Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010-2020, Nam Định đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” đáng tự hào khi là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM vào năm 2019. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Nam Định tiếp tục dồn mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Diện mạo nông thôn Nam Vân (TP. Nam Định)
Xây dựng những miền quê đáng sống
Năm 2019, toàn tỉnh Nam Định có 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến đến hết năm 2020, có thêm ít nhất 51 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Sáu xã gồm Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu (huyện Hải Hậu); Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng); Giao Phong (huyện Giao Thủy) và Liên Minh (huyện Vụ Bản) đã cơ bản hình thành các mô hình xã NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Có 131 thôn/xóm/tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM từ đầu năm đến tháng 11/2020 đạt 3.173 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 22,3%, vốn tín dụng 59,3%, vốn cộng đồng dân cư 10,7%, vốn lồng ghép 3,9% và vốn doanh nghiệp 3,8%. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự chủ động huy động nguồn lực của các địa phương và tự nguyện đóng góp của người dân, đến nay Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 48,5 triệu đồng/người, năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng/người. Các tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn… đều được cải thiện.
Trong bức tranh tổng thể về xây dựng nông thôn mới Nam Định không thể không nhắc đến huyện Hải Hậu. Năm 2020, Hải Hậu tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025. Đến nay, tất cả 546 xóm/tổ dân phố đạt chuẩn NTM nâng cao. Về xây dựng NTM kiểu mẫu, Hải Hậu có hai xóm được công nhận đạt chuẩn, 131 xóm/tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn. Huyện đã cơ bản hoàn thành ba xã NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; hình thành bốn tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện dài 16 km; xây dựng 64 mô hình văn hóa, thể thao và 51 mô hình quản lý, phân loại rác thải tại nguồn kiểu mẫu ở cấp xóm.
Ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định
Theo ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu hiện nay, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó bởi dễ biến động và phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, tập quán canh tác, sản xuất,…Chính vì vậy, để thực hiện tốt tiêu chí này, Nam Định đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay từ các xã đều phải chủ động phát huy vai trò của hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm, sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp để từng bước phấn đấu đạt chuẩn các chỉ tiêu về môi trường. Các chi hội, đoàn thể chủ trì các phong trào, hoạt động mà trong đó các Chi hội phụ nữ là lực lượng nòng cốt cùng thi đua giữ gìn đường ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp; trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh;... Nhiều Chi hội phụ nữ tại các huyện đã tổ chức trồng hoa và giữ gìn vệ sinh môi trường cho gần 2.500 km đường giao thông nông thôn, xây dựng và nhân rộng mô hình “phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”, mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường làng nghề”,…
Thông qua các phong trào, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 172 thôn với 45.112 hộ của 111 xã đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, một số địa phương đang triển khai xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình phân loại trên 100% hộ gia đình. Ở các địa phương thí điểm phân loại rác đã giảm thiểu được 30-50% lượng rác phát sinh. Nhờ tập trung chỉ đạo, tăng cường thực hiện tiêu chí về môi trường mà cảnh quan nông thôn, chất lượng môi trường ngày càng đổi mới. Từ đó, người dân là chủ thể xây dựng NTM và cũng là người thụ hưởng những thành quả từ NTM.
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường)
Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng NTM bền vững
Từ quan điểm lấy việc nâng cao đời sống của nông dân làm thước đo trong xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng được các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hưởng ứng. Nhận định của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh cho rằng, tiềm năng phát triển sản xuất từ sản phẩm chủ lực, làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Chương trình OCOP tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, tháng 2/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định đã họp đánh giá, phân hạng đợt một đối với 26 sản phẩm, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao. Tháng 9/2020, Hội đồng tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt hai cho 86 sản phẩm của 56 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 10 huyện, thành phố. UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 84 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao.
Đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP (trong đó có 118 sản phẩm 3 sao và 28 sản phẩm 4 sao), vượt 46% so chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Đặc biệt, tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong năm tỉnh thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP.
Định hướng chặng đường xây dựng hậu NTM, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu xây dựng nông thôn Nam Định có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh. Đồng thời giữ gìn bản sắc tốt đẹp của nông thôn Nam Định; người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Trọng tâm là chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa phương, đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Từ việc thấm nhuần những kết quả, mục tiêu mà Chương trình xây dựng NTM hướng đến, từng tiêu chí đã tác động mạnh mẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, diện mạo NTM Nam Định ngày càng khởi sắc; những mô hình hay, gương điển hình ngày một nhân lên. Có được thành quả đó là nhờ vào sự chung tay góp sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động từng hộ dân và nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh…Từ sự cố gắng đó đã vun đắp xây dựng và kết trái, giúp mảnh ghép NTM mới Nam Định ngày càng rõ nét với một nền nông nghiệp hiện đại.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh Nam Định phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 mô hình NTM kiểu mẫu, 100 sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") trở lên. Năm 2025, có ít nhất 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu. |
Vân Anh – Tuyết Trần