23/01/2025 lúc 02:11 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm tiền gửi

VNHN - Từ khi có Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) năm 2012, hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có nhiều thay đổi, chứng minh được vai trò của mình trong việc bảo vệ người gửi tiền. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHTG phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG; để chính sách BHTG thực sự đem lại hiệu quả, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn và lành

VNHN - Từ khi có Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) năm 2012, hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có nhiều thay đổi, chứng minh được vai trò của mình trong việc bảo vệ người gửi tiền. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHTG phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG; để chính sách BHTG thực sự đem lại hiệu quả, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn và lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, hoạt động BHTG cần có những điều chỉnh để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng.

Ảnh minh họa

Sửa Luật BHTG là một yêu cầu khách quan

Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG; sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là một yêu cầu khách quan nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tạo môi trường pháp lý cho thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng phát triển an toàn, bền vững. Để việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG bảo đảm tính ổn định, thống nhất và có hiệu lực thực thi thì cần bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHTG và về vấn đề cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Đặc biệt là định hướng sử dụng công cụ BHTG một cách hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu.

Việc sửa đổi, bổ sung cần theo hướng để BHTGVN có vai trò hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro tổ chức tín dụng; tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN; giúp Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTGVN vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng cao hạn mức chi trả BHTG phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng.

Luật BHTG sửa đổi, bổ sung cần theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan để việc thực thi đạt hiệu quả trong thực tế; khắc phục những bất cập, hạn chế qua quá trình thực thi Luật BHTG từ năm 2013 đến nay. Các quy định của Luật BHTG cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới của BHTGVN, trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng Luật BHTG của các nước, tham khảo hướng dẫn phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của các tổ chức quốc tế, bảo đảm Luật BHTG của Việt Nam đáp ứng được một số chuẩn mực chung của quốc tế.

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về BHTG

Mô hình BHTG hiện nay phải gắn với chức năng không chỉ là tổ chức chi trả bảo hiểm thuần túy, mà còn phải có chức năng giảm thiểu rủi ro, BHTG phải là một tổ chức đa năng có quyền cấp chứng chỉ BHTG, giám sát, cảnh báo, phòng chống rủi ro trong hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi và chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền. Mục tiêu của tổ chức này là gắn với việc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, giám sát rủi ro, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tài chính và chủ động trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Vì vậy, phải nâng cao vị thế của tổ chức BHTGVN. Ngoài ra, cần thiết phải tạo năng lực đủ mạnh cho tổ chức BHTGVN bằng cách tăng vốn, khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG trong nền kinh tế.

Theo quy định của pháp luật về BHTG ở Việt Nam hiện nay thì chỉ có tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, do ngân hàng Trung ương cấp phép thì mới bắt buộc tham gia BHTG. Vậy, đối với các tổ chức khác không rơi vào các trường hợp trên nhưng có nhận tiền gửi của cá nhân thì có phải tham gia BHTG không? Điều này cần làm rõ vì các tổ chức như tổ chức tiết kiệm của hội phụ nữ, tổ chức tiết kiệm của hội nông dân có huy động tiền gửi từ công chúng để thực hiện một số chương trình xóa đói giảm nghèo ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc tổ chức như tiết kiệm bưu điện, công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty nhận ủy thác đầu tư chứng khoán có huy động vốn từ cá nhân hiện cũng chưa có quy định về việc tham gia BHTG. Vậy, nếu các tổ chức này bị phá sản thì quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền sẽ không được bảo vệ một cách thoả đáng.

Vì vậy, Luật BHTG cần quy định rõ về đối tượng bắt buộc phải tham gia và cũng nên mở rộng sự tham gia BHTG của các tổ chức khác có huy động vốn theo nguyên tắc tự nguyện, trên cơ sở đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền một cách triệt để hơn.