24/04/2024 lúc 07:09 (GMT+7)
Breaking News

Luật biển quốc tế: Chuyện không chỉ của riêng các nhà hoạch định chính sách

Người dân Đông Á, Đông Nam Á cần nắm bắt và hiểu biết hệ thống luật lệ quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vì đây là những công cụ để thiết lập một trật tự hàng hải công bằng, hợp lý và có lợi.

Trong những năm gần đây, nhiều nước ven biển ở khu vực Đông Á đã củng cố và tăng cường những nỗ lực để thiết lập và duy trì luật lệ và trật tự trên biển trong nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia của mình.

 

Tình trạng xói mòn luật lệ trên biển

Những nỗ lực này là hệ quả của tình trạng gia tăng các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý, sự gia tăng của các tội phạm tổ chức xuyên quốc gia trên biển, sự bành trướng của các hoạt động và mạng lưới khủng bố trên biển cũng như những những hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh hải mang tính chất ngày càng quyết đoán.

Thông thường, các nước này có cách ứng phó với những tình hình trên theo cơ sở riêng rẽ, thường là triển khai các chương trình hiện đại hóa hàng hải đối với các lực lượng vũ trang quân sự và dân sự, cũng như sửa đổi và thông qua những luật lệ và quy định của mình nhằm kiểm soát điều mà các nước này coi là những hoạt động hàng hải khó giải quyết.

Những hoạt động xâm nhập lãnh hải do các chủ thể nhà nước và phi nhà nước gây ra được coi là những chỉ dấu của tình trạng xói mòn luật lệ trong nước và trật tự trên biển, do đó, những quốc gia bị xâm phạm lãnh hải thường nỗ lực tìm các cách thức ứng phó với tình trạng này mà trước hết nhằm lấy lại quyền và khả năng kiểm soát của mình đối với vùng lãnh hải.

Ở những vùng biển như Biển Đông, cuộc cạnh tranh nhằm giành lại quyền kiểm soát hàng hải đã trở nên ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây. Đáng chú ý là việc Trung Quốc mở rộng chức năng của Lực lượng Hải cảnh, coi lực lượng này là một nhân tố không thể thiếu nhằm theo đuổi những tuyên bố chủ quyền lãnh hải rộng lớn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Để ứng phó với thách thức này, những quốc gia nhỏ hơn trong khu vực đã mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc những lực lượng hải quân và không quân bảo vệ biển của mình.

Những cách thức này giúp các nước nhỏ hơn có thể duy trì khả năng kiểm soát và quyền tài phán đối với vùng lãnh hải của họ theo luật pháp quốc tế. Vì đây là những nỗ lực cơ bản để nâng tầm chủ quyền quốc gia nhằm thiết lập quyền tài phán, nên căng thẳng và mâu thuẫn trở nên khó tránh khỏi, rốt cuộc sẽ trở thành những thách thức đối với trật tự hàng hải.

Không nên bó hẹp đối tượng tiếp cận

Về mặt lý thuyết, luật lệ quốc tế hiện hành, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có thể cung cấp phần lớn giải pháp đối với những mâu thuẫn và xung đột lợi ích này.

UNCLOS bao gồm những quy định và luật lệ cơ bản để giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các nước có tranh chấp lãnh hải. Do đó, tồn tại một mối liên hệ trực tiếp giữa việc duy trì và củng cố luật lệ và trật tự hàng hải quốc tế và việc theo đuổi và bảo vệ hệ thống luật lệ vốn được đưa ra trong UNCLOS.

Tuy nhiên, cần có một cách tiếp cận thận trọng giữa việc khích lệ chủ nghĩa đơn phương và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng hỗn loạn và xáo trộn trong quá trình áp dụng và triển khai luật lệ và trật tự hàng hải. Điều cần làm lúc này là phổ biến hệ thống quốc tế hiện nay để thiết lập luật lệ và trật tự hàng hải.

Cho dù xét theo luật lệ và nguyên tắc hay xét theo những hoạt động thực sự trên biển, các quốc gia thường hành động với lý do nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trong nước. Vì vậy, các nước này cần nâng cao nhận thức của người dân trong nước về hệ thống luật lệ quốc tế và UNCLOS, để họ hiểu rằng đây là những công cụ để thiết lập một trật tự hàng hải công bằng, hợp lý và có lợi.

Thông thường, giới học giả, chuyên gia và quan chức chính phủ có hiểu biết sâu rộng về những vấn đề liên quan đến hệ thống quốc tế và UNCLOS. Tuy nhiên, công dân của các chính phủ này cũng cần nắm bắt và hiểu biết những hệ thống luật lệ này, nhất là cộng đồng ngư dân của nước đó, để toàn bộ người dân trong nước có thể hiểu được đầy đủ lý do và tác động khi các chính phủ của họ đưa ra những chính sách và hành động vốn được biện minh là đại diện cho người dân.

Cho dù những hoạt động của chính phủ có thể là một cuộc đấu khẩu căng thẳng về mặt ngoại giao hay một cuộc tập trận mang tính hợp tác với các nước khác, thì người dân của họ cần hiểu rõ những lợi ích của việc duy trì hệ thống luật lệ quốc tế hiện hành mà cốt lõi là UNCLOS.

Giới học giả và chuyên gia cần phổ biến những diễn giải của mình đến đông đảo người dân, chứ không nên chỉ bó hẹp đối với giới chức chính phủ và các lực lượng chức trách trên biển.

Quá trình bổ phiến kiến thức và hiểu biết về luật lệ quốc tế đối với người dân cần tiến hành một cách khẩn trương hơn và đòi hòi này có thể thực hiện được, nhất là nhờ khả năng phát tán thông tin hiện nay thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại.

Kế hoạch cụ thể để nâng cao nhận thức cộng đồng

Sự phổ biến của mạng xã hội cùng với sự hiểu biết và khả năng nhạy bén ngày càng gia tăng của người dân đối với những tranh chấp lãnh hải không còn là điều mới mẻ ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên, nếu không có sự hướng dẫn và chỉ đạo tích cực với luồng thông tin phù hợp, thì người dân sẽ có xu hướng phát triển quan điểm dân tộc chủ nghĩa hoặc quan điểm thiển cận.

Hệ quả là những người dân này có thể muốn các nước khác thì đơn giản tuân thủ những yêu cầu và quan điểm của họ mà không nhận thức được rằng họ cũng cần phải cân bằng và thỏa hiệp lợi ích theo cách phù hợp với hệ thống luật lệ vốn được thiết lập nhằm đạt được mục đích cân bằng đó.

Nhằm ngăn chặn những xu hướng này, điều cần thiết là đảm bảo rằng các kế hoạch và chương trình nâng cao nhận thức cho người dân cũng cần phải thúc đẩy quan điểm và hiểu biết mang tính quốc tế rộng lớn cho người dân, để họ đóng vai trò là những thành viên của những quốc gia thực sự tồn tại theo một hệ thống luật lệ quốc tế được công nhận.

Nói cách khác, việc nâng cao nhận thức cộng đồng phải đi kèm với việc trang bị cho họ một thế giới quan mang bản chất quốc tế chủ nghĩa mở rộng. Đây là cách thức để giải quyết xu hướng người dân các nước có thể đi theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương đối với những vấn đề chung của các quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang phải nỗ lực đối phó với vấn đề này, nhất là trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Vì vậy, Australia và Anh cùng với các đối tác cùng chí hướng khác có cơ hội đóng vai trò hỗ trợ nỗ lực phổ biến và quốc tế hóa luật lệ và trật tự hàng hải.

Để thúc đẩy những lợi ích chung trong một hệ thống luật lệ quốc tế công bằng, ổn định và bình đẳng, các nước này cần triển khai và khai thác những cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục xã hội, kinh doanh hàng hải và hoạt động “kinh tế xanh” cũng như các nền tảng đa phương tiện truyền thông xã hội và thông thường.

Khi đó, những hoạt động này của các nước bên ngoài sẽ góp phần thúc đẩy nỗ lực nhất quán và bền bỉ giữa các quốc gia ven biển nhằm củng cố trật tự hàng hải trong vùng biển thuộc quyền tài phán của họ bằng cách củng cố trật tự quốc tế hiện hành đang ngày càng bị thách thức bởi các hành động đơn phương.

Chắc chắn, các nước nhỏ hơn ở Đông Á cần phải ủng hộ nhiều hơn đối với trật tự luật pháp đa phương và thực tế vốn được UNCLOS và hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành đề cập. Do đó, những nỗ lực theo hướng này có thể sẽ được hoan nghênh và sẽ thu hút được nhiều động lực và cổ vũ hơn nữa trong những năm tới.

Xuân Hòa Theo Lowy Institute & TGVN