11/01/2025 lúc 13:32 (GMT+7)
Breaking News

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% phụ thuộc những yếu tố nào?

Đạt được con số tăng trưởng GDP như kế hoạch đề ra hay không phụ thuộc nhiều vào chiến lược vaccine thần tốc, độ lớn gói hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc trong các khâu thủ tục và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch của các bộ, ngành và các địa phương. 

Đạt được con số tăng trưởng GDP như kế hoạch đề ra hay không phụ thuộc nhiều vào chiến lược vaccine thần tốc, độ lớn gói hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc trong các khâu thủ tục và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch của các bộ, ngành và các địa phương. 

Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khi trao đổi về con số tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua và tính khả thi trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2021.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.

Kết quả ấn tượng

Đánh giá về những kết quả kinh tế nửa đầu của năm 2021, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại lần thứ 4 tại một số địa phương, đặc biệt tại các “đầu tàu” kinh tế của cả nước với diễn biến phức tạp, khó lường của biến thể Delta, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, tương đương khoảng 4 triệu tỷ đồng và thu ngân sách đạt 775.000 tỷ đồng, gần 60% dự toán cả năm là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao là so sánh với cùng kỳ năm 2020, năm có mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua.

Cùng với đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 giảm 2,1%), trong đó, xuất khẩu 157,63 tỷ USD, nhập khẩu 159,1 tỷ USD; bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% trong khi quý II/2020 giảm 5,77%... đều rất tích cực. Điểm cần lưu ý ở đây và cần phải tìm nguyên nhân là vì sao cán cân thương mại 6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD, trong khi 6 tháng đầu năm 2020 xuất siêu 5,86 tỷ USD.

Những kết quả trên cho thấy chúng ta đang tận dụng rất tốt các thỏa thuận EVFTA, CPTPP và RCEP để mở rộng các thị trường xuất khẩu, cũng như kết nối được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Thích nghi với bối cảnh

Về nguyên nhân để có được kết quả này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, trước tiên là nỗ lực trong điều hành với sự kiên định thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”; khát vọng vươn lên của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự phục hồi kinh tế của thế giới, nhất là các nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Không ai không nhìn nhận đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 18 tháng vừa qua đã tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực, đồng thời cũng tác động đến hành vi tiêu dùng, thái độ tiêu dùng, quản lý điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng ta đã và đang thích nghi với cuộc sống có đại dịch. Chẳng hạn như sự trỗi dậy của thương mại điện tử, tầm quan trọng của kinh tế số, chính quyền điện tử. Thậm chí trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, các lãnh đạo doanh nghiệp đã có bước chựng lại để nhìn nhận thực trạng doanh nghiệp cả về hạ tầng, nguồn nhân lực và chiến lược kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp từng bước điều chỉnh để thích nghi, sống chung với dịch COVID-19 trong thời gian tới”.

Do vậy, ông cho rằng các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố đang phản ánh đúng tăng trưởng của Việt Nam và có cả những cảnh báo kịp thời.

Tăng trưởng năm 2021 có đạt kế hoạch?

Dự báo tăng trưởng cho những tháng cuối năm, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ đã có sự chuẩn bị bằng việc ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó, tập trung vào 9 giải pháp trọng tâm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Ảnh minh họa (Internet)

Mặc dù vậy, động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là nông thủy sản, linh kiện điện tử; gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại khi tận dụng các hiệp định thương mại đã ký. Do đó, cũng cần tính đến những rủi ro, nhất là tỉ lệ tiêm chủng vaccine chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế; ảnh hưởng từ bất ổn thị trường tài chính quốc tế, an ninh, đối ngoại. Ngoài ra, tăng trưởng còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn trở ngại như năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Nhìn nhận việc đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra là thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tuy nhiên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng có nhiều cơ sở quan trọng để tin tưởng, như kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2021 được các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi và cũng trong xu hướng dự báo đó, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 đạt 6,5%. Đặc biệt, báo cáo cập nhật tháng 6/2021 của WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,6% dù đã tính đến tác động của làn sóng dịch lần thứ 4.

Với những nhận định trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, đạt được con số tăng trưởng như kế hoạch đặt ra hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược vaccine thần tốc, độ lớn gói hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc trong các khâu thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch từ các bộ, ngành và các địa phương…

Từ thực tế các nước trên thế giới cũng đang phải điều chỉnh liên tục theo tình hình dịch bệnh, do đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Việt Nam cũng cần một chính sách điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh với bối cảnh. Và với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% như kế hoạch, tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%.

Nguồn: baochinhphu.vn