05/01/2025 lúc 12:54 (GMT+7)
Breaking News

Một số giải pháp kích cầu tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đề xuất một số giải pháp kích cầu cho tăng trưởng kinh tế: Kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, kích cầu xuất khẩu.

Nhận diện bức tranh kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với nét thăng trầm đậm nét. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ đạt 3,72%, mức tăng thấp đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2022. 

Sản xuất công nghiệp tăng thấp. Đặc biệt, trong quý II/2023, khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo - Ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Đến tháng 6/2023, Chỉ số Quản trị Nhà mua hàng sản xuất Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50 điểm ở tháng thứ tư liên tiếp. Trong quý II/2023, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh; việc làm cùng với hoạt động mua hàng và niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng giảm 12,1%, kim ngạch của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có giá trị thấp trong chi tiêu của hộ gia đình nước ngoài giảm mạnh, ở mức 2 con số: Giày dép các loại giảm 15,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,8%; Hải sản giảm 27,4%; Dệt may giảm 15,3%.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68%, thấp hơn 3,38 điểm phần trăm so với mức tăng 6,06% của cùng kỳ năm 2022. Tổng cầu đầu tư chỉ tăng 1,15%, thấp hơn 2,77 điểm phần trăm so với mức tăng 3,92% của cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng đáng tự hào, đó là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn phát triển như thể nền kinh tế không hề có khó khăn. Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, hàng rau quả đạt kim ngạch trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%.

Vốn đầu tư thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế trong 6 tháng tăng 4,7%; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước là điểm sáng trong thúc đẩy tổng cầu đầu tư của nền kinh tế.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Tuy vậy khu vực doanh nghiệp đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn, không gánh vác được vai trò phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nếu không có giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp.

Tác động của kinh tế thế giới tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Hoạt động kinh tế nước ta trong 6 tháng cuối năm 2023 và các quý tiếp theo diễn ra trong bối cảnh mới, với cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, lớn hơn.

Hiện nay, phục hồi của kinh tế thế giới đang chững lại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tiến triển rất chậm. Áp lực lạm phát dai dẳng, Fed và ECB tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu. Các vấn đề về tài chính của Mỹ và châu Âu đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới vốn đã phức tạp. 

Bên cạnh đó, nợ công tăng cao và chi phí lãi vay tăng đòi hỏi chính phủ các nước phải tiếp tục củng cố tài khóa. Điều này làm giảm tổng cầu thế giới, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Trong 6 tháng cuối năm nay và năm sau, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh bất định của kinh tế thế giới, phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực ngày càng tăng. Trước thực tế đó, chúng ta cần nhận định, dự báo đúng, đầy đủ những thách thức, từ đó đưa ra các giải pháp, đồng thời phát huy tối đa năng lực vượt qua thách thức, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu là thách thức không nhỏ đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế. 

Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đầy khắc nghiệt, thiếu đơn hàng, cạn kiệt vốn, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá thành để có vốn hoạt động, phải bán rẻ tài sản, bán những gì có thể bán được với giá bằng nửa giá trị thực để tránh khả năng vỡ nợ. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.

Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng chậm lại, khả năng vốn của khu vực ngoài nhà nước suy giảm. Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do chính sách nới lỏng tiền tệ, sức ép tỷ giá hối đoái, tăng lương, sức ép tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu cho tăng trưởng

Chính phủ với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. 

Từ đầu năm đến nay nhiều chính sách, giải pháp đã được khẩn trương ban hành nhằm khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình thực tế hiện nay của nền kinh tế. Khẩn trương thực hiện hiệu quả chính sách kích cầu sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như niềm tin vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước.

Chính sách kích cầu sẽ trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội trong hiện tại và tương lai.

Chính sách kích cầu thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới cần được thiết kế và thực hiện đồng thời với việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện, hướng tới phát huy tối đa tiềm năng, loại bỏ mọi rào cản kìm hãm tăng trưởng.

Từ nhiều năm trước, mặc dù chúng ta đã biết nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nếu không khẩn trương đầu tư sẽ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng. Chúng ta đã biết nhưng không kịp thời hành động nên vừa qua tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng và ngành Điện không chủ động, chuẩn bị cung ứng đủ điện đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm tăng trưởng. Hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện là minh chứng về việc chúng ta đang tự huỷ hoại tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Vừa qua, Chính phủ đã khẩn trương thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó chính sách tài khóa nghịch chu kỳ là trọng tâm vì hiệu quả tức thời của loại chính sách này. Chính sách tiền tệ có độ trễ và hoạt động của ngân hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt. 

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải xử lý đồng thời các mục tiêu trái ngược nhau, nói cách khác, NHNN đang đứng trước ngã 3 đường trong thực thi chính sách tiền tệ: Lãi suất USD và Euro tăng và ở mức cao, tạo áp lực rất lớn tới việc NHNN phải tăng lãi suất để giữ giá trị VND, ổn định tỷ giá hối đoái. Đồng thời NHNN phải hạ lãi suất huy động và cho vay, tăng tín dụng để xử lý vấn đề vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Phát biểu tại Tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đưa ra thông điệp: "Việt Nam cần phát triển công cụ tài khóa nghịch, không nên dựa vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn cầu yếu."

Một số giải pháp kích cầu cho tăng trưởng kinh tế

Tổng cầu của nền kinh tế bao gồm 3 thành phần: Tiêu dùng cuối cùng; Đầu tư; Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Giải pháp kích cầu tiêu dùng

Tổng cầu tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 70% trong cơ cấu GDP. Trong đó tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng. Vì vậy chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người dân sẽ là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất thúc đẩy tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp.

Thực hiện chính sách này, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, chẳng hạn Chính phủ có thể trợ cấp cho người có thu nhập thấp, kể cả công chức, viên chức; Hỗ trợ người dân tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: trợ giá tiền điện, nước, lương thực thực phẩm, vé tàu xe đi lại, sách vở học sinh; Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng núi khó khăn, thiên tai, bệnh dịch; Miễn giảm học phí với các mức độ khác nhau cho từng cấp, từng nhóm học sinh ở từng vùng; Hỗ trợ đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội.

Để giải pháp kích cầu tiêu dùng phát huy hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện thêm các giải pháp giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Để người tiêu dùng "dốc hầu bao" cho chi tiêu, giá hàng hóa và dịch vụ phải ổn định, đặc biệt cần các đợt khuyến mại giảm giá sẽ có hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy tiêu dùng. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng vào mùa cao điểm để tăng giá. 

Vừa qua, Hãng hàng không dự báo nhu cầu đi lại sẽ tăng cao, chèn ép khách trong nước bằng cách nâng giá vé nội địa gấp đôi, thậm chí gần gấp ba trong dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 khiến người dân quay lưng với du lịch trong nước, họ chọn tua du lịch nước ngoài có giá rẻ hơn, nhiều điểm du lịch ưa thích trong nước rơi vào cảnh đìu hiu, không chỉ ngành hàng không thất thu mà các ngành khác cũng bị "vạ lây".

Giải pháp kích cầu đầu tư

Thực hiện nhóm giải pháp này sẽ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. 

Đồng thời tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và hệ thống truyền tải, phân phối điện. Đầu tư nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho thuê.

Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.

Giải pháp kích cầu xuất khẩu

Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu. Đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu.

Trong những năm qua, các nhà quản lý kinh tế không để ý tới vấn đề xuất, nhập khẩu dịch vụ trước thực tế kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu dịch vụ. Năm 2020, kinh tế nước ta xuất khẩu dịch vụ đạt 6,3 tỷ USD, nhập khẩu dịch vụ tới 18,3 tỷ USD, cán cân dịch vụ nhập siêu 12 tỷ USD.

Hiện nay, xuất khẩu dịch vụ du lịch chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu dịch vụ của nền kinh tế. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ đạt 16,2 tỷ USD thì giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch chiếm 71,1%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu dịch vụ vận tải, phí bảo hiểm, dịch vụ du lịch do công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Theo tính toán nếu giảm 10% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36%. Điều này cho thấy tác động rất lớn của giảm nhập siêu dịch vụ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu dịch vụ, tiến tới xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ.

Trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến và lưu lại Việt Nam dài ngày hơn, đồng thời tạo thêm nhiều địa điểm và sản phẩm du lịch để thu hút khách trong nước. Tăng số lượng và thời gian lưu trú của khách trong nước và quốc tế sẽ tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách.

Với ưu thế bờ biển dài, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển, với gần 300 bến cảng biển nhưng hơn 90% sản lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu của nước ta chủ yếu do các hãng vận tải nước ngoài đảm nhận. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu dịch vụ vận tải tới 9,54 tỷ USD.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng cao, để thu được lợi nhuận tối đa, giảm nhập siêu dịch vụ vận tải, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam chủ động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của đất nước, loại trừ rủi ro khi thuê các hãng vận tải quốc tế; đồng thời tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ vận tải, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế./.

Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê

...