VNHN - Sau những nỗ lực của năm 2019, Việt Nam bước sang năm 2020 với nền tảng tích cực hơn về chính sách tài chính, tiền tệ. Chính sách tiền tệ thời gian qua đã góp phần tích cực vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Ảnh minh họa
Cân nhắc chính sách nới lỏng, linh hoạt
Theo chuyên gia kinh tế, Vũ Bằng (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch UBCKNN), năm 2020 các yếu tố khó khăn của tình hình thế giới vẫn còn, mà nổi lên là tình trạng nợ toàn cầu lên tới 230% GDP, cảnh báo nguy cơ đổ vỡ ở một số điểm xấu có thể lan truyền thành khủng hoảng. Đây là do nhiều nước kích thích tăng trưởng và đầu tư không hiệu quả nên nợ toàn cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi của tình hình này là khi nhiều nước áp dụng chính sách kích thích, sẽ tác động tốt cho thương mại, đầu tư, từ đó tác động tốt đến Việt Nam. Bên cạnh đó, do tăng trưởng chậm lại nên giá cả không tăng nhiều, lãi suất cũng không tăng nên lạm phát sẽ “dễ thở” hơn.
Với quan điểm như vậy, ông Vũ Bằng cho rằng nên cân nhắc việc dùng các chính sách nới lỏng một cách thận trọng để “tranh thủ” hỗ trợ tăng trưởng. “Trong xu hướng quốc tế đang kích thích tăng trưởng thì nên tranh thủ thời gian còn lại trước khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính, cụ thể là lãi suất và tín dụng. Tất nhiên, không phải nới vô tội vạ mà có thể cân nhắc mức 13 - 15% hoặc nới cho những ngân hàng đạt Basel 2, ngân hàng nhóm A, thì chất lượng tín dụng cũng không ảnh hưởng”, ông Vũ Bằng nhận định.
Đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã điều hành linh hoạt để ổn định tỷ giá, nguyên Chủ tịch UBCKNN đề nghị năm tới chúng ta tiếp tục linh hoạt, khéo léo hơn nữa để cân bằng xuất nhập khẩu, mua dự trữ trong tỷ lệ cho phép, nới tín dụng và lãi suất để tỷ giá không lên giá nhiều, tạo sự chuẩn bị cho xu hướng giảm tốc của kinh tế thế giới.
Cũng có quan điểm cho rằng dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa năm nay tốt hơn, chuyên gia kinh tế - ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, với tình hình giá cả thế giới đang thấp và ít có triển vọng tăng, lạm phát của chúng ta đang được kiểm soát khá thấp, thì có thể cân nhắc việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công thời gian tới hay không, tận dụng bối cảnh không gây áp lực nhiều lên lạm phát. Về tỷ giá, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng chúng ta còn dư địa điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa. “Theo chúng tôi tính toán, tỷ giá thực từ đầu năm 2019 đến nay của VND so với 12 nước chiếm 80% tỷ trọng thương mại đã tăng khoảng 2%, như vậy dư địa điều chỉnh tỷ giá trong mức 2% là hoàn toàn phù hợp”, ông Cấn Văn Lực nói.
Phát triển thị trường vốn để làm trụ đỡ cho tăng trưởng
Về thị trường vốn, theo các chuyên gia, đây vẫn là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng nên phải có giải pháp tích cực hơn nữa nâng cao vai trò của thị trường vốn, thay dần cho tín dụng ngân hàng, giảm rủi ro mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn.
Trên tinh thần đó, ông Vũ Bằng cho rằng việc triển khai Nghị định 163 vừa qua đã phát huy hiệu quả khá tốt, huy động hơn 230.000 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nguồn vốn này vừa giảm gánh nặng cho ngân hàng, vừa tạo kênh huy động vốn kịp thời cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Về lãi suất của trái phiếu, ông cho rằng chưa nên lo lắng quá bởi thực tế lãi suất vay ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất cao. Tuy nhiên, ông Vũ Bằng cũng lưu ý cần một số biện pháp để quản lý tốt hơn. Chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu đang có điểm hở là sau một năm được bán ra ngoài, về bản chất là chào ra công chúng. Trong khi đó, việc chào bán ra công chúng có những rủi ro và theo Luật Chứng khoán được kiểm soát rất chặt. Do đó, ông gợi ý khi sửa Nghị định 163 có thể bổ sung quy định bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và “nhà đầu tư khác” với một số điểm nới hơn; đồng thời, tăng cường quy định về tài sản đảm bảo, về kiểm toán…
Trái phiếu cũng là giải pháp được đề xuất để giải quyết bài toán vốn cho cơ sở hạ tầng đang rất thiếu. Theo ông Vũ Bằng, nên có sự “đột phá chính sách” trong cơ sở hạ tầng bằng cách cho doanh nghiệp tham gia được tiếp cận vốn trên thị trường vốn, phát hành trái phiếu công trình, huy động quỹ đầu tư thành viên cho một số thành viên góp vốn (không huy động rộng rãi ra công chúng). “Hiện nay, dự thảo Nghị định dự thảo về PPP chỉ cho phép sau khi hoàn thành dự án mới được phát hành trái phiếu là cách tiếp cận chưa đúng. Thay vào đó từ lúc đầu bắt đầu dự án nên cho doanh nghiệp được phép tiếp cận vốn bằng trái phiếu, chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, kể cả ngân hàng cũng góp vốn bằng trái phiếu và sau này có thể chuyển nhượng, đổi ngang, đỡ rủi ro và tính linh hoạt cao hơn”, ông Vũ Bằng đề xuất.
Còn theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), hiện nay có nhiều thông tin trên thị trường đề cập đến một số TPDN lãi suất rất cao, 14 – 20% là bất thường, phải cảnh báo... Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, những cảnh báo, thông điệp đó có thể “phát đi tín hiệu sai lệch và làm chậm sự phát triển của thị trường trái phiếu”. Đối với TPDN, nhà đầu tư không cần chênh lệch giá mua giá bán như cổ phiếu mà họ cần phần bù phí thanh khoản của TPDN, họ có thể chờ đợi 2, 3 hay 5 năm, nên chuyện lãi suất cao hay không là đánh giá của nhà đầu tư.
Do đó, GS.TS Trần Ngọc Thơ đề xuất không nên đưa ra những cảnh báo quá mức, điều này khiến một số doanh nghiệp có nhu cầu phát hành TPDN rất lo ngại vì không biết tới đây thị trường sẽ bị thu hẹp ra sao. “Sự truyền thông, cảnh báo phải cân nhắc, thận trọng về hiệu quả. Sự điều chỉnh bằng chính sách có ý nghĩa cho thị trường hơn là sự hô hào bảo vệ nhà đầu tư, thậm chí có thể có tác dụng ngược”, ông Trần Ngọc Thơ cảnh báo.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề nghị phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường tài chính, tiền tệ phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Theo đó, đề nghị Chính phủ sớm khởi động việc sửa các Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi… để có thể trình Quốc hội trong năm 2021.
Ông Vũ Bằng chuyên gia kinh tế cho rằng nên cân nhắc việc dùng các chính sách nới lỏng một cách thận trọng để “tranh thủ” hỗ trợ tăng trưởng. Trong xu hướng quốc tế đang kích thích tăng trưởng thì nên tranh thủ thời gian còn lại trước khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính, cụ thể là lãi suất và tín dụng. Tất nhiên, không phải nới vô tội vạ mà có thể cân nhắc mức 13 - 15% hoặc nới cho những ngân hàng đạt Basel 2, ngân hàng nhóm A, thì chất lượng tín dụng cũng không ảnh hưởng.
Hoàng Yến