VNHN - Giá đắt, chi phí sửa chữa cao hay phần mềm không ổn định là rào cản khiến điện thoại gập chưa thể phổ biến.
Smartphone màn hình gập có thể xem là điểm nhấn tại triển lãm MWC năm nay khi hàng loạt công ty sản xuất trình diễn sản phẩm của mình. Sau khi Samsung ra mắt Galaxy Fold, Huawei lập tức có câu trả lời với Mate X, hay Oppo, TCL cũng hé lộ thiết bị riêng. Theo Phonearena, loại điện thoại này sẽ trở nên quen thuộc trong năm 2019 nhưng chưa phải là lúc để mua chúng.
Chưa thực sự hoàn thiện
Galaxy Fold và Mate X được trình diễn thực tế trước thềm MWC 2019, nhưng gần như truyền thông không thể sờ tận tay. Một số chuyên gia cho rằng, việc chưa hoàn thiện cả về thiết kế lẫn tính năng khiến Samsung và Huawei chưa dám mạo hiểm cho khách tham quan trải nghiệm.
Nếp gấp xuất hiện trên Huawei Mate X. Ảnh: Phonearena.
Thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy các hãng còn nhiều điều phải làm với smartphone gập. Cả Mate X lẫn Galaxy Fold đều xuất hiện nếp nhăn khi mở màn hình. Chi tiết này không chỉ bị đánh giá là thiếu thẩm mỹ, mà còn khiến người dùng lo lắng về độ bền theo thời gian, bởi chúng đều có giá tầm 2.000 USD, gấp đôi so với mức chung của điện thoại cao cấp hiện nay trên thị trường.
Mashable cho rằng, tấm nền chưa hoàn thiện hay khớp nối chưa tối ưu cho việc gập mở khiến màn hình bị nhăn. Tình trạng này có thể khắc phục ở phiên bản thương mại. Nhưng nếu vấn đề trên vẫn xảy ra khi máy bán ra, việc bỏ số tiền lớn để trải nghiệm một sản phẩm chưa hoàn thiện có thể khiến không ít người chùn bước.
Ngoài ra, với khả năng uốn dẻo, một số khu vực trên màn hình có thể không được trang bị kính cường lực như thông thường, từ đó khả năng hư hại rất cao. Blogger công nghệ Roland Quandt tại buổi trải nghiệm Mate X nhận thấy màn hình gập của Huawei xuất hiện vết xước nhẹ, dù rất ít người cầm nó.
Giá bán sẽ thấp hơn
Là những thiết bị tiên phong, Galaxy Fold (1.980 USD) hay Mate X (2.600 USD) có giá bán cao là điều dễ hiểu, bởi chi tiết như màn hình, bản lề và kiến trúc bên trong gần như được tạo mới hoàn toàn. Để làm điều đó, các hãng đã phải dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để nghiên cứu.
Nếu đợi thêm một thời gian đến khi dây chuyền sản xuất linh kiện tối ưu hơn, giá thành của máy sẽ giảm xuống. Đồng thời, chúng cũng tích hợp nhiều tính năng nổi bật hơn so với hiện nay.
Giá smartphone gập có thể rẻ hơn trong tương lai. Ảnh: Samsung.
Các chuyên gia dự đoán, ít nhất một năm nữa điện thoại gập mới phổ biến do mức giá dễ tiếp cận hơn... "Những smartphone như Galaxy Fold thời gian đầu vẫn rất hạn chế về người dùng, chủ yếu dành cho những ai mê công nghệ, thích màn hình lớn và tất nhiên là có rất nhiều tiền", nhà phân tích Ramon Llamas của IDC nhận định.
Chi phí sửa chữa lớn
Các smartphone màn hình gập vừa ra mắt đều trang bị tấm nền OLED đắt tiền, đồng nghĩa chi phí sửa chữa nếu bị hư hại sẽ cao hơn so với LCD thông thường. Tấm nền OLED uốn dẻo cũng đắt hơn nhiều so với OLED phẳng.
Bên cạnh đó, không ít chi tiết linh kiện bên trong máy được làm mới hoàn toàn. Nếu chẳng may bị rơi vỡ hoặc hỏng đột ngột, số tiền bỏ ra để thay thế sẽ không nhỏ. Chưa kể, loại linh kiện này còn hiếm và nhiều khả năng không có sẵn, buộc người dùng tốn thêm thời gian chờ đợi.
Khả năng tương thích phần mềm
Nếu là một trong những người sử dụng đầu tiên, bạn có thể sẽ phải đối mặt với trải nghiệm không như ý. Khác với đa số smartphone đang có mặt trên thị trường, các ứng dụng chạy trên điện thoại gập buộc phải thiết kế lại để vừa hiển thị tốt ở không gian lớn, vừa chuyển đổi linh hoạt sang màn hình nhỏ. Nếu chưa thể tối ưu, lỗi xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Phần mềm hỗ trợ cho smartphone gập vẫn hạn chế. Ảnh: Verge.
Ngoài ra, số lượng ứng dụng tương thích với smartphone gập cũng là vấn đề cần quan tâm. Điện thoại hiện nay không còn đơn thuần là một thiết bị nghe gọi, mà còn thực hiện nhiều công việc khác thông qua ứng dụng. Nếu phần mềm hạn chế, điện thoại gập sẽ như một món đồ chơi số hạng sang mà thôi.
Có thể bị nhà sản xuất 'bỏ rơi'
Không ít sản phẩm tiên phong bị ngưng cập nhật một thời gian ngắn sau khi ra mắt, điển hình là iPad. Máy tính bảng đời đầu của Apple ra mắt năm 2010 với iOS 3 nhưng chỉ cho phép lên đến iOS 5 là ngừng, trong khi iPad 2 ra mắt năm 2011 chạy iOS 4 được hỗ trợ đến iOS 9.
Một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến hãng sản xuất sớm bỏ rơi thiết bị đời đầu là do phần cứng thường chỉ đủ tốt để phát hành, không đủ để hỗ trợ các bản cập nhật trong tương lai. Trong khi đó, thế hệ tiếp theo được thiết kế để tương thích với nâng cấp phần mềm lâu dài. Do vậy, khả năng điện thoại màn hình gập bị bỏ rơi hoàn toàn có thể xảy ra./.