25/04/2024 lúc 18:11 (GMT+7)
Breaking News

Một số chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam

Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực và quy mô khác nhau.

Để hệ thống các doanh nghiệp này phát triển không thể thiếu vai trò của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có các chính sách tài chính cơ bản như chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ảnh minh họa - Internet

1. Bức tranh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp xếp hạng 59/100 quốc gia, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tính năng động sáng tạo.

Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 đã xác định rõ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Năm 2021, vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đạt 1.353 triệu USD, tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước đó. Các lĩnh vực thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử,… Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp với những tên tuổi nổi bật như VNG, VNLife, Momo, Tiki, Topica Edtech,… Thị trường khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cũng là nơi hoạt động của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó 40 quỹ đầu tư nội địa như VSVCapital, Mekong Capital, IDG Ventures Vietnam,… 

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã có sự tham gia tích cực của hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 79 cơ sở ươm tạo, 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn.

Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy tri thức, công nghệ trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, kết nối ngày càng có hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên đối với lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thì nhiều chương trình đã giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong việc ứng dụng công nghệ mới như công cụ dạy và học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu chống dịch bệnh, giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang bị cách ly và chịu ảnh hưởng gián tiếp của dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết. Đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được khởi nghiệp theo phương thức truyền thống là tự lập. Việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao nên sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp. Mặt khác, doanh nghiệp do mới thành lập nên chưa thu hút được các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư, chưa biết tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp mình.

2. Kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới

Một là, ưu đãi thông qua chính sách thuế.

Một số chính phủ đã thực hiện miễn giảm thuế theo lĩnh vực đầu tư như Ấn Độ đưa chính sách doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được giảm trừ 100% lợi nhuận từ kinh doanh trong năm tính thuế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời trước ngày 1/4/2019 liên quan đến phát triển đổi mới, triển khai hoặc thương mại hoá các sản phẩm mới, tài sản trí tuệ. Trung Quốc áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là 20%, thấp hơn mức thuế suất thông thường là 25%. Malaysia khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu.

Một số chính phủ giảm thuế theo đối tượng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp do sinh viên làm chủ thì Trung Quốc cắt giảm thuế và lệ phí hành chính để hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này thúc đẩy kinh doanh và đổi mới sáng tạo.

Nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, chính phủ các nước cũng đưa ra nhiều ưu đãi cho nhóm đối tượng này như miễn thuế thu nhập cá nhân, cho phép bù lỗ từ hoạt động đầu tư kinh doanh đối với loại hình doanh nghiệp này. Thái Lan miễn thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm đối với thu nhập từ cổ tức từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực lương thực, năng lượng, công nghệ sinh học, y tế,… Nhật Bản cho phép các nhà đầu tư được trích trừ lỗ từ hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm mở rộng vốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư khởi nghiệp.

Hai là, trợ cấp doanh nghiệp khởi nghiệp bằng tiền mặt.

Chính phủ Singapore và Đài Loan thực hiện trợ cấp bằng tiền mặt để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong đầu tư đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra còn có những khoản trợ cấp để giúp doanh nghiệp chi trả cho tiền thuê nhân viên, chi phí kinh doanh.

Đức và một số quốc gia trong liên minh châu Âu đã thực hiện khá thành công các chính sách trợ cấp doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính sách này nhằm trợ cấp cho các doanh nhân khi mới bắt đầu khởi nghiệp để khắc phục phần nào những khó khăn về vốn trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.

Ba là, thành lập quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chính phủ Mỹ đã thực hiện Quỹ đổi mới giai đoạn đầu (ESIF) thuộc Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ nhằm thúc đẩy nguồn vốn tư nhân đã được huy động, cung cấp thêm năng lực đầu tư cho các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, New York và Boston, nơi thu hút 3/3 số vốn đầu tư mạo hiểm.

Trung Quốc thành lập Quỹ đổi mới với mục tiêu cung cấp các khoản tài trợ từ 150.000 - 250.000 USD, trợ cấp lãi suất cho vay và đầu tư cổ phiếu. Quỹ được thiết kế để kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hiện đại và tiềm năng thị trường tốt nhưng còn quá sớm để tài trợ thương mại. Mục tiêu của Quỹ là đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp tiến xa về công nghệ và định vị rõ thị trường để các nguồn vốn tài chính khác của doanh nghiệp như từ ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm và các đối tác.

Singapore thành lập Quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu (ESVF) hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ngay trong giai đoạn đầu bằng cách cùng các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn đầu với tỷ lệ 1:1. Số vốn tối đa doanh nghiệp nhận được từ quỹ là 3 triệu SGD.

Bốn là, dùng kinh phí từ ngân sách nhà nước để nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp.

Nhiều quốc gia đã dùng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển môi trường khởi nghiệp và sáng tạo. Israel đã dành tới 4,9% GDP cho công tác nghiên cứu và phát triển. Họ có cơ quan về đổi mới sáng tạo, cơ quan này tương đương một bộ để điều phối tất cả các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Năm là, có các chương trình cho vay vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp

Tại Malaysia mỗi bộ, ngành đều có những chương trình cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dịch vụ mới về tài sản cố định và vốn lưu động. Hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động trên các website trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động thông qua áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh.

Hàn Quốc thực hiện hỗ trợ tài chính từ chính phủ thông qua việc cho vay trực tiếp hay bảo lãnh tín dụng của Tổng công ty tài chính Hàn Quốc và Tổng công ty doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hai đơn vị này cấp vốn cho các ngân hàng và cho phép các ngân hàng lựa chọn các doanh nghiệp khởi nghiệp để cho vay. Các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận với nguồn vốn thông qua các chương trình cho vay theo chính sách với mức lãi suất thấp hơn thị trường của các ngân hàng nếu đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của khoản vay.

3. Kiến nghị một số chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp khoa học công nghệ của khu vực. Để có thể tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi nền kinh tế số, đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thì Chính phủ cần xây dựng các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như chính sách ưu đãi thuế, chính sách tín dụng và một số chính sách hỗ trợ khác, cụ thể như sau:

Một là, chính sách thuế.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, cần miễn thuế thu nhập trong giai đoạn đầu hoạt động, sau đó áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành đang áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc miễn, giảm thuế thu nhập cần tập trung vào các khoản lương, thưởng mà người lao động nhận được từ việc nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tạo động cơ kích thích nghiên cứu sáng tạo, nâng cao năng suất cho những doanh nghiệp này.

Các khoản thu nhập từ thặng dư vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn của các nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ na nô cần được miễn thuế trong thời điểm doanh nghiệp chưa có lợi nhuận tính thuế.

Hai là, chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng cần tập trung vào bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn. Cần tăng cường hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả với nguồn vốn vay, đặc biệt là với những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp có thể tiếp cận được vốn vay. Cần xây dựng cơ chế kết hợp tài chính từ các ngân hàng thương mại với các quỹ đầu tư mạo hiểm có phần góp vốn từ ngân sách nhà nước, nhằm đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ba là, thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nhanh chóng thành lập Quỹ hỗ trợ cho giai đoạn đầu khởi nghiệp như Quỹ sáng kiến giai đoạn đầu dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình hợp tác công tư. Chính phủ cần cụ thể hóa các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Xem xét miễn thuế và hoàn thuế thu nhập theo lộ trình miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư kết thúc thương vụ đầu tư. Nhà nước có thể đầu tư theo hướng vốn đối ứng đối với những khoản đầu tư của các quỹ và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Bốn là, các chính sách hỗ trợ khác.

Các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo, kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức các cuộc hội thảo với mục đích kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên các phương tiện truyền thông.

Cuối cùng là cần tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động hiệu quả nhất.

TS VŨ THỊ NHÀI

Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

-----------------------------  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (2021). Báo cáo hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”.
  3. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (2022). Hội thảo “Cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Hà Nội.
...