VNHN - Ít có sự kiện chính trị nào kịch tính, nhiều cảm xúc và chỉ từng được chứng kiến 2 lần trước đây trong lịch sử Mỹ như luận tội Tổng thống.
Sẽ không có tình huống sau phiên xét xử Tổng thống Trump ở Thượng viện, bởi gần như chắc chắn phiên tòa sẽ kết thúc với sự tha tội mang tính quyết định và đậm chất đảng phái trong ngày 5/2 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, âm hưởng của nó sẽ còn để lại trong nhiều năm tới, tác động tới quyền lực Tổng thống, bối cảnh chính trị và cả những tác động đối với 2 chính đảng lớn nhất ở Mỹ. Có thể điều quan trọng nhất là kịch bản luận tội đã làm thay đổi nền tảng bên trong đảng Cộng hòa. Trái ngược với một số kỳ vọng, cơn bão luận tội đã khiến các lãnh đạo Cộng hòa giờ đây thậm chí còn dành sự ủng hộ nhiều hơn đối với vị Tổng thống mà họ từng có quan điểm hoài nghi.
Đảng Cộng hòa nhận thấy số phận của họ bị “khóa” với vị Tổng thống của mình, và sự đoàn kết ủng hộ ông Trump có thể đem lại những điều tốt hơn cho chính họ trong mùa bầu cử quan trọng năm nay. Về phần mình, Tổng thống Trump nhận thấy chính ông cũng phụ thuộc vào sự đoàn kết của đảng Cộng hòa mà ông từng “dè bỉu” và cuối cùng lại trở nên tự hào về sự ủng hộ vững chắc của họ. Nếu có sự nghi ngờ trước đó rằng đảng Cộng hòa đã trở thành đảng của ông Trump, thì điều đó nó đã “bay hơi” khá nhiều trong cuộc chiến luận tội. Cuộc chiến luận tội đã khiến cho sự phân cực vốn luôn hiện hữu trong hệ thống chính trị của Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc.
Không giống như các cuộc tranh cãi về luận tội trước đây, với Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Bill Clinton, cuộc luận tội lần này cho thấy có rất ít, thậm chí không có tiếng nói chung giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đây chỉ là một trong các dấu hiệu của tác động từ sự phân cực đáng chú ý và các hậu quả tiềm tàng của nó: giữa phiên xét xử luận tội ở Thượng viện, Tổng thống Trump ký Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada – một công việc mang tính lưỡng đảng quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump và là một bước đi mang tính “mỉa mai” bởi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này.
Một phần “cay đắng” từ các nỗ lực luận tội mà bà Pelosi đứng đầu: cả bà và các đại diện khác của đảng Dân chủ đều không được mời tới chứng kiến lễ ký thỏa thuận, trong khi có tới 70 thành viên đảng Cộng hòa tham dự. Một số nghị sỹ cam kết sẽ cố gắng thu hẹp sự bất đồng trong bối cảnh luận tội. “Chúng ta cần trở lại làm việc về những điều mà chúng ta đã nhất trí”, Thượng nghị sỹ John Barrasso, một thành viên trong nhóm lãnh đạo Thượng viện của đảng Cộng hòa nói.
Ông gợi ý nên bắt đầu với một dự luật cấp tiền cho các dự án đường cao tốc của Mỹ, thường nhận được sự nhất trí lưỡng đảng. Ông cũng nói rằng, “sự khoa trương đảng phái” của đảng Dân chủ trong năm bầu cử với việc kiểm soát cả Quốc hội và Nhà Trắng là phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chúng sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực của họ. Cơn bão luận tội có vẻ như đã tiếp nối quá trình dài cả năm qua về chủ đề cân bằng quyền lực nội bộ nước Mỹ, theo đó nghiêng nhiều hơn về nhánh quản trị và nhẹ đi ở phía Quốc hội.
Tổng thống khẳng định mình có quyền giữ lại, ít nhất là tạm thời, một cách hợp pháp khoản viện trợ cho Ukraine, và sau đó chống lại mọi nỗ lực của Quốc hội đối với các trát triệu tập nhân chứng và các văn bản liên quan trong quá trình điều tra. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa bảo vệ quyền của người đứng đầu đất nước khi chống lại sự giám sát của Quốc hội, một tiền lệ sẽ không thể bị lãng quên. Bằng việc tuyên bố - như Thượng nghị sỹ Lamar Alexander đã làm trong việc phản đối triệu tập nhân chứng tới phiên tòa tại Thượng viện - rằng hành động của Tổng thống Trump trong việc gây sức ép với Ukraine là sai nhưng không đáng bị luận tội, các thành viên Cộng hòa có thể vừa làm rõ vừa đẩy ra ngoài bất cứ nỗ lực luận tội nào trong tương lai.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi và các đại diện khác của đảng Dân Chủ đều không được mời tới chứng kiến lễ ký thỏa thuận USMCA.
Các nghị sỹ từ cả 2 đảng đều có nhiều mặt trận – trong đó có cuộc chiến quyền lực, chiến lược thương mại và chính sách nhập cư - đều dần dần “nhượng quyền” cho Tổng thống trong 2 thập kỷ qua. Các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa, dù có truyền thống ngờ vực việc tập trung quyền lực quá nhiều ở bất cứ đâu trong chính phủ, đã “xuôi” theo và giờ có thể thúc đẩy quan điểm này trong cuộc tranh cãi luận tội. “Câu hỏi mang tính đảng phái lớn hơn là làm cách nào và vì sao một chính đảng đã từng dành 50 năm để làm nhỏ lại quy mô chính phủ liên bang giờ lại là một đối tác tích cực trong việc gia tăng quyền lực Tổng thống vượt xa tầm với của Quốc hội hoặc thậm chí là các tòa án”, Wendy Schiller, Trưởng Khoa nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Brown, đồng thời là một cựu trợ lý Thượng viện của đảng Dân chủ, nói.
“GOP cần phải biết rằng đảng Dân chủ sẽ trở lại Nhà Trắng một lần nữa trong thập kỷ tiếp theo nếu không phải là sớm hơn. Vì sao họ lại liều lĩnh trao thêm cho Tổng thống tiềm tàng Bernie Sanders quyền lực không bị hạn chế tới mức như vậy?”, ông Schiller nói thêm. Tới nay, vị Tổng thống mà đảng Cộng hòa quan tâm có tên Trump, và ông nổi lên từ cuộc luận tội như một nhà lãnh đạo không bị thách thức của họ. Đảng Cộng hòa ở Hạ viện cũng như Thượng viện đã “bọc lót” cho Tổng thống Trump khá kỹ càng và có ít dấu hiệu cho thấy sự công kích của đảng Dân chủ có thể làm tổn hại đến vị thế của Tổng thống đối với những người ủng hộ nhiệt tình trên khắp đất nước.
Scott Reed, người giám sát hoạt động chính trị cho Văn phòng thương mại Mỹ, cho rằng, cơn bão luận tội đã hàn gắn Trump và với đảng của ông. “Sự thành công của Trump trong việc quản lý đã đưa GOP đến gần ông hơn”, Reed nói. Một số thành viên Dân chủ nói rằng, quyết định của GOP về việc bắt tay quá chặt với Tổng thống sẽ ẩn chứa rủi ro đáng kể đối với đảng này và xa hơn nữa là đem lại cơ hội cho các đối thủ từ đảng Dân chủ. 5 Thượng nghị sỹ Cộng hòa - Susan Collins của bang Maine, Joni Ernst của bang Iowa, Cory Gardner của bang Colorado, Martha McSally của bang Arizona và Thom Tillis của North Carolina – phải đối mặt với việc tái bầu cử năm nay ở các bang chiến địa (dễ dao động) nơi mà Tổng thổng Trump nhìn chung không được ưa thích.
Dù Thượng nghị sỹ Collins bỏ phiếu ủng hộ việc triệu tập thêm nhân chứng trong phiên luận tội Trump ở Thượng viện – động thái trái ngược với mong muốn của Nhà Trắng, thì các nghị sỹ kể trên vẫn đều ủng hộ Tổng thống. Họ đều đang ở vị thế có thể gặp nhiều sóng gió. Tất cả đều có khả năng phải đối đầu với những đối thủ “khó nhằn” trong năm nay. Tất cả đều có lý do để sợ rằng họ sẽ không chỉ “hứng đòn” từ Tổng thống mà còn bị phản đối từ trong chính đảng Cộng hòa nếu họ không ủng hộ ông Trump. Sức mạnh của ông Trump trong đảng Cộng hòa hiện nay cũng đủ nhiều để tất cả các nghị sỹ của đảng này đều thấy lo ngại về việc phải gánh lấy cơn thịnh nộ của ông cũng như từ những người ủng hộ ông.
Rahm Emanuel, cựu Thị trưởng Chicago, từng là người đứng đầu chiến dịch cho các thành viên Dân chủ ở Hạ viện, nói rằng, rủi ro sẽ đặc biệt cao đối với các nghị sỹ Cộng hòa nếu các thông tin bổ sung và bất lợi liên quan tới sức ép của Tổng thống đối với Ukraine nhằm điều tra đối thủ chính trị tiếp tục nổi lên trong những tháng tới. “Nếu bạn là 1 trong số 5 Thượng nghị sỹ kể trên, tốt hơn là hãy chắc chắn lá phiếu của mình được tính toàn phù hợp. Bạn tốt hơn là hãy chắc chắn rằng, khi có thêm thông tin – và điều đó sẽ xảy ra - thì lá phiếu này sẽ không gây bất lợi cho chính bạn”, Emanuel nói. Ông Emanuel nói rằng đảng Dân chủ đã trở lại kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 bằng cách thúc đẩy các ứng cử viên ôn hòa, những người tự cho rằng mình là công cụ kiểm chứng sức mạnh của Tổng thống Trump.
“Tôi sẽ đưa ra một dự đoán: Mọi ứng viên Dân chủ sẽ chạy một quảng cáo về việc sẽ không trao thêm cho ông Trump những quyền hạn không bị kiềm chế hậu luận tội”, Emanuel nói. Lịch sử không đưa ra sự hướng dẫn rõ ràng cho cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ về việc kết quả luận tội sẽ có tác động như thế nào. Khi yêu cầu luận tội được thúc đẩy nhằm vào Tổng thống Richard Nixon, điều dẫn tới việc ông từ chức năm 1974, nhiều thành viên Cộng hòa đã “cứu giúp” Tổng thống của mình bằng cách kêu gọi ông từ chức. Quyết định này đã tách biệt họ với một nhà lãnh đạo không được ưa thích và chẳng giúp ích gì cho cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa vẫn hứng chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm đó. Bài học ở đây có vẻ như là việc bỏ rơi Tổng thống của đảng mình cũng không phải là cách đảm bảo cho thành công bầu cử. Khi các động thái luận tội Tổng thống Bill Clinton bắt đầu năm 1988, các thành viên đảng Cộng hòa đoàn kết chống lại một Tổng thống của đảng Dân chủ, thậm chí họ nhận được sự ủng hộ dù là rất ít ỏi từ một số thành viên đảng Dân chủ. Tuy vậy, đảng Cộng hòa vẫn thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm đó và lãnh đạo của đảng Cộng hòa chịu trách nhiệm luận tội khi đó là Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, đã mất chức vào đầu năm 1999.
Ở cả trường hợp của Tổng thống Nixon và Tổng thống Clinton, môi trường chính trị cũng có nhiều khác biệt so với hiện nay. Có ít cử tri lưỡng lự hơn, cả ở Quốc hội hay các khu vực bầu cử, và điều đó đặc biệt là sự thật khi nói tới trường hợp của ông Trump. Phần lớn người Mỹ có vẻ như đã “khóa” quan điểm của mình với Tổng thống từ rất lâu trước đó, và không có sự kiện nào, kể cả là kịch tính như luận tội, có vẻ như làm thay đổi điều đó.
Khi quá trình luận tội được tiến hành tháng 10/2019, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump là 45% ở các cử tri nói chung, 95% ở các thành viên Cộng hòa, 6% ở các thành viên Dân chủ và 38% ở bộ phận độc lập, theo thăm dò của Wall Street Journal/NBC News. Kết quả thăm dò hiện nay cho thấy các tỷ lệ này về cơ bản không có nhiều thay đổi, ngoại trừ việc tỷ lệ ở bộ phận độc lập có vẻ như tăng lên một chút. Những con số này đang khiến những người ủng hộ Tổng thống Trump tin tưởng rằng ông có thể sống sót qua cơn bão luận tội mà không hề bị tổn hại mà thậm chí ngược lại, có thể được gia tăng thêm sức mạnh. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể không đơn giản như những con số bề mặt này.