Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng mặc dù mục tiêu tăng trưởng này được cho là thấp nhất trong hàng chục năm qua, nhưng điều đó vẫn có nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vì kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm nay và các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn với những nguy cơ suy thoái.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra dù phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ và thách thức từ bên ngoài nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và tốc độ phục hồi đang tăng tốc của nước này, cũng như các công cụ chính sách đầy đủ để ngăn chặn nguy cơ và thách thức đó.
Ưu tiên sự ổn định
Mục tiêu tăng trưởng GDP, cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế khác, đã được nêu trong báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày vào ngày 5/3 tại kỳ họp thứ nhất của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV.
Thủ tướng Lý Khắc Cường chia sẻ trong báo cáo công tác chính phủ rằng: "Năm nay, điều cần thiết là ưu tiên ổn định kinh tế và theo đuổi sự phát triển trong khi vẫn đảm bảo ổn định. Các chính sách cần được duy trì nhất quán và có mục tiêu, đồng thời nên được thực hiện theo cách phối hợp hơn để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển chất lượng cao".
Các quan chức và chuyên gia cho rằng mục tiêu kinh tế này phản ánh niềm tin của các nhà hoạch định chính sách đối với hiệu quả kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, vì kinh tế Trung Quốc đã phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự đoán trong hai tháng sau khi nước này tối ưu hóa phản ứng với dịch COVID-19, nhưng nhà chức trách đã xem xét các yếu tố bất ngờ tiềm ẩn do tình hình địa chính trị căng thẳng và sự yếu kém của kinh tế toàn cầu.
Trương Nhạn Sinh, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/3 rằng kinh tế Trung Quốc có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên 5,8-6% trong năm nay.
IMF gần đây đã dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay là 5,2% và tăng trưởng toàn cầu là 2,9%.
Tào Hòa Bình, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, đã đồng ý với đánh giá rằng hiệu quả kinh tế của Trung Quốc rất có thể sẽ vượt mục tiêu của chính phủ do đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước này. Ông nói với Thời báo Hoàn Cầu: "GDP của Trung Quốc có thể tăng hơn 6% trong năm 2023 nếu xung đột Nga-Ukraine và chủ nghĩa đơn phương quốc tế không leo thang ở mức độ lớn... Tuy nhiên, các quan chức đặt mục tiêu tăng trưởng GDP chậm hơn một chút so với mức đó để thể hiện sự nhấn mạnh của họ vào phát triển chất lượng cao và theo đuổi một mô hình tăng trưởng bền vững."
Trong hai tháng đầu năm 2023, kinh tế Trung Quốc hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến trong các lĩnh vực từ du lịch, giải trí đến sản xuất. Dựa trên sự phục hồi nhanh chóng, các tổ chức toàn cầu đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay.
Moody's gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc lên 5% cho cả hai năm 2023 và 2024, tăng so với dự báo trước đó là 4%, nhấn mạnh rằng quyết định của Chính phủ Trung Quốc nhằm tối ưu hóa phản ứng với COVID-19 sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế của nước này một cách tự nhiên.
Chủ tịch Deloitte Trung Quốc Tưởng Dĩnh nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/3 rằng báo cáo công tác chính phủ cho thấy do phải đối mặt với sự không chắc chắn ngày càng tăng ở môi trường bên ngoài và sự phục hồi trong nước còn non trẻ vẫn cần được củng cố, Chính phủ Trung Quốc muốn thực hiện một cách tiếp cận cân bằng và toàn diện giữa các biện pháp dự phòng ngắn hạn và những chiến lược phát triển trung và dài hạn.
Bà nói: "Mục tiêu ở đây là nâng cao hiệu quả về chất lượng và tăng hợp lý về số lượng. Và mục tiêu tăng trưởng 5% có khả năng thành hiện thực cao".
Với việc đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là động lực kinh tế lớn của thế giới trong năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại giữa nhiều căng thẳng địa chính trị và biến động chính sách tiền tệ.
Điền Vân, một nhà quan sát kinh tế vĩ mô kỳ cựu, cho rằng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ vượt qua hầu hết các nền kinh tế, trừ các quốc gia đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa như Ấn Độ...
Ông nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng tốc, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại mức khoảng 30% trong năm nay."
Tập trung vào chất lượng
Xem xét kỹ những mục tiêu kinh tế của các nhà hoạch định chính sách trong những lĩnh vực cụ thể, các chuyên gia cho rằng những mục tiêu kinh tế năm nay phản ánh sự chú trọng của chính sách đối với sự ổn định và phát triển chất lượng cao dựa trên những gì họ coi là những điểm nổi bật trong báo cáo công tác chính phủ năm nay.
Tiêu dùng đã được ưu tiên, với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong báo cáo công tác chính phủ rằng Trung Quốc nên ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng.
Chuyên gia Tưởng Dĩnh cho biết: "Các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, chẳng hạn như nâng cao thu nhập của nhóm thu nhập trung bình và thấp, thúc đẩy doanh số bán phương tiện năng lượng mới (NEV) và hỗ trợ phát triển lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi có khả năng giải phóng hoàn toàn sức tiêu dùng của người dân từ cả hai phía cung và cầu".
Báo cáo công tác chính phủ coi việc ngăn ngừa và xoa dịu các nguy cơ kinh tế và tài chính lớn là một trong những ưu tiên chính trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi sang phát triển xanh sẽ tiếp tục.
Báo cáo đặt ra các chỉ tiêu kinh tế khác cao hơn so với năm ngoái. Ví dụ, tỷ lệ thâm hụt trên GDP của Trung Quốc được dự đoán vào khoảng 3% trong năm 2023, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2022, điều cho thấy sự kích thích tài khóa tích cực hơn. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu cao hơn về việc làm, nhằm tạo ra 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm 2023, so với mục tiêu "hơn 11 triệu việc làm" của năm ngoái.
Chuyên gia Điền Vân nhận định "những điểm nổi bật này chỉ ra một điều là chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào phát triển chất lượng cao thay vì chỉ theo đuổi các mục tiêu về mặt số lượng". Chuyên gia này đồng thời nói thêm rằng các mục tiêu cho thấy suy nghĩ "giới hạn chót" của các nhà hoạch định chính sách khi họ muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, lâu dài.
Trần Gia, một nhà quan sát kinh tế vĩ mô, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng so với "bài kiểm tra tăng trưởng GDP" truyền thống, các chính quyền địa phương có thể tập trung hơn vào việc đạt được các mục tiêu kinh tế chi tiết liên quan đến sinh kế của người dân như việc làm và lạm phát.
Chuyên gia Điền Vân cho rằng: "Trung Quốc có thể đã đặt mục tiêu GDP ở mức tương đối thận trọng và linh hoạt hơn, nhưng họ sẽ tiếp tục thúc giục các chính quyền địa phương đảm nhận trách nhiệm đảm bảo sinh kế của người dân".
Ngăn chặn những nguy cơ
Các nhà quan sát nhấn mạnh rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận nhiều dấu hiệu đầy hứa hẹn trong những tuần gần đây, nhưng nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược", từ biến động nhu cầu bên ngoài đến chính sách tiền tệ của Mỹ.
Chuyên gia Trương Nhạn Sinh chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn phải đối mặt với một số thách thức, trong đó đầu tiên là nhu cầu bên ngoài không đủ. Chuyên gia này nói: "Năm nay sẽ là một năm còn khó khăn hơn đối với kinh tế toàn cầu, với việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng 1%. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% (của Trung Quốc) mặc dù là tương đối khiêm tốn nhưng một số chính quyền địa phương vẫn có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đó. Đây là lý do tại sao báo cáo công tác chính phủ đặt việc mở rộng nhu cầu trong nước là ưu tiên hàng đầu trong 8 nhiệm vụ chính trong năm 2023".
Chuyên gia Tào Hòa Bình cho rằng yếu tố bất định lớn nhất đến từ những thay đổi của môi trường bên ngoài, ví dụ như liệu một số nền kinh tế phát triển có rơi vào suy thoái kinh tế hay không. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Chuyên gia Điền Vân cho rằng, tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất của Mỹ cũng có thể gia tăng, vì việc tăng lãi suất đang làm cạn kiệt thanh khoản trên các thị trường quốc tế. Đối với Trung Quốc, điều đó cũng sẽ kích hoạt dòng vốn chảy ra ngoài, gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia Điền Vân nhấn mạnh rằng các chính sách của Trung Quốc là độc lập và có dư địa phong phú để điều động hơn nữa. Điều này, cộng với thực tế là kinh tế Trung Quốc đang trong chu kỳ đi lên, sẽ đặt Trung Quốc vào một vị thế tốt hơn so với các thị trường phương Tây để chống chịu những nguy cơ ở phía trước./.
Theo TTXVN tại Bắc Kinh