08/11/2024 lúc 20:41 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích gì?

VNHN - Phát triển bền vững là một trong những trọng tâm hàng đầu của Việt Nam trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

VNHN - Phát triển bền vững là một trong những trọng tâm hàng đầu của Việt Nam trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả” tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho hay, phát triển bền vững là một trong những trọng tâm hàng đầu của Việt Nam trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (UN SDGs) thông qua những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.

Hiện nay, theo mô hình truyền thống, nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên như thải ra biển. Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên.

Trong nền kinh tế tuần hoàn, nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên. Tiếp theo, họ quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.

Như vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nhà sản xuất giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Đồng thời, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, mặc dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, VCCI luôn đồng hành và sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu được vai trò thiết yếu của kinh tế tuần hoàn.

Song song đó, VCCI cũng là một trong những đơn vị khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình này vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Còn ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho hay, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi chính từ những bài học kinh nghiệm thành công của những doanh nghiệp đi trước. Điển hình, những sáng kiến từ Heineken Việt Nam để từ đó bắt đầu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp mình.

“Khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của mình một cách sáng tạo, sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường”, ông Matt Wilson cho biết thêm.

Năm 2018, Heineken Việt Nam đã tiên phong lan tỏa khái niệm và thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tổ chức các hội thảo về kinh tế tuần hoàn cho 20 doanh nghiệp thành viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và tổ chức huấn luyện về phát triển bền vững cho trên 100 nhà cung cấp.