Trang mạng valdaiclub ngày vừa qua đã điểm tên 5 xu hướng quốc tế hàng đầu và đáng chú ý nhất trong năm 2021.
Ảnh minh họa
Đại dịch không "thổi bùng" xung đột
Thứ nhất, ngoại trừ cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh, đại dịch đã không làm trầm trọng thêm xung đột vũ trang trên thế giới nói chung. Một hiệp định đình chiến tương đối vẫn được áp dụng ở Donbass.
Tại Syria, trung tâm của cuộc đấu tranh chính trị đã chuyển từ chiến trường sang mặt trận ngoại giao. Tại Libya, các hành động thù địch đã chấm dứt và một hiệp định đình chiến đã được thiết lập. Không có mối đe dọa nào làm trầm trọng thêm tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc khiêu khích vũ trang và chính trị vẫn tiếp tục: Đó là các cuộc diễn tập của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh hay câu chuyện kỳ lạ với Navalny.
Nhưng ngoại giao vẫn phải đối phó với nhiệm vụ chính- ngăn chặn các cuộc chiến tranh lớn. Không có lý do gì để tin rằng các cuộc xung đột quốc tế hoặc các cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của năm 2020 phát sinh do đại dịch.
"Đại dịch không làm cho các quốc gia yếu đi. Tuy nhiên, phản ứng thiếu thuyết phục, không đầy đủ của họ trước mối đe dọa này tạo ấn tượng về sự yếu kém giữa bạn bè, kẻ thù và có lẽ quan trọng nhất là chính công dân của họ", trang valdaiclub bình luận.
Nội bộ nước Mỹ sẽ ngày càng rối ren
Ông Joe Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, không chỉ phải tiếp nhận đại dịch Covid-19, những hậu quả kinh tế của nó, mà còn cả tính chính danh thấp trong mắt một nửa người dân Mỹ.
Ông Biden sẽ vào Nhà Trắng mà không có bất kỳ triển vọng tốt đẹp nào để thúc đẩy các lời hứa hẹn của mình thông qua cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp, ngoại trừ những lời hứa hẹn hoa mỹ, chẳng hạn như trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong quan hệ Nga-Mỹ, thế giới sẽ thấy những điều bình thường: một làn sóng chiến tranh thông tin mới và các hành động khiêu khích chính trị chống lại Nga, dẫn đầu là Ukraine, Ba Lan, Gruzia hoặc các nước khác hy vọng giành được sự chấp thuận của chính quyền mới của Mỹ.
Quá nhiều nước trên thế giới đã tin vào một cuộc đối đầu giữa Moscow và Washington. Việc đưa các mối quan hệ thoát khỏi khủng hoảng đòi hỏi một kế hoạch dài hạn, điều mà giới lãnh đạo Mỹ hiện vẫn chưa có.
Quan hệ Nga-Đức nguội lạnh
Đức đang triển khai thực hiện Thỏa thuận Xanh, điều này sẽ dẫn đến một cảnh quan kinh tế và sinh thái mới cho Liên minh châu Âu (EU), với vai trò chủ đạo là các doanh nghiệp Đức, vốn sẽ ràng buộc hầu hết các tiêu chuẩn sản xuất.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gây thêm khó khăn cho mối quan hệ Nga-Đức vốn dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực năng lượng truyền thống.
Thời kỳ "quan hệ đặc biệt" giữa hai nước rơi vào quên lãng khi bối cảnh thế giới thay đổi. Nga và Đức đều đang phải đối mặt với thời kỳ tái cấu trúc cơ bản các mối quan hệ dựa trên lợi ích của chính quốc gia họ.
Berlin nhắc lại "Chính sách hướng Đông mới" của Thủ tướng Willy Brandt như một ví dụ về chiến lược tích cực để phát triển quan hệ với Nga, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy chủ nghĩa lịch sử hiện tại của sự thảo luận về quan hệ Nga-Đức cần được xem xét lại.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ
Xu hướng quốc tế thứ tư sẽ là sự tích cực trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 11/2020, sau kết quả của cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tích cực, một hiện trạng mới được hình thành trong khu vực với mối liên kết chiến lược giữa Ankara và Baku được củng cố.
Nga bị thách thức về vai trò lãnh đạo trong khu vực Caucasus và triển vọng xuất khẩu bất ổn thông qua các lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria sang Azerbaijan đã tạo ra những căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.
Tham vọng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra những tình huống khó xử cho Moscow trong tương lai gần. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội tiến vào biển Caspi và mở rộng hoạt động cũng như ảnh hưởng đến Trung Á.
Ở phía Bắc, rủi ro đang gia tăng trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Kiev. Ukraine tin tưởng vào sức mạnh chinh phục tất cả của các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và đang nghĩ đến việc sử dụng chúng ở Donbass.
Ngân sách quân sự của Ukraine tăng đáng kể trong năm nay cho phép chi tiêu lớn và đã thúc đẩy giới lãnh đạo chính trị nước này sử dụng vũ lực. Việc củng cố các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại Azerbaijan cũng sẽ mở ra cơ hội mở rộng sự hiện diện của Ankara tại Gruzia.
Xu hướng hạn chế quyền tự do ngôn luận trên Internet
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, dịch bệnh luôn đi kèm với những lời đồn đại: hạ thấp hoặc phóng đại sự nguy hiểm, đưa ra những phương pháp chữa trị thần kỳ và cáo buộc nhà cầm quyền gian lận.
Trong thời kỳ tiền công nghiệp, những tin đồn này lan tràn trong các khu chợ; bây giờ chúng được lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện nay và sau này, các quốc gia coi những tin đồn này là một mối đe dọa và trấn áp chúng là một trong những biện pháp chống dịch quan trọng nhất.
Trong năm 2021, chúng ta sẽ thấy nhiều sáng kiến hạn chế quyền tự do ngôn luận trên Internet, nhiều ví dụ về áp lực của chính phủ đối với mạng xã hội. Đổi lại, phương tiện truyền thông xã hội sẽ ngày càng gây áp lực lên người dùng, buộc người dùng phải điều chỉnh lại cách diễn giải các sự kiện.
Chắc chắn trong năm tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc các quốc gia mạnh nhất sẽ ngày càng kiểm soát mạnh mẽ hơn thị trường công nghệ thông tin.