13/05/2024 lúc 03:47 (GMT+7)
Breaking News

Một cách nghĩ khác về tái lập cầu Mã Đà

Gần đây một số nhà khoa học, nhà quản lý và dư luận trong nhân dân đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với dự án tái lập cầu Mã Đà, xây dựng tuyến quốc lộ 13C kết nối Bình Phước và Đồng Nai, do lo ngại tác động xấu đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Điều này biểu thị như một sự tiến bộ trong nhận thức và thái độ ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên, thể hiện trách nhiệm, ý thức của con người trong việc gìn giữ môi trường sinh thái và sự đa dạng sinh học của muôn loài.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đứng trước một vấn đề lớn, chúng ta đã có sự phản ứng hơi vội vàng, thiếu những phản biện khoa học, những tham mưu, đề xuất thể hiện trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn.

Ai cũng hiểu rằng, một khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, là tài sản quý giá rất cần thiết được bảo vệ. Nhưng chưa ai dám nghĩ khác một cách đầy trách nhiệm là khi cần thiết tác động vào, chúng ta phải làm những gì, làm như thế nào, để một dự án lớn nếu được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích mà không gây ra hệ luỵ xấu, không vi phạm cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về quy hoạch, hướng tuyến các dự án giao thông đường bộ khu vực Đông Nam Bộ trong chuyến công tác ngày 20/3/2022. Ảnh: VGP

Với dự án tái lập cầu Mã Đà, xây dựng tuyến quốc lộ 13C kết nối Bình Phước và Đồng Nai không nên khu biệt đây là công trình của hai địa phương để có những tranh cãi thiệt hơn không cần thiết. Phải xem đây là công trình trọng điểm quốc gia, không chỉ có vai trò tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước cả trong thời chiến và thời bình.

Từ nhận thức đó, cần đặt quyết tâm chính trị cao nhất để đi đến sự đồng thuận và tìm cách để làm chứ không nên tìm lý do để từ chối. Khi đã muốn, chúng ta phải bắt đầu từ những tham mưu đầy trách nhiệm của các bộ ngành, các địa phương và từ các cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc tế nhằm lắng nghe, phân tích, học hỏi và cân nhắc để có được phương án tối ưu nhất.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và khu vực tiếp giáp. Trong đó, vùng lõi là môi trường sinh sống của các loài thú quý hiếm. Vùng đệm là vùng bao quanh khu vực lõi, sử dụng cho các hoạt động tương thích với các thực hành sinh thái lành mạnh có thể củng cố nghiên cứu khoa học, giám sát, đào tạo và giáo dục. Khu vực tiếp giáp là nơi cộng đồng thúc đẩy các hoạt động bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và sinh thái.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại một tuyến đường xuyên khu sinh quyển, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng và tập quán sinh sống của các loài thú quý hiếm. Nhưng toàn tuyến với chiều dài dự kiến 86km không phải đều xuyên qua vùng lõi. Vì vậy, cần các luận cứ khoa học và đánh giá tác động môi trường cụ thể để nhận biết chính xác công trình triển khai có khả thi không. Nếu khả thi thì bao nhiêu km đường sẽ xuyên qua vùng lõi, giải pháp là gì, cách làm ra sao, đơn vị nào đủ khả năng, kinh phí từ đâu...

Chúng ta đã từng có những con đường tác động lớn đến rừng, như: đường Hồ Chí Minh xuyên qua các vườn quốc gia Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng; đường Rừng Sác - Cần Giờ; đường cao tốc đi qua vườn quốc gia Bạch Mã. Có thể lấy đó làm kinh nghiệm quý báu để vận dụng khi triển khai tuyến đường xuyên vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai. Ảnh: Google maps

Nếu phương án khả thi, đảm bảo hệ sinh thái và tập quán sinh sống của các loài thú quý hiếm không bị tác động theo chiều hướng xấu đi, có thể xem đây là công trình trọng điểm quốc gia, đánh dấu tư duy mới, đột phá mới và bản lĩnh của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Khi cây cầu và con đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xây dựng thành công, kèm theo đó là các hoạt động giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sẽ là niềm tự hào kiêu hãnh khi chúng ta đã biết đặt mình vào thiên nhiên, sống chan hoà cùng vạn vật, chứ không phải chia cắt môi trường sống của muôn loài.

Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển vượt bậc, đời sống con người có những bước tiến rõ rệt, ý thức sống cùng thiên nhiên ngày càng được nâng cao. Những cây cầu, những cung đường xuyên các khu rừng được tạo ra để đảm bảo con người có thể hoà mình vào thiên nhiên, trên thế giới cũng đã có nhiều.

Vậy nên, hãy bình tĩnh ngồi lại, chúng ta sẽ tìm thấy cách làm phù hợp, khả thi nhất, chứ không nên vội vàng tìm mọi lý do để từ chối nó.

Nguyễn Ngọc Vũ 

Phó Chủ tịch thường trực

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước

...