VNHN - Theo các chuyên gia dân số, công tác nghiên cứu về dân số và phát triển cũng giống như “người dẫn đường thầm lặng”, đưa những giá trị thực tiễn đến với những văn bản, chính sách; giúp công tác chỉ đạo, giám sát, thực thi và ban hành văn bản pháp luật sát với thực tế. Chính vì vậy, nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh chuyển trọng tâm dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để hoạch định chính sách
Trong những năm qua, công tác dân số đã đạt được những thành tựu to lớn. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%. Cả nước có 723.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên… góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) GS.TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng, để đạt được những thành tựu quan trọng kể trên, ngoài nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trong ngành dân số, phải kể đến một phần đóng góp to lớn của các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong việc cung cấp bằng chứng khoa học, đề xuất giải pháp cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành chương trình dân số của Việt Nam thời gian qua.
Thêm vào đó, việc nghiên cứu các yếu tố nhân khẩu học, văn hóa, trình độ phát triển… còn giúp ích cho các cơ quan quản lý đưa ra được chiến dịch truyền thông, vận động phù hợp với từng khu vực, vùng miền cũng như nắm bắt được những thiếu sót, tồn tại trên địa bàn để đưa ra hướng khắc phục. Nói cách khác, công tác nghiên cứu cũng giống như “người dẫn đường thầm lặng” để đưa những giá trị thực tiễn đến với những văn bản, những chính sách; giúp công tác chỉ đạo, giám sát, thực thi và ban hành pháp luật, đường lối sát với thực tế nhất.
“Để ban hành một nghị quyết, nghị định hay thông tư… đều phải có lý luận biện chứng, xuất phát và được tổng hợp từ thực tế. Công tác nghiên cứu về dân số và phát triển tuy thầm lặng nhưng rất quan trọng, cần được đầu tư thêm về thời gian, công sức và chi phí…” - GS.TS. Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Tránh nghiên cứu ồ ạt và đại trà
Với những thách thức về mức sinh chênh lệch, mất cân bằng giới tính khi sinh hay tốc độ già hóa dân số nhanh, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dân số, bảo đảm công tác dân số được quan tâm một cách toàn diện nhất.
Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”. Đây được coi là nền móng quan trọng để thực hiện những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện các vấn đề về công tác dân số, từ đó góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW cũng như trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp và nội dung rất cụ thể, đa dạng. Một mặt, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực y tế - dân số. Mặt khác, sẽ tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật.
Theo đó, vẫn ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước về dân số và phát triển; tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa dân số và phát triển phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quản lý điều hành công tác dân số. Phát triển công nghệ y - sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực và thế giới; dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử cũng nhận định rằng, do trình độ phát triển và thực trạng dân số ở các vùng, khác địa phương rất khác nhau nên các địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW (với tiêu chí về mức sinh; tỷ số giới tính khi sinh; cơ cấu dân số vàng; già hóa dân số; phân bổ và nâng cao chất lượng dân số) sao cho hợp lý và hiệu quả.
Các đề tài nghiên cứu cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể về công tác dân số tại từng địa phương, tránh làm ồ ạt, đại trà hoặc giống nhau giữa các tỉnh, sẽ khó thu được kết quả tốt nhất cho các địa phương. Chẳng hạn, ở những địa phương có mức sinh cao, xu hướng tiếp tục tăng sinh, các đề tài nghiên cứu phải “đánh trúng” vào khía cạnh này, đề xuất giải pháp đưa mức sinh về mức sinh thay thế, từ đó mới đem lại hiệu quả thực tiễn cao.