VNHN - Nhận thức rõ vai trò, tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế đất nước, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó các Vườn ươm doanh nghiệp (bussiness incubator) được coi là một công cụ hữu hiệu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ảnh minh họa
1. Hiện trạng mô hình vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Khái niệm vườn ươm doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện từ năm 1959 tại Hoa Kỳ, gắn với sự kiện khai trương Trung tâm công nghiệp Batavia, New York. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận về vai trò, chức năng của việc ươm tạo doanh nghiệp trong chính sách phát triển doanh nghiệp và điều kiện kinh tế, khoa học công nghệ từng thời kỳ mà mỗi quốc gia, tổ chức có những quan điểm, cách hiểu khác nhau. Tại Việt Nam, vườn ươm doanh nghiệp là một mô hình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi sự và mới được thành lập phát triển thông qua cung cấp các dịch vụ dùng chung, đào tạo, hỗ trợ tài chính, trang thiết bị và nhà xưởng để các doanh nghiệp phát triển(1).
Mô hình vườn ươm doanh nghiệp xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm trở lại đây và ngày càng được chú trọng, được coi là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển. Mặc dù còn khá mới mẻ, song đến nay tại Việt Nam đã hình thành một số mô hình vườn ươm hoặc một số tổ chức có chức năng như vườn ươm, chẳng hạn như: Vườn ươm HBI; vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; vườn ươm do công ty Công nghệ Tin học Tinh Vân thành lập; vườn ươm do công ty FPT thành lập; vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao (Saigon HiTech Park), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, vườn ươm tạo phần mềm Quang Trung(2)...Các vườn ươm phần lớn tập trung ở các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và chủ yếu là các cơ sở ươm tạo của nhà nước.Gần đây, nhiều vườn ươm được đưa vào hoạt động ở các địa phương như Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (tại Cần Thơ), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Đại học Cần Thơ và nhiều vườn ươm của doanh nghiệp như các không gian làm việc: Up-Co, Dreamplex, Circo, I.Value(3)…
Sau một thời gian hoạt động, hiện một số doanh nghiệp đã ươm tạo thành công và có thị trường tốt, ví dụ như:Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-IC) đã thu hút, tiếp cận và hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao cho 45 dự án ươm tạo, trong đó 23 dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công, 7 dự án có kết quả thương mại hóa xuất sắc được Vườn ươm tổ chức tốt nghiệp. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia ươm tạo từ 15-20 tỷ đồng; Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung hình thành năm 2005, đến nay đã ươm tạo hơn 20 doanh nghiệp phần mềm và có rất nhiều các doanh nghiệp thành công như BTM, DMG, Symbio, Solid Line(4)…
Hoạt động của các vườn ươm đã tạo ra những chuyển biến mới về cách thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau và với các đối tác trong và ngoài nước. Mô hình vườn ươm đã tạo nên một hệ thống dịch vụ kinh doanh đồng bộ, gắn kết thay vì các mô hình hỗ trợ dịch vụ đơn lẻ. Thông qua các vườn ươm doanh nghiệp, cùng với việc hình thành hệ thống chia sẻ thông tin, các mối liên kết giữa các doanh nghiệp ươm tạo và với các chủ thể khác đã được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực hoạt động, cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; đồng thời cũng là một thành phần quan trọng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển mạnh mẽ hiện nay, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp, nhất là các cơ sở công lập, đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế.
Thứ nhất, công tác triển khai xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, tìm kiếm đối tác, các đơn vị tham gia và vận hành các vườn ươm còn thiếu đồng bộ, bị kéo dài, khiến vườn ươm chậm được đưa vào hoạt động.Sự chậm trễ trong triển khai các dự án vườn ươm đã và đang làm giảm hiệu quả các dự án tài trợ, gây sức ép đối với hoạt động của các vườn ươm (nhất là nỗ lực tăng thu để tự chủ), kể cả các đơn vị chủ quản và động lực, tinh thần làm việc của bản thân đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành vườn ươm.
Thứ hai, việc huy động nguồn tài trợ cho sự hình thành và hoạt động của các vườn ươm vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn tài trợ cho các vườn ươm còn rất hạn chế. Nguồn vốn tài trợ từ ngân sách nhà nước, địa phương cho thành lập và hoạt động của nhiều vườm ươm doanh nghiệp hoạt động không vì lợi nhuận còn rất ít, chủ yếu là dành cho mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Theo TS. Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, đây là điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và nhiều nước, nhất là Trung Quốc - trong giai đoạn 10 năm đầu phát triển, các vườn ươm nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ để đảm bảo sự phát triển bền vững và theo định hướng của Nhà nước, tránh tình trạng phát triển tự phát(5).
Thứ ba,các vườn ươm chưa có đủ mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo; các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp còn ở mức cơ bản. Một số vườn ươm còn chậm hình thành pháp nhân. Tiến độ triển khai xây dựng vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học thường chậm so với kế hoạch vì cán bộ kiêm nhiệm nhiều, thời gian dành cho hoạt động của vườn ươm còn hạn chế, mức lương thấp khiến khó tìm được cán bộ quản lý vườn ươm chuyên nghiệp. Chất lượng doanh nghiệp đầu vào còn hạn chế, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chưa hoàn chỉnh, mang tính lý thuyết. Kỹ năng quản lý vườn ươm theo mô hình doanh nghiệp (nhưng phi lợi nhuận) còn hạn chế, hệ thống hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật (phòng thí nghiệm, mặt bằng sản xuất thử nghiệm…) còn chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ tư, mặc dù các vườn ươm công lập được đầu tư về mặt cơ sở hạ tầng để hỗ trợ start-up không thua kém các đơn vị ươm tạo tư nhân, nhưng do những đặc thù về cơ chế, chính sách, tính chất hoạt động nên các cơ sở này chưa đủ sức hấp dẫn các nhà tài trợ; tỷ lệ doanh nghiệp gọi được vốn còn khá ít như: Trung tâm ươm tạo Nông nghiệp công nghệ cao chỉ có 2/9 doanh nghiệp tốt nghiệp gọi vốn thành công; Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1/10 doanh nghiệp tốt nghiệp gọi vốn thành công(6); hầu hết các vườn ươm nhà nước không tạo ra được lợi nhuận và vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước để hoạt động. Trong khi đó, các vườn ươm tư nhân đạt kết quả ươm tạo với tỷ lệ start-up được thương mại hóa hơn 60%, cao hơn rất nhiều so với các vườn ươm nhà nước(7). Tuy nhiên, cơ sở ươm tạo tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản về pháp lý đầu tư, gọi vốn đầu tư từ nước ngoài...
Bên cạnh đó, phạm vi khung pháp lý hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo mới chi phối trong phạm vi hẹp, chủ yếu được lồng ghép trong các văn bản pháp luật khác,chưa có cơ chế ưu đãi trong thành lập mới các quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút các quỹ đầu tư tham gia đầu tư; sự thiếu nhận thức đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của vườm ươm và lợi ích trong tài trợ cho các vườn ươm; những vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ khi cơ sở ươm tạo muốn góp vốn cổ phần trong startup; sự thiếu hụt những nhân tố hỗ trợ quan trọng đối với một vườn ươm, như mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp, cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, sự tham gia tích cực từ phía các trường đại học hoặc các tổ chức; tình trạng “thừa vườn thiếu cây”, nghĩa là vườn ươm mở ra nhiều nhưng thiếu cả về số lượng và chất lượng các ý tưởng kinh doanh, các mô hình khởi nghiệp có tiềm năng… cũng là những khó khăn, trở ngại mà các vườn ươm doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt.
2. Một số giải pháp
Để các vườn ươm doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các dự án khởi nghiệp được thành công và phát triển, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về thành lập, vận hành cơ sở ươm tạo; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích thành lập và phát triển vườn ươm, nhất là các chính sách hỗ trợ về tài chính; ưu tiên phát triển một số loại hình cơ sở ươm tạo như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, vườn ươm khởi nghiệp… Cùng với đó, cần đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới liên kết các đơn vị tham gia vườm ươm; lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp với các chương trình phát triển vườn ươm. Nhà nước cũng cần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, một trong các kênh thu hút đầu tư vào các vườn ươm tạo; huy động các nguồn lực đầu tư để tăng hiệu quả hoạt động và vận hành cho các vườn ươm tạo.
Hai là, Nhà nước cần đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo với nguồn tài chính hỗ trợ lâu dài và ổn định cho các cơ sở ươm tạo như xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ ươm tạo; đầu tư một số trung tâm ươm tạo quan trọng, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, đề tài tiền khả thi để thương mại hóa thông qua hoạt động của các cơ sở ươm tạo.
Ba là, xây dựng và tiếp tục phát triển mô hình vườn ươm công - tư. Theo đó, cần tư nhân hóa các vườn ươm công lập theo cách mà các nước Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… đang làm và đã chứng minh được hiệu quả trên thực tế. Ban đầu các mô hình vườn ươm này cũng phụ thuộc vào nguồn vốn chính phủ hay các nhà đầu tư khác, nhưng một khi đã phát triển ổn định thì tách ra vận hành như doanh nghiệp, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Mô hình này giúp vườn ươm dễ thu hút các quỹ đầu tư, các nhà kinh doanh tham gia sở hữu nên dễ gây quỹ, kết nối vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu, tận dụng được các quan hệ để sản phẩm tiếp cận thị trường. Điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình ươm tạo start-up để nhanh chóng thương mại hóa. Thực tế, mô hình vườn ươm công - tư đã được Việt Nam áp dụng tại Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đặt tại Cần Thơ. Đây là một dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 21,13 triệu USD. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại là 17,7 triệu USD và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 3,6 triệu USD. KVIP được kỳ vọng sẽ ươm tạo được các dự án khởi nghiệp tốt phục vụ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời sẽ là mô hình mẫu để tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình vườn ươm công - tư tại Việt Nam(8).
Cùng với đó, cần xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đối với cán bộ quản lý và vận hành vườn ươm. Chú trọng công tác đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý vận hành vườn ươm; thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp để thiết kế các dịch vụ hỗ trợ thực tế và hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp; đa dạng hóa dịch vụ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của vườm ươm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp; cần nhận thức rõ việc phát triển hệ thống các vườn ươm là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng.
_________________
(1) Theo Báo cáo tại Hội thảo về Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ban Nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ ngày 24-9-1999. Xem: Lê Nguyễn Đoan Khôi: Phân tích thực trạng và đánh giá nhu cầu tham gia vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần thơ, số 38(2015), tr.83-90.
(2) TS Nguyễn Hải An: Ươm tạo doanh nghiệp - Hiện trạng và một số giải pháp, http://ahtp.hochiminhcity.gov.vn/home/tin-tuc/uom-tao-doanh-nghiep-hien-trang-va-mot-so-giai-phap.html
(3), (4) Tiến Lực: Tiềm năng lớn từ vườn ươm doanh nghiệp: Bài 1: Cần thêm nhiều cơ chế mở, https://bnews.vn/tiem-nang-lon-tu-vuon-uom-doanh-nghiep-bai-1-can-them-nhieu-co-che-mo/58413.html, ngày 30-9-2017.
(5) Kiều Oanh: Vườn ươm doanh nghiệp Việt: Khó gọi vốn tài trợ, đầu tư, http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/vuon-uom-doanh-nghiep-viet-kho-goi-von-tai-tro-dau-tu/20170907024952510p882c918.htm, ngày 7-9-2017.
(6) Tiến Lực: Kết hợp công – tư phát triển bền vững cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, http://dantocmiennui.vn/xa-hoi/ket-hop-cong-tu-phat-trien-ben-vung-cac-co-so-uom-tao-doanh-nghiep/153070.html, ngày 7-9-2017.
(7), (8) Hải Thảo: Chờ cuộc đổi mới của vườn ươm nhà nước, http://enternews.vn/cho-cuoc-doi-moi-cua-vuon-uom-nha-nuoc-118003.html, ngày 20-10-2017.
Tài liệu tham khảo
1. Hồng Quân:Hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp nhỏ và vừa, http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/36969402-ho-tro-kip-thoi-doanh-nghiep-nho-va-vua.html, ngày 11-7-2018.
2. ThS. Hạ Thu Thủy: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng vườn ươm doanh nghiệp, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=16867, ngày 26-12-2014.
3. Lê Nguyễn Đoan Khôi: Phân tích thực trạng và đánh giá nhu cầu tham gia vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần thơ, số 38(2015).
7. PGS, TS. Phạm Tiến Đạt: Cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/co-che-chinh-sach-tai-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-139881.html, ngày 21-4-2018.
8. TS. Hồ Sỹ Hùng: Hình thành và phát triển vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 12-2009.
ThS NGUYỄN HUYỀN TRANG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - Trường Chính trị Hà Nam