VNHN - Hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Trung Chính (Lương Tài) xuất hiện nhiều hội viên vượt khó, mạnh dạn chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu là CCB Đoàn Đình Chinh ở thôn Đào Xuyên.
Sau 3 năm tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, năm 1989 ông Đoàn Đình Chinh trở về với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông mạnh dạn thầu 1,7 ha ruộng trũng của địa phương để đào ao thả cá và trồng cây ăn quả như: Cam, bưởi, chanh, hồng xiêm. Thời gian đầu nuôi cá, do thiếu kinh nghiệm nên mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột cá mắc bệnh chết nhiều.
Ông Chinh thức trắng đêm lo nghĩ, chạy ngược chạy xuôi tìm cách cứu chữa. Sau lần thất bại ấy, ông tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, mua sách báo, tìm hiểu trên mạng internet và học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh ở Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Với những kiến thức thực tiễn, CCB Đoàn Đình Chinh từng bước áp dụng vào mô hình của mình một cách bài bản, khoa học như: Kè bờ ao; giữ mặt ao thông thoáng; lắp đặt hệ thống máy móc đồng bộ.
Năm 2000, ông Chinh đầu tư 60 triệu đồng (trong đó có 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện) mua sắm 8 máy sục tạo ô xy, 4 máy bơm thức ăn tự động nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và phát triển cho cá. Đến nay, khu chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của gia đình ông rộng hơn 2 ha, tập trung nuôi thâm canh các loại cá: Trắm, chép, rô phi, diêu hồng. Ưu điểm của mô hình này là cá ở tầng trên ăn không hết thức ăn thì các loại cá ở tầng giữa, tầng dưới ăn tiếp nên vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo nước trong ao sạch sẽ.
CCB Đoàn Đình Chinh thường xuyên vệ sinh ao, đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển.
Ngoài nuôi cá thương phẩm, ông Chinh còn học tập, nghiên cứu ươm các loại cá giống cung cấp cho người dân quanh khu vực. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi cá của gia đình, CCB Đoàn Đình Chinh cho biết: “Để nuôi trồng thuỷ sản an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình tôi thường xuyên cải tạo, vệ sinh ao, giữ nguồn nước sạch và chọn thức ăn cho cá đảm bảo tiêu chuẩn về chế độ dinh dưỡng.
Hằng ngày, tôi cho cá ăn 2 lần thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, tôi còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rau, bèo, cỏ) làm thức ăn cho cá, theo hướng lấy công làm lãi, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất”. Mỗi vụ cá của gia đình ông Chinh thường kéo dài từ 8 đến 10 tháng. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, ông Chinh đều xả nước, vét bùn, rắc vôi, phơi ải để khử trùng, diệt mầm bệnh. Mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp thâm canh, đem lại thu nhập cho gia đình ông Chinh từ 300 đến 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Thấy hiệu quả kinh tế từ phương pháp nuôi cá của ông Chinh, nhiều CCB trong xã đến học tập và làm theo. Đến nay, Hội CCB xã Trung Chính có hơn 200 hội viên CCB tham gia mô hình chuyển đổi gần 60 ha ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Với những đóng góp của mình, CCB Đoàn Đình Chinh vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, lao động sản xuất.
Ông Trần Văn Khôi, Chủ tịch Hội CCB xã Trung Chính cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Đoàn Đình Chinh còn thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng. Ông cùng gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng Nông thôn mới ở địa phương”.