16/01/2025 lúc 05:41 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao vai trò của cộng đồng DN Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường

VNHN –Sáng ngày 12/3/2019, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Cộng đồng DN Việt Nam với hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”

VNHN –Sáng ngày 12/3/2019, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Cộng đồng DN Việt Nam với hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”

Diễn đàn được tổ chức nhằm hướng tới việc không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; hướng đến việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ứng phó với các diễn biến về biến đổi khí hậu.

Theo ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng và Tuyên truyền (Bộ TN&MT) cho biết: Cùng với sự phát triển của đất nước, cộng đồng DN nước ta đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng. Đặc biệt là đối tượng chính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng các nguồn nguyên liệu xuất phát từ tài nguyên thiên nhiên và có tác động chính đến các hoạt động bảo vệ môi trường.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều đại biểu

DN trong công tác bảo vệ môi trường

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước các DN Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới, phát triển nhiều dự án với sự đa dạng về hình thức, quy mô và lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế xã hội đất nước như: khởi nghiệp, đồng hành cùng các DN trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; nâng cao và đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn về quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, thách thức chung đối với cộng đồng DN hiên nay là quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc vào nền kinh tế nâu (sử dụng phần lớn nguyên nhiên liệu từ thiên nhiên); chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến quá trình đầu tư của DN chưa đạt hiệu quả cao,… Đây cũng đòi hỏi khách quan trong sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Hiện nay, nhu cầu của đời sống xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng về sử dụng các nguồn tài nguyên từ thiên nhiên ngày càng lớn, do đó thách thức bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh của các DN cần được nâng cao nhận thức, đầu tư cho mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và nguyên liệu; xử lý chất thải, nước thải, khí thải; phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh của DN.

Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN, đặc biệt là bảo vệ môi trường, phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh sẽ giúp các DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững của DN. Hiện nay, phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, trên thế giới có 50,91 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường đạt 81,6 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010.  Nhiều DN “đầu đàn” tiên phong vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất hữu cơ theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới và có thương hiệu được khẳng định trên thị trường. Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để chúng ta phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ sức khỏe con người.  

* Lợi ích của DN khi đầu tư vào bảo vệ môi trường

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ DN mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất. Nhưng khi các DN tăng cường đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích hết sức tích cực cho chính DN và cộng đồng. Cụ thể, việc thực hiện đầu tư cho bảo vệ môi trường sẽ giúp các DN có môi trường làm việc an toàn, mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên.

Một lợi ích dài hạn  mà các DN có được là hình ảnh và thương hiệu của DN sẽ được tăng lên. Sử dụng các nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đã được nhiều DN sử dụng và xem như là một công cụ để thu hút khách hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế ngày càng sâu và rộng các tiêu chuẩn kỹ thuật và việc chấp hành các quy định về môi trường trong các sản phẩm hàng hóa xuất – nhập khẩu ngày càng được quan tâm và thể hiện chặt chẽ hơn trong các cam kết hội nhập mà Việt Nam tham gia. Chính vì vậy khi DN đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về các sản phẩm của DN trên thị trường khu vực và thế giới, tránh được những thất bại khi tiến hành các giao dịch thương mại quốc tế.

Trước vai trò của DN trong công tác bảo vệ môi trường, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Các DN cần sớm chú trọng các giải pháp như đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong DN cho chính người quản lý và lao động trong DN của mình và tại địa phương nơi DN đặt trụ sở, cơ sở sản xuất nhằm hướng đến vì mục tiêu phát triển bền vững./.