15/01/2025 lúc 20:36 (GMT+7)
Breaking News

Liên kết giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và Sáng kiến “Vành đai, Con đường”

Trên cơ sở Hiệp định đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên mới giữa Nga và Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất chủ trương liên kết Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đóng vai trò chủ đạo với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc để xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu.

Bối cảnh ra đời liên kết

Trong bối cảnh Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ công bố năm 2022 và Chiến lược mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến năm 2030 xác định, Nga là “mối đe dọa trước mắt” đối với an ninh châu Âu, còn Trung Quốc là “thách thức địa - chính trị lớn nhất, mang tính hệ thống và lâu dài” đối với phương Tây, ngày 21-3-2023, tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc nhận định, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới, đạt mức độ cao nhất trong lịch sử và tiếp tục phát triển vững chắc. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện nay dựa trên nền tảng vững chắc và có nhiều triển vọng, hoàn toàn không phải là liên minh chính trị - quân sự như các liên minh được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, không mang tính chất đối đầu và không nhằm chống các nước thứ ba. Nga ủng hộ Trung Quốc phát triển ổn định và thịnh vượng, còn Trung Quốc ủng hộ Nga phát triển thành công và vững mạnh.

Nga và Trung Quốc thống nhất nhận định, thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc quốc tế: Xu thế không thể đảo ngược của lịch sử hướng tới hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi; quá trình thiết lập trật tự thế giới đa cực đang diễn ra nhanh chóng, vị thế của các quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi đang được củng cố, số lượng các cường quốc khu vực ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền, đơn phương, bảo hộ, một số quốc gia đang mưu toan thay thế các nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế hiện hành bằng cái gọi là “trật tự dựa trên luật lệ”. Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại của Nga và Trung Quốc chủ trương cùng phối hợp hành động và hợp tác chặt chẽ trên các nền tảng đa phương để xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Trung Quốc ủng hộ thúc đẩy quá trình hội nhập trong EAEU, còn Nga ủng hộ sáng kiến BRI của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết giữa EAEU với BRI để tăng cường hội nhập trong không gian Á - Âu nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Chủ trương liên kết giữa EAEU (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan  và Kyrgyzstan) với các dự án được xây dựng theo BRI của Trung Quốc là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga nhằm xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng. Do Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Nga, chính sách đối ngoại của Nga xác định, ưu tiên hàng đầu là xây dựng chương trình nghị sự mang tính xây dựng và thống nhất trong khu vực Á - Âu trên cơ sở liên kết EAEU với BRI, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên tham gia.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á - Âu mở rộng tại Moskva (Nga), ngày 25-5-2023 _Nguồn: en.kremlin.ru

Liên kết giữa EAEU và BRI

BRI là văn kiện được Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Thương mại Trung Quốc xây dựng và chính thức công bố vào tháng 3-2015. Khuôn khổ BRI gồm “bảy vành đai” và “sáu hành lang kinh tế”. “Bảy vành đai” gồm: 1- giao thông; 2- năng lượng; 3- thương mại; 4- thông tin; 5- khoa học - kỹ thuật; 6- nông nghiệp; 7- du lịch. “Sáu hành lang kinh tế” là: 1- Hành lang Trung Quốc - Pakistan kết nối Trung Quốc với Vùng Vịnh; 2- Hành lang Trung Quốc - Mông Cổ - Nga kết nối đặc khu kinh tế ở vịnh Bột Hải của Trung Quốc với Đông Âu; 3- Hành lang Trung Quốc - Trung Á - Tây Nam Á kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước trên bán đảo Arab; 4- Hành lang Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar kết nối Trung Quốc với các nước Nam Á; 5- Hành lang Trung Quốc - bán đảo Đông Dương; 6- Hành lang kết nối Trung Quốc với Nga, Kazakhstan, Belarus, Ba Lan, Đức và Tây Âu, còn được gọi được là “cầu nối xuyên lục địa Á - Âu”.

Năm 2015, EAEU chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Sau khi BRI và EAEU được khởi động, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố chủ trương liên kết EAEU với BRI nhằm xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu. Chủ trương này của Tổng thống Nga V. Putin nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.  

Trong quan hệ với các quốc gia trên lục địa Á - Âu, BRI xác định năm lĩnh vực hợp tác, gồm: 1- Tăng cường phối hợp chính trị, bao gồm trao đổi quan điểm về chiến lược và chiến thuật phát triển kinh tế, phối hợp chiến lược kinh tế của các quốc gia tham gia theo một kế hoạch chung, phối hợp các biện pháp hội nhập khu vực; 2- Đẩy mạnh xây dựng mạng lưới đường bộ để cải thiện hạ tầng giao thông xuyên biên giới nhằm tạo mạng lưới giao thông kết nối Đông Á - Tây Á - Nam Á; 3- Tăng cường quan hệ thương mại giữa các nước tham gia, đơn giản hóa thủ tục thương mại và đầu tư, gia tăng tốc độ và chất lượng giao dịch kinh tế đối ngoại trong khu vực; 4- Gia tăng lưu lượng trao đổi tiền tệ theo hướng chuyển đổi sang đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong thanh toán thương mại, giao dịch vãng lai và vốn; 5- Tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của EAEU và BRI trong dư luận xã hội nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân, tăng cường tiếp xúc hữu nghị giữa các dân tộc, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Liên kết EAEU với BRI dựa trên nguyên tắc cơ bản là kết hợp hài hòa lợi ích của các quốc gia tham gia và hợp tác cùng có lợi. Trong liên kết giữa EAEU và BRI, ngoài cơ sở kinh tế và khuôn khổ thể chế, Nga và Trung Quốc nhận định cần ưu tiên xây dựng tầm nhìn chiến lược chung về phương hướng và cơ chế hợp tác giữa các nước thành viên EAEU với Trung Quốc. Trên thực tế, việc kết nối định hướng phát triển của hai thể chế tham gia ở các định dạng và cấp độ khác nhau cần được thực hiện trong khuôn khổ ý tưởng chung với các mục tiêu và định hướng rõ ràng.

Liên minh kinh tế  Á - Âu mở rộng có nhiều nội dung tương đồng với các mục tiêu của BRI, như xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, thiết lập các thế chế kinh tế và thương mại ưu đãi giữa các quốc gia và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Thực chất, Liên minh kinh tế  Á - Âu mở rộng nhằm hiện thực hóa khái niệm “liên kết các hội nhập” với hàm ý đối thoại bình đẳng, cùng có lợi giữa các nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia của các nước tham gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dựa trên hệ thống quy phạm pháp luật linh hoạt, các thể chế và các dự án chung, vì lợi ích của tất cả hoặc hầu hết các quốc gia thành viên.

Đặc điểm của liên kết giữa EAEU và BRI

Về mục tiêu, thông qua liên kết BRI và EAEU, Trung Quốc mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp, hiệu quả với các nước láng giềng. Còn Nga coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong quá trình hình thành trật tự thế giới đa cực và BRI là con đường hướng tới mục tiêu đó. Ngoài ra, Nga muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các mạng lưới logistics đi qua lãnh thổ các nước thành viên EAEU, khi đó Nga sẽ trở thành không gian kết nối trên lục địa Á - Âu bởi tất cả các tuyến đường bộ nối liền Trung Quốc với châu Âu đi qua Nga là ngắn nhất. Nga muốn thông qua BRI để thu hút các tổ chức tài chính của Trung Quốc đầu tư vào những dự án trọng điểm của Nga.

Về lợi thế, liên kết này tạo ra nhiều thuận lợi trong việc xây dựng các tuyến trung chuyển đường bộ từ Trung Quốc tới Liên minh châu Âu (EU), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, liên kết còn tạo sự gần gũi về các mục tiêu địa - chính trị và địa - kinh tế giữa các nước EAEU và Trung Quốc; tạo ra nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên đáng kể trên lãnh thổ của các nước thành viên EAEU, bao gồm cả tài nguyên năng lượng ở gần biên giới chung EAEU - Trung Quốc. Các nước thành viên EAEU là nhà cung cấp chiến lược quan trọng một số loại hàng hóa, dịch vụ và công nghệ cho Trung Quốc. Sự liên kết này sẽ cung cấp các chuỗi sản xuất, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc; cung cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chất lượng cao cùng những kinh nghiệm của cả Trung Quốc và Nga trong việc phát triển các hệ thống độc lập để truyền tải thông tin tài chính và kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án ở cấp doanh nghiệp và cấp quốc gia.

Về khả năng tạo ra chuỗi liên kết, EAEU có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu của mình thông qua sự kết hợp với BRI, như Chương trình nghị sự kỹ thuật số của EAEU đến năm 2025 và xây dựng Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng. Bên cạnh đó, liên kết này sẽ góp phần gia tăng dòng vốn FDI của Trung Quốc vào các dự án của EAEU, như xây dựng kết cấu hạ tầng và công nghiệp chế biến; mở rộng tiềm năng xuất khẩu của các nước EAEU, bao gồm cả các sản phẩm công nghệ cao và trung bình nhờ tiếp cận thị trường Trung Quốc; thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ của các nước EAEU thông qua xuất khẩu các dịch vụ vận tải, du lịch và các loại dịch vụ khác sang Trung Quốc; tạo thêm nhiều việc làm cho người dân các nước EAEU thông qua việc mở rộng các cơ sở sản xuất mới và thực hiện các dự án chung với Trung Quốc; khai thác năng lực sản xuất; sử dụng các đặc khu và cụm kinh tế bổ sung của các nước EAEU; tăng cường kết nối giao thông và mở rộng hợp tác liên vùng; giúp EAEU có cơ hội phát triển đột phá về khoa học và công nghệ bằng cách hỗ trợ các nước thành viên EAEU tiếp cận các công nghệ, mô hình kinh doanh và kinh nghiệm quản lý mới của Trung Quốc; phát triển hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục; đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các thành tựu khoa học của các nước EAEU; phát triển hợp tác tài chính và củng cố sự ổn định tài chính bằng cách mở rộng việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong các thanh toán chung, phát triển các sản phẩm tài chính và cho vay ưu đãi bằng đồng tiền quốc gia (chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ)…; hình thành liên minh chính trị và kinh tế mạnh để thúc đẩy các giá trị và tiêu chuẩn của hội nhập Á - Âu và BRI trên trường quốc tế; hình thành không gian an ninh năng lượng bền vững trên quy mô khu vực EAEU - Trung Quốc.

Về hạn chế, có thể thấy một số hạn chế: Nền kinh tế Nga gặp khó khăn do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt từ EU và Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraina; phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của EAEU vào Trung Quốc chủ yếu là các nguyên liệu thô; năng lực sản xuất của các nước thành viên EAEU còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế EAEU thấp nên khả năng tài trợ cho các dự án lớn còn hạn chế; mức độ hấp dẫn đầu tư của các nền kinh tế thuộc EAEU tương đối thấp. Các dự án của Trung Quốc trên lãnh thổ các nước thành viên EAEU chủ yếu là sử dụng lực lượng lao động cũng như thiết bị, công nghệ của Trung Quốc; Trung Quốc hiện mới chỉ tập trung tài trợ cho các dự án của BRI trong một số lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích và nhằm quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và lao động của Trung Quốc. Một rào cản khác nữa chính là các nước thành viên EAEU chưa có quan điểm thống nhất về các lĩnh vực và cơ chế hợp tác với Trung Quốc; thiếu thông tin về thị trường cũng như các quy tắc và thủ tục hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc; lãnh thổ của một số quốc gia như Armenia và một phần Belarus cách xa Trung Quốc nên lợi ích liên kết với BRI chưa thật rõ ràng. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn bảo lưu các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các nhà xuất khẩu của EAEU sang thị trường Trung Quốc, tạo áp lực không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp EAEU.

Về rủi ro, thị trường EAEU có thể phải tiếp nhận các sản phẩm có chất lượng công nghệ thấp từ Trung Quốc, điều này sẽ tác động tiêu cực tới một số lĩnh vực công nghiệp của các nước EAEU. Trung Quốc có thể dịch chuyển một số ngành công nghiệp có trình độ công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động sang lãnh thổ của nước thành viên EAEU; sự gia tăng cộng đồng người Hoa trong khu vực EAEU có thể làm nảy sinh những phức tạp về xã hội; các nước thành viên chưa thống nhất lập trường về lộ trình liên kết với BRI; các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga nếu không sớm được dỡ bỏ sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với các nước thành viên EAEU mà cả Trung Quốc; các nước thành viên EAEU có thể phải phụ thuộc kinh tế và tài chính vào Trung Quốc; ảnh hưởng chính trị của Nga có thể bị suy giảm trong khu vực Á - Âu trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc; xuất hiện sự cạnh tranh giữa đồng ruble của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc…

Lộ trình thực hiện liên kết giữa EAEU và BRI

Để phát huy lợi thế và khắc phục những hạn chế, rủi ro, Ủy ban kinh tế Á - Âu đã xây dựng dự thảo lộ trình thực hiện liên kết giữa EAEU và BRI, trong đó đề cập tới: 

Thứ nhất, xây dựng cơ sở chiến lược và thể chế liên kết của EAEU.

Hoạch định chiến lược liên kết chung bao gồm: Xác định mục tiêu, nguyên tắc và nhiệm vụ liên kết dựa trên kết quả phân tích chiến lược phát triển kinh tế của các nước thành viên EAEU và của EU nói chung, phân tích các văn kiện cơ bản của BRI và chiến lược của Trung Quốc; xây dựng khuôn khổ chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại để tiến tới xây dựng Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng.

Thành lập các nhóm công tác thường trực của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), có sự tham gia của đại diện chính quyền các nước thành viên EAEU và Trung Quốc. Nhóm này có thẩm quyền đưa ra quyết định thực hiện các nhiệm vụ liên kết EAEU - BRI.

Ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các thể chế, ngân hàng của EAEU và Trung Quốc, như Ngân hàng phát triển Á - Âu, Quỹ con đường tơ lụa, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Hiệp hội Liên ngân hàng của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) để hợp tác thực hiện các biện pháp và dự án chung.

Xây dựng khung pháp lý minh bạch cho hoạt động kinh tế đối ngoại giữa các tổ chức kinh tế của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc, bao gồm các cơ chế ngăn ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp thương mại; xây dựng hệ thống điều hành và giám sát quá trình liên kết, thành lập trung tâm thông tin chung và cơ quan thông tin phân tích.

Thứ hai, liên kết trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Xác định các nguyên tắc và cách tiếp cận để kết nối giao thông giữa các quốc gia thành viên EAEU và với các dự án liên kết EAEU - BRI; đánh giá khối lượng hàng hóa tiềm năng lưu thông qua lãnh thổ của các nước thành viên EAEU (bao gồm cả hàng hóa quá cảnh) bằng các phương thức vận tải; đánh giá khả năng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng giao thông và logistic hiện có của các nước thành viên EAEU để phục vụ các luồng hàng hóa quá cảnh từ Trung Quốc đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ theo hành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam; xác định nhu cầu của các quốc gia thành viên EAEU trong quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông và logistics; hoạch định chiến lược tối ưu để phát triển giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông và logistics; thực hiện các thỏa thuận hội nhập hài hòa các kết cấu hạ tầng mới, hình thành thị trường chung EAEU - BRI; khởi động các hành lang giao thông kỹ thuật số để tương tác với các nước thành viên SCO, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ; hoạch định các biện pháp kích thích vận tải đường sắt, bao gồm hỗ trợ thuế quan, kết nối thuế quan và quy tắc vận tải quốc tế; lập danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chung, xây dựng các nguyên tắc và cơ chế tài trợ cho các dự án đó.

Thứ ba, liên kết trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Hoạch định lộ trình hợp tác thương mại hiện hành và trong tương lai giữa EAEU và Trung Quốc; xác định các mặt hàng mang tính chiến lược để xuất, nhập khẩu vào thị trường của EAEU và Trung Quốc; đánh giá tiềm năng tăng trưởng và đa dạng hóa dòng chảy thương mại giữa các nước thành viên EAEU và Trung Quốc; làm rõ các rào cản thương mại giữa EAEU và Trung Quốc, bao gồm rào cản thuế quan và phi thuế quan, xác định mức độ ảnh hưởng của những hàng rào này đối với khối lượng và cường độ thương mại song phương; soạn thảo và điều phối các kế hoạch khắc phục các rào cản đó; xác định các giải pháp cơ bản liên kết thị trường chung, bao gồm các nền tảng thương mại điện tử và cách tiếp cận chung nhằm mở rộng cơ hội giao lưu thương mại giữa các nước thành viên EAEU và Trung Quốc; phối hợp các chuẩn mực và quy tắc điều chỉnh thương mại trong các lĩnh vực hợp tác giữa EAEU và Trung Quốc nhưng vẫn tính đến lợi ích quốc gia và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế; xác định các loại hình dịch vụ ưu tiên của các nước thành viên EAEU có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, phù hợp với chính sách vận tải đã được thống nhất trong EAEU; soạn thảo các biện pháp khuyến khích thương mại ở cấp quốc gia và liên quốc gia; xây dựng các cơ chế siêu quốc gia về xuất khẩu tín dụng, bảo hiểm, đầu tư cho các dự án và tài trợ thương mại cho những doanh nghiệp và tổ chức của các quốc gia thành viên EAEU trong khuôn khổ liên kết với BRI; xây dựng và thực hiện các chế độ đặc biệt về đầu tư và thuế quan; hình thành mô hình tài chính hiệu quả để thực hiện các dự án chung, trong đó có việc phát hành “trái phiếu gấu trúc” của Trung Quốc.

Thứ tư, hợp tác về hải quan.

Đánh giá tác động của các thủ tục hải quan hiện hành đối với tốc độ vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa quá cảnh, qua biên giới của các quốc gia thành viên EAEU với Trung Quốc và các quốc gia khác tham gia BRI; xây dựng các quy định thông quan cho hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên EAEU để đơn giản hóa các thủ tục hải quan, giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa qua biên giới của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc; công nhận cách định danh và các thủ tục kiểm tra hàng hóa của nhau khi quá cảnh qua lãnh thổ của hai bên; kết hợp linh hoạt các hệ thống theo dõi hoạt động luân chuyển hàng hóa; tiến hành số hóa hoạt động tương tác giữa các chủ thể kinh tế và các cơ quan điều hành của nhà nước giữa EAEU và Trung Quốc. 

Thứ năm, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp.

Đánh giá sự phụ thuộc của các nước thành viên EAEU vào Trung Quốc; phân tích hoạt động của các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng thành phẩm và cấu kiện của các nước thành viên EAEU; đánh giá tiềm năng hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp của cả EAEU và Trung Quốc để xuất khẩu hàng hóa do hai bên cùng hợp tác sản xuất sang nước thứ ba, cũng như cung cấp cho thị trường nội địa của EAEU và Trung Quốc; xác định danh mục ngành, lĩnh vực, dự án và công nghệ ưu tiên phát triển trong khuôn khổ liên kết EAEU và BRI cùng nguồn tài trợ cho các dự án đó; xây dựng các cơ chế để Trung Quốc tham gia quá trình phát triển các nền tảng công nghệ Á - Âu và tính đến khả năng thúc đẩy thương mại hóa các thành tựu khoa học của các nước thành viên EAEU; xác định điều kiện để thực hiện các dự án chung, như phối hợp chính sách bảo vệ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ; cung cấp các ưu đãi ở cấp độ EAEU; thành lập các khu công nghiệp và khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới; hình thành nền tảng thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước EAEU và Trung Quốc tham gia chuỗi giá trị chung.

Thứ sáu, xây dựng không gian năng lượng chung.

Đánh giá các thỏa thuận song phương hiện có giữa các nước thành viên EAEU và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng; xây dựng danh mục các dự án đa phương trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo; đánh giá nhu cầu hiện đại hóa kết cấu hạ tầng năng lượng của các nước thành viên EAEU và các nguồn lực cần thiết để triển khai liên kết với BRI; xây dựng các khái niệm về an ninh năng lượng và hình thành không gian năng lượng chung trong khu vực EAEU - BRI; khởi động các cơ chế điều hành thị trường chứng khoán chung để hình thành giá năng lượng bằng đồng tiền quốc gia của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc.

Thứ bảy, liên kết trong lĩnh vực số hóa.

Hình thành danh mục các công nghệ và dự án kỹ thuật số, ưu tiên để cùng phát triển và sử dụng trong khuôn khổ liên kết chương trình nghị sự kỹ thuật số của EAEU và Con đường tơ lụa công nghệ số; xây dựng hệ thống an ninh mạng chung.

Thứ tám, liên kết về tài chính - tiền tệ. 

Phân tích quy mô sử dụng đồng tiền của các nước thứ ba trong liên kết thanh toán thương mại và đánh giá hậu quả đối với liên kết thương mại, an ninh và tài chính của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc. Khi phát hiện ra những trở ngại trong quá trình mở rộng sử dụng đồng tiền quốc gia trong liên kết thanh toán thương mại cần phát triển các cơ chế để loại bỏ rào cản, bảo đảm sự ổn định và an ninh của việc thanh toán bằng đồng tiền quốc gia.

Xây dựng hệ thống các ưu đãi để mở rộng sử dụng tiền tệ quốc gia trong liên kết thanh toán và đầu tư, bao gồm các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế và các ngân hàng thương mại; tạo điều kiện để mở rộng danh mục và tăng tính thanh khoản của các công cụ tài chính được giao dịch bằng đồng tiền quốc gia của các nước thành viên EAEU và Trung Quốc; đánh giá triển vọng lưu hành một loại tiền tệ thanh toán chung với Trung Quốc để hình thành khu vực thanh toán thống nhất.

Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ và Trung Quốc - Mỹ ngày càng gia tăng, sự gần gũi về địa lý của hầu hết các nước EAEU với Trung Quốc có tính bổ sung cho nhau, cùng với truyền thống lịch sử quan hệ tốt đẹp giữa các nước thành viên EAEU và Trung Quốc, thì việc liên kết giữa EAEU và BRI mang lại nhiều lợi ích và có triển vọng tương đối lớn. Ý tưởng xuất phát từ mong muốn thúc đẩy quá trình xây dựng trật tự thế giới đa trung tâm, công bằng, đa tốc độ, phát triển hợp tác kinh tế bình đẳng và cùng có lợi trong nhiều vấn đề thời sự cấp thiết mà Nga và Trung Quốc cùng quan tâm thúc đẩy việc hình thành liên kết “hội nhập của các hội nhập” theo định dạng Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng lại càng trở nên hấp dẫn. Có thể thấy rằng, các cơ hội, thành công của liên kết EAEU và BRI lớn hơn nhiều so với những hạn chế, thách thức và điều quan trọng là liên kết này góp phần hóa giải khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga. Về khả năng thanh toán giữa các quốc gia, hiện nay đã có các giải pháp như sử dụng hệ thống viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế độc lập của Nga, Trung Quốc hoặc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia có giá trị tương tự như Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) do Mỹ kiểm soát. Tuy nhiên, để hiện thực hóa liên kết giữa EAEU và BRI đòi hỏi một lộ trình lâu dài, các bên cần có ý chí chính trị và các biện pháp khả thi để xây dựng không gian kinh tế - chính trị thống nhất, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và vì một trật tự thế giới đa cực đang hình thành./.

NILOV ROMAN
Nghiên cứu sinh, Học viện Ngoại giao
...