Dự án "nằm chờ" suốt 2 năm
Đến thời điểm hiện tại, do chưa thể “gỡ rối” về nguồn vốn đầu tư đã dẫn tới Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng thi công trong suốt hơn 2 năm đang tạo ra những hố sâu hệ lụy. Thậm chí, VEC còn bị các nhà thầu Nhật Bản tiến hành kiện đòi khoản nợ 15 triệu USD.
Theo tìm hiểu của Vietnamhoinhap, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được chia làm 3 phân đoạn: Đoạn 1 (phía Tây) dài 21,1 km, gồm 5 gói thầu: A1, A2-1, A2-2, A3 và A4, sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thông qua Hiệp định vay lần 1 số 2730-VIE. Do Hiệp định đã hết hiệu lực sau ngày 30/6/2019, nên các gói thầu nói trên đã dừng thi công từ tháng 7/2019, khi khối lượng thi công đạt 87,2%.
Đoạn 2 (giữa) dài 10,7 km chủ yếu là các cầu lớn vượt sông, có độ phức tạp rất cao về kỹ thuật, gồm 3 gói thầu: J1, J2 và J3, sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn, khối lượng thi công đạt 84,6%.
Đoạn 3 (phía Đông) dài 25,3 km, gồm 3 gói thầu: A5, A6 và A7, sử dụng vốn vay ADB thông qua Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Đây là 3 gói thầu được bố trí vốn và các nhà thầu đang triển khai thi công, song tiến độ thực hiện còn chậm, khối lượng thi công đạt khoảng 45% và đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi Covid-19.
Để khởi công dự án dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành VEC đã nắm trong tay 2 hiệp định vay vốn trị giá 647,13 triệu USD với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP (vay theo điều kiện đặc biệt) trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Trong số này, các khoản vay ADB được VEC vay lại từ Bộ Tài chính, khoản vay JICA là khoản đầu tư của Nhà nước vào Dự án theo hình thức cấp phát.
Nhà thầu Nhật Bản kiện đòi 15 triệu USD
Trong bối cảnh cao tốc Bến Lức - Long Thành bị tê liệt, chậm tiến độ nhiều năm đã phát sinh nhiều vướng mắc, kiện tụng do VEC nợ tiền các nhà thầu nước ngoài.
Do không đòi được khoản nợ 15 triệu USD, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có thủ gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vướng mắc của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý những vướng mắc này.
Theo tài liệu của Vietnamhoinhap có được, vướng mắc vốn vay JICA (vốn ODA) cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành phát sinh từ tháng 1/2019, các gói thầu J1, J2 và J3 sử dụng vốn vay JICA không được bố trí vốn.
Vướng mắc này xuất phát từ chủ trương “không chuyển vốn vay, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước” nên Quốc hội đã có Nghị quyết số 71/2018/QH14 quy định: “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC”.
Cùng với đó, Chính phủ có Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 quy định: “Chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 71/2018/QH14”.
Để VEC sớm có nguồn vốn trả nợ và thực hiện dự án này, Chính phủ đang đôn đốc các cơ quan rà soát, hoàn thiện thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền và Quốc hội xem xét, chỉnh sửa Nghị quyết số 71/2018/QH14 để cấp phát vốn vay JICA cho VEC. Việc này đang được các cơ quan phấn đấu có thể đưa ra trình Quốc hội xem xét, quyết định vào cuối tháng 11/2021
Bên cạnh đó là vướng mắc vốn đối ứng, từ tháng 01/2019, dự án không được bố trí vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước để chi trả giải phóng mặt bằng do Kiểm toán nhà nước có ý kiến: “ việc bố trí và thanh toán vốn đối ứng cho Dự án chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP”.
Đáng chú ý, vướng mắc lớn nhất là VEC chưa thanh toán khối lượng đã hoàn thành cho nhà thầu dẫn tới các khoản nợ này bị các nhà thầu Nhật Bản tiến hành kiện.
Do không được bố trí vốn vay JICA từ đầu năm 2019 nên VEC đang nợ các nhà thầu Nhật Bản khoảng 15 triệu USD, dẫn đến Nhà thầu gói thầu J1 đã tiến hành thủ tục kiện VEC.
Để tháo gỡ vướng mắc, trả nợ cho các nhà thầu Nhật Bản, Bộ GTVT hướng dẫn VEC sớm tạm ứng tiền nhàn rỗi để thanh toán trả nợ cho các Nhà thầu, tránh phát sinh thêm thiệt hại.
(còn nữa)