Sau nhiều khó khăn, trở ngại, cuộc thi Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đã gần đến ngày cuối vinh quang. Đây là cuộc thi nhằm lựa chọn ra các tài năng về âm nhạc cho đất nước, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị nguồn cội của dân ca, ca nhạc trong nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Tại đêm thi, các thí sinh xuất sắc đến từ mọi miền Tổ quốc được tuyển chọn kỹ lưỡng trước đó đã thể hiện hết mình phần trình bày của bản thân. 25 ca khúc đều mang đậm chất âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên, nơi cao nguyên hùng vĩ với dải đất đỏ Bazan huyền thoại, có Cà phê, cao su xanh ngút ngàn.
Với cách thể hiện sáng tạo, hết mình cùng trang phục đậm đà bản sắc Tây Nguyên đã mang đến cho khán giả luồng sinh khí mới với nhiều cung bậc cảm xúc thăng hoa. Qua giọng hát nội lực, sâu đậm, cháy bỏng các thí sinh đã cho khán giả thấy được tài năng ca hát, bản lĩnh sân khấu của mình. Những lời ca, tiếng hát mộc mạc, giản dị nhưng cuồn cuộn, sục sôi đó chính là tình cảm sâu đậm, cháy bỏng với mảnh đất cao nguyên, với con người bản địa, nơi có sử thi, trường ca hào hùng đầy kiêu hãnh.
Thí sinh Y Nhip (SN 1992, ngụ Kon Tum) chia sẻ: Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” là cuộc thi có sức hút rất lớn với người yêu thích dòng nhạc Tây Nguyên, đặc biệt đối với các thí sinh trẻ tuổi như tôi. Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, cuộc thi còn tạo cơ hội cho người đam mê ca hát có dịp được tranh tài, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm.
"Tôi hy vọng, Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” sẽ được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thường niên để người đam mê dòng nhạc Tây Nguyên có cơ hội thể hiện mình. Qua cuộc thi sẽ phát hiện ra nhiều nhân tố chất lượng cho nền âm nhạc nước Nhà nói chung và dòng nhạc Tây Nguyên nói riêng”, thí sinh Nguyễn Lương Thanh Huyền (SN 1980, ngụ Hà Nội) bày tỏ mong muốn.
Thí sinh Bùi Việt Hưng (SN 2005, ngụ Gia Lai) tâm sự: "Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên, từ nhỏ tôi đã gần gũi với núi rừng, nương rẫy nên sớm được tiếp cận với phong tục, tập quán đặc trưng đầy bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Khi thể hiện ca khúc “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” tôi như đứa con trai của Giàng với sức mạnh bền bỉ, băng qua rừng sâu nơi có sông reo, thác hò để tìm về gốc gác, nguồn cội. Như cánh chim bay cao, xa, bay đến nơi tình yêu lứa đôi ngọt ngào, dịu êm".
NSƯT Võ Cường (thành viên BGK) đánh giá: "Các thí sinh tại vòng Bán kết 2 đều là những bạn có chất giọng tốt, kỹ thuật cao, hình thức đẹp. Việc lựa chọn bài hát phù hợp, chất giọng cuốn hút cùng sự chuẩn bị chu đáo về trang phục đã giúp thí sinh phát huy được ưu điểm của bản thân. Trải qua nhiều vòng thi, 25 thí sinh đã được trải nghiệm, trưởng thành và "cháy" hết mình với đam mê ca hát. Với tôi đêm Bán kết 2 thực sự hấp dẫn, lôi cuốn và đáng để thưởng thức".
Ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi cho biết: Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” là sự kiện được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nguồn cội của dân ca, dân nhạc trong kho tàng văn hóa, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương V về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Thông qua cuộc thi, BTC mong muốn tìm ra những tài năng âm nhạc, góp phần truyền thông hình ảnh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa đóng góp bảo tồn và phát triển nền âm nhạc nước nhà nói chung và dòng nhạc Tây Nguyên nói riêng. Mặt khác, sự kiện còn có ý nghĩa chung tay kêu gọi cộng đồng cùng xây dựng tình đoàn kết, xây dựng các chương trình thiện nguyện có ý nghĩa trong xã hội.
Sau 25 phần thi, BGK cuộc thi đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm để chọn ra 15 thí sinh xuất sắc nhất vào đêm Chung kết. Đêm Chung kết tới đây được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), vào ngày 9/7.
Một vài hình ảnh thí sinh tham gia đêm bán kết 2:
Võ Hà