Diễn đàn lần này là sự kế thừa, phát huy các kết quả đạt được của Diễn đàn lần thứ I năm 2019 tại TPHCM. Qua lần đầu tổ chức đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Năm 2022 này, Diễn đàn được thực hiện với chủ đề “Hợp tác và hành động”, sẽ tập trung chuyên sâu nội dung “nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trong bối cảnh mới”.
Tại hội thảo đã có sự tham gia của Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam. Về phía Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, có sự hiện diện của Ông Lê Quốc Phong, UVTW Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cùng các Đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành Tỉnh…
Nhiều năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc này còn góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp thúc đẩy hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt trong công cuộc phát triển này, các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch đóng vai trò then chốt, góp phần đồng hành tạo nên sự khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.
Tại Hội thảo ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ: “Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP.HCM và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả. Trong những ngày, Đồng Tháp đang rộn ràng với chuỗi hoạt động của Lễ hội Sen lần thứ nhất, chào mừng sinh nhật Bác hồ kính yêu. Chúng tôi trân trọng kính mời quý đại biểu dành thời gian tham gia Lễ hội, trải nghiệm tình đất, tình người Đồng Tháp.”
Tại buổi lễ, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đánh giá, khu vực ĐBSCL nổi tiếng là vùng nông nghiệp trù phú với 3 sản phẩm đặc trưng là lúa, thủy sản và cây ăn quả. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương là một thế mạnh đặc thù. Chuỗi các giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp chính là quá trình tạo ra trải nghiệm du lịch trong canh tác, nuôi trồng, trong chế biến cũng như trong tiêu thụ/tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp (cụ thể là lúa gạo, cá, trái cây). Đây là cách tiếp cận, là cơ sở để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch bằng các loại hình du lịch thực tế như trồng lúa; tham quan, trải nghiệm trong đánh bắt cá, chế biến nước mắm, ẩm thực miệt vườn… Đồng chí cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khai thác, chủ động sáng tạo, hiệu quả những nguồn lực, tiềm năng du lịch nông nghiệp của vùng ĐBSCL, phát huy hỗ trợ về chính sách phát triển NTM, đồng hành cùng nông dân phát triển các chương trình du lịch nông nghiệp. “Bộ NN&PTNT và Bộ VH,TT&DL đang phối hợp dự thảo nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển đặc sản làng nghề, nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân", ông Siêu cho biết.
Buổi hội thảo năm nay có 22 bài tham luận đến từ nhiều đơn vị đã nêu bật lên tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các tỉnh thành tham gia. Điều này đã giúp cho nội dung Diễn đàn trở nên phong phú, ấn tượng.
Liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công, cũng như khẳng định tính đúng đắn của phương châm “muốn đi xa thì phải đi cùng”, TP.HCM với vai trò đầu mối giao thương, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước sẽ giúp các địa phương trong vùng ĐBSCL về kết nối tour tuyến, tạo nguồn phát triển du lịch.
Tiếp nối sự thành công lần thứ I tại TPHCM và lần thứ II tại Đồng Tháp; thì Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ III - Năm 2024, sẽ do tỉnh Bến Tre đăng cai thực hiện./.