhân dân là mục tiêu mà các thế lực thù địch cố dựng, thực chất chỉ là nhằm thực hiện mưu đồ đen tối là chống phá Đảng và Nhà nước để nhằm tạo ra sự hoang mang, dao động, từ đó dẫn đến nghi kỵ, mâu thuẫn giữa Đảng và nhân dân. Vì vậy, lật tẩy chiêu trò của những kẻ chống phá là rất cần thiết. Bài viết khái quát những luận điệu này và đưa ra những lập luận đấu tranh, phản bác.

Từ khóa: xây dựng pháp luật, luật đất đai, xuyên tạc

Luật Ðất đai là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống pháp luật, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật. Chính vì vậy trong thực hiện thủ đoạn xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật của Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tập trung lợi dụng quá trình xây dựng luật đất đai để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

1. Nhận diện các luận điệu xuyên tạc

Hiện nay, luật đất đai năm 2013 sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Đảng ta nhấn mạnh cần phải tiến hành sửa đổi luật đất đai để phát huy có hiệu quả hơn nữa nguồn lực quan trọng này để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, đóng góp cho dự thảo luật đất đai sửa đổi để Quốc hội thông qua. Đây cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch tập trung tung ra các luận điệu xuyên tạc, có thể khái quát thành hai luận điệu chính sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch tìm cách phủ nhận những quy định trong luật có tính định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hướng lái sang chủ nghĩa tư bản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ thủ đoạn của các thế lực thù địch là đòi thay đổi những nội dung cốt lõi trong các quy định của luật để nhằm thay đổi bản chất của hệ thống pháp luật nước ta, từ đó chuyển hóa chế độ chính trịĐồng thời phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống pháp luật của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay”[1]. Đối với luật đất đai, chúng tập trung đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện đa sở hữu, sở hữu tư nhân về đất đai. Chúng rêu rao rằng

quy định sở hữu toàn dân về đất đai chính là căn cơ của nạn tham nhũng. Việc duy trì khẩu hiệu sở hữu toàn dân đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giảu cho phe nhóm của mình. Bởi chế độ sở hữu toàn dân về đât đai là mù mờ về mặt pháp lý vì nói là sở hữu toàn dân nhưng Nhà nước lại là đại diện, mà Nhà nước thực chất chính là những quan chức trong bộ máy Nhà nước đó. Chúng tuyên truyền rằng cộng sản sẽ luôn tìm cách giữ bằng được quy định này bởi gắn với lợi ích của họ, họ giữ cho mình quyền thu hồi đất đai cộng với giá thu hồi thấp hơn nhiều so với giá thị trường để hưởng lợi. Do đó, với quy định này, luật đất đai hiện nay là luật ăn cướp đất của dân. Chúng đưa những vụ tiêu cực, trục lợi về vấn đề thu hồi đất đai ở một số cán bộ để nói rằng còn giữ quy định này thì sẽ còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, còn tham nhũng, còn tình trạng cán bộ đàn áp, bóc lột người dân. Sở hữu toàn dân về đất đai đã làm cho hàng triệu người khốn khổ; chỉ là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên hình thức còn thực tế những cán bộ trong bộ máy Nhà nước đã tước quyền sở hữu của nhân dân.

Thứ hai, các thế lực thù địch xuyên tạc quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam

Các thế lực thù địch nói rằng với quy trình xây dựng pháp luật hiện nay thì những quy định tạo điều kiện cho giới quan chức cướp bóc của dân như quy định về sở hữu toàn dân về đất đai sẽ không bao giờ bị loại bỏ. Chúng nói rằng, quy trình xây dựng pháp luật hiện nay ở Việt Nam, đó là đạo luật nào liên quan đến lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, xã hội nào thì người ta sẽ giao cho cơ quan đó, bộ ngành đó xây dựng dự án luật rồi trình lên Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ thấy được mới trình lên Quốc hội. Bộ nào được giao làm luật cũng xuất phát từ quyền lợi của mình mà bất chấp quyền lợi của xã hội, cài cắm lợi ích của Bộ ngành của mình trong luật. Chúng xuyên tạc rằng, hiện nay, với chế độ độc Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam toàn trị lãnh đạo nhà nước thì Quốc hội chỉ là nghị gật. Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng thì cơ cấu đại biểu từ 90 đến 95% là đảng viên, đảng viên sao dám trái ý kiến của Đảng được nên Quốc hội chỉ là diễn mà thôi. Nghị quyết Đảng bảo sao thì Quốc hội đồng ý vậy. Quốc hội không phải là cơ quan đại diện cho nhân dân mà chỉ là sự “hợp thức hóa” ý chí của Đảng mà với một Đảng chỉ biết đến lợi ích cục bộ của mình như Đảng Cộng sản Việt Nam thì những quy định như sở hữu toàn dân về đất đai không bao giờ sửa đổi được, chỉ sửa những cái lặt vặt. Vì vậy, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho dự thảo luật đất đai chỉ là hình thức, mị dân, có đóng góp cũng không thay đổi được gì. Vì vậy mà người ta lấy ý kiến cả trẻ mẫu giáo, học sinh đối với luật đất đai -một luật với những điều khoản rất phức tạp.

2. Lật tẩy chiêu trò của những kẻ bịp bợm

Thứ nhất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là cần thiết và quan trọng nhằm duy trì ổn định chính trị - xã hội của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân, thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải như các thế lực thù địch rêu rao. Chúng ta phải khẳng định và duy trì sở hữu toàn dân về đất đai vì dưới góc độ chính trị, pháp lý, đất đai là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia, nó gắn liền với chủ quyền của một nhà nước. Xâm phạm đất đai là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Do vậy, nếu để cho sở hữu tư nhân về đất đai, nghĩa là cá nhân có thể chuyển quyền sở hữu ấy cho đối tượng khác hoàn toàn, vĩnh viễn thì rất dễ dẫn đến việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nhà nước là đại diện cho chủ quyền quốc gia có quyền và trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đất đai khỏi sự xâm phạm từ bên ngoài. Muốn thực hiện được điều này thì toàn dân mà nhà nước là đại diện phải là chủ sở hữu vĩnh viễn đối với loại tài sản quốc gia đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự hình thành và phát triển của một dân tộc này. Hơn nữa, vốn đất đai của nước ta ngày nay là thành quả của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài với biết bao công sức và xương máu của các thế hệ người Việt Nam nên chỉ có thể thuộc quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện với tư cách là chủ sở hữu đất đai vì lợi ích chung của toàn xã hội và giao quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức sử dụng theo đúng kế hoạch. Để cho đất đai thuộc sở hữu tư nhân nghĩa là chúng ta đã tự hủy hoại thành quả chung của cuộc cách mạng mà cả dân tộc phải hi sinh để có được. Đây cũng là yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa bởi nếu để cho sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dẫn đến tình trạng đất đai tập trung vào trong tay một số người, từ đó họ sẽ khống chế nền kinh tế cũng như nhiều mặt khác của xã hội trong khi nhiều người nông dân nghèo đói vì không có đất sản xuất, không còn kế sinh nhai, khi đa phần đất nông nghiệp được chuyển giao theo con đường sở hữu tư nhân cho một số người..Sở hữu tư nhân đất đai sẽ dễ dẫn đến kết quả không mong muốn là nảy sinh tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã hội nảy sinh, từ đó làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận đất đai tạo ra của cải, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thu ngân sách thông qua việc thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, các loại thuế liên quan đến đất đai và các loại phí, lệ phí quản lý và sử dụng đất để nhà nước quay trở lại đầu tư nâng cao đời sống của nhân dân. Việc nhà nước thay mặt toàn dân thực hiện quyền sở hữu đối với đất đai sẽ đảm bảo cho đất đai được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch, tiết kiệm, hiệu quả. Đó là điều kiện đảm bảo ổn định chính trị, xã hội. Việc các thế lực thù địch đồng nhất những hạn chế trong quản lý đất đai của Nhà nước ta là do duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là sự xuyên tạc trắng trợn. Bởi lẽ, những bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, do hạn chế trong chất lượng cán bộ, công chức, những quy định về hoạt động quản lý đất đai và kiểm soát quyền quản lý đất đai của cán bộ, công chức chưa chặt chẽ, còn kẻ hở….Hơn nữa, mặc dù khẳng định Nhà nước là đại diện quyền sở hữu đất đai của nhân dân, thống nhất quản lý nhưng thực chất nhà nước chĩ giữ quyền kiểm soát và quyền định đoạt đối với đất đai để đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng còn Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Đây chính là những biểu hiện của quyền sở hữu đất đai về mặt kinh tế. Hay nói cách khác, việc xác lập các quyền sử dụng đất đai như vậy thực chất là trao cho người dân “quyền sở hữu có hạn chế” về đất đai.

Thứ hai, quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam đảm bảo pháp luật thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không can thiệp vào công việc cụ thể của Nhà nước. Trên cơ sở văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật mà văn kiện đều thể hiện rõ tinh thần lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đại biểu Quốc hội là những người do dân bầu ra, đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động của mình, trong đó có việc thông qua luật. Nếu như đại biểu Quốc hội không làm tốt điều này thì họ sẽ không được tiếp tục lựa chọn trong lần bẩu cử sau. Mặc dù việc soạn thảo một dự luật là do một cơ quan Bộ, ngành thực hiện nhưng không dễ để cài cắn lợi ích nhóm bởi chúng ta có rất nhiều cơ sở kiểm soát quá trình xây dựng luật thông qua cơ chế thầm định, thẩm tra, phải có sự điều chỉnh và phê chuẩn của Quốc hội, sự đóng góp ý kiến của nhân dân. Thông qua những cơ chế kiểm tra, giám sát nhiều tầng, nhiều nấc những quy định cài cắm lợi ích nhóm sẽ bị loại ra “Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật”[2]. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, của những đối tượng bị tác động bởi dự thảo luật là quy định bắt buộc trong quy trình xây dựng pháp luật và cơ quan soạn thảo phải có những giải trình về việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến đó. Luật đất đai liên quan đến lợi ích của tất cả mọi người dân vì đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian sinh sống và diễn ra các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị vì vậy Nhà nước ta rất chú ý đến việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 671 / NQ - UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170/ NQ – CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta về việc lấy ý kiến đóng góp nhân dân cho một đạo luật đặc biệt quan trong này. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; theo thống kê, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân[3]. Việc các thế lực thù địch xuyên tạc Nhà nước ta lấy ý kiến cả trẻ mẫu giáo, học sinh về luật đất đai là một sự cố tình cắt ghép để xuyên tạc. Nội dung văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã nêu rõ việc lấy ý kiến đối với các cơ sở giáo dục công lập là toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại đơn vị. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập là chủ đầu tư các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non, trường mầm non, trường tiểu học ngoài công lập và toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại đơn vị.

Chiêu trò xuyên tạc quá trình xây dựng, sửa đổi luật đất đai ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là nhằm thực hiện mưu đồ đen tối là chống phá Đảng và Nhà nước, vu cáo xây dựng pháp luật, sửa đổi luật đất đai chỉ là sự hợp thức hóa sự bóc lột, đàn áp nhân dân, duy trì lợi ích cục bộ của cán bộ, đảng viên để nhằm tạo ra sự hoang mang, dao động, từ đó dẫn đến nghi kỵ, mâu thuẫn giữa Đảng và nhân dân. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc này, vững niềm tin để cùng xây dựng một luật đất đai vừa phát huy được nguồn lực của đất nước, vừa đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng thành công xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình” ở Việt Nam.

TS. Vũ Thị Hồng Trang

Khoa CTH và QHQT, Học viện Chính trị Khu vực I

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Duy Nghĩa, Sửa đổi luật Đất đai để bảo vệ tốt hơn quyền tài sản của các chủ sử dụng đất, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 02+03 tháng 2 năm 2020

2. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.CTQGST


[1] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.CTQGST, tr 43

[2] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.CTQGST, tr 109

[3] https://congan.kontum.gov.vn/an-ninh-trat-tu/chong-dien-bien-hoa-binh-/phong-ngua-thu-doan-xuyen-tac-viec-lay-y-kien-nhan-dan-doi-voi-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-.html

...