07/01/2025 lúc 08:38 (GMT+7)
Breaking News

Nâng chất để khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa và phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%, năm 2023 Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa và phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%, năm 2023 Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, năm 2023 ngoài việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Công Thương tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm để khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

WinMart/WinMart+ hiện là hệ thống bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam về quy mô điểm bán. 

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã hướng tới việc tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Cùng đó, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Để thực hiện được các mục tiêu chủ yếu này, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước. Điều này bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.

Cụ thể như Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Hơn nữa, Bộ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống.

Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hải đảo với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...

Bộ Công Thương còn ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa.

Bên cạnh đó, tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ cũng như phát triển các phương thức bán lẻ mới; trong đó, đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Không những thế, Bộ Công Thương còn khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) và cơ sở phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…), đồng thời làm tốt tuyên truyền, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối.

Nhận định từ các chuyên gia, các giải pháp điều tiết, kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường được triển khai quyết liệt đã góp phần quan trọng trong việc điều hành vĩ mô, thực hiện các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 1,7%, thay vì 3% đưa ra trước đó.

Mức tăng trưởng chậm lại đang xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế phát triển. Các nước đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi phải đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái.

Tại dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành công thương từ nay đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm.

Đơn cử như tại lĩnh vực bán lẻ, năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy các nhà bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường sẽ có sự đầu tư mới của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.

Khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, có tới 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới.

Chẳng hạn như Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sẽ tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ, tăng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam; trong đó, có 3-4 dự án tại Hà Nội./.