25/11/2024 lúc 12:07 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Tọa đàm "Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay"

Chiều ngày 19/5/2022, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp tổ chức Chương trình Tọa đàm "Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay" tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh đa chức năng vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nằm trong chuỗi hoạt động của Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2022 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, Chương trình Tọa đàm "Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay" là hoạt động ý nghĩa trong việc giới thiệu và quảng bá âm nhạc dân gian cũng như những nét đẹp của văn hoá và con người Tây Nguyên đến với đông đảo công chúng yêu nhạc trong và ngoài nước. Đặc biệt hơn, buổi Toạ đàm còn là dịp để các nhạc sĩ (NS), các nhà Lí luận phê bình (LLPB), các nhà nghiên cứu định hình một cách rõ hơn về âm nhạc Tây Nguyên.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Tham dự chương trình có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cùng nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên các Trường Đại học và Cao đẳng Nghệ thuật, các Học viên Âm nhạc… đặc biệt có sự hiện diện và chủ trì của PGS.TS.NS. Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà LLPB âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà văn Niê Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk.

Các đại biểu và khách mời tham dự.

Chương trình Toạ đàm được tổ chức công phu, bài bản với những tiết mục biểu diễn đặc sắc, ấn tượng, thể hiện được một phần “hồn cốt” Tây Nguyên. Nội dung chính của buổi Toạ đàm là những bài tham luận mang tính chất khoa học, có ý nghĩa lí luận, thực tiễn trong sáng tác, và biểu diễn đem đến cho tất cả những người tham dự những kiến thức bổ ích, lí thú về âm nhạc Tây Nguyên.

NS Linh Nga Niê Kdăm trình bày tham luận.

Một số vấn đề được nêu ra trong buổi Toạ đàm như: “Thế nào là âm nhạc Tây Nguyên?”, “Cách mà chúng ta định hình âm nhạc Tây Nguyên liệu rằng đã đầy đủ chưa?... của NS Đỗ Hồng Quân; “Cách chúng ta ứng xử với âm nhạc dân gian”, “Giá trị của âm nhạc cổ truyền? ví dụ như Cồng chiêng Tây Nguyên” của nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu… hay sự khác biệt của âm nhạc dân gian Ê-đê so với các dân tộc khác của NS Linh Nga Niê Kdăm; kinh nghiệm sáng tác ca khúc dựa trên chất liệu dân ca để tránh tình trạng “loạn chất liệu” của NS Mạnh Trí; hãy về đến tận cùng buôn làng để tìm hiểu và viết về âm nhạc Tây Nguyên của NS Lê Xuân Hoan… và bao trùm tất cả là việc vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay, bao gồm cả lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lí luận, phê bình…

NS Mạnh Trí trình bày tham luận.

Dĩ nhiên, trong khuôn khổ của giới hạn, nhiều vấn đề, nhiều nội dung vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng có lẽ chính điều đó lại khơi gợi thêm nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở để rồi sẽ có thêm những buổi Toạ đàm tiếp theo. Hi vọng âm nhạc dân gian Tây Nguyên sẽ không chỉ được bảo tồn và phát huy mà sẽ thực sự có một đời sống sinh động trong dòng chảy gấp gáp của xã hội hiện đại, trong tâm trí của công chúng yêu nhạc.

Nguyễn Đình Việt