Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về cũng là thời điểm nông dân Hà Tĩnh gặt hái các sản phẩm nông nghiệp từ công sức mồ hôi người nông dân làm ra để nhằm phục vụ dịp Tết cổ truyền dân tộc, nào là nước mắn, cá tôm, mực ống do ngư dân các vùng ven biển đánh bắt về chế biến ra thành phẩm nước mắn OCOP đạt chuẩn từ 3-4 sao thơm ngon tinh khiết. Còn đối với nông dân ở các vùng đồng bằng trung du miền núi thì có các sản phẩm sản lúa gạo, nếp hữu cơ, lợn gà…nhiều sản phẩm đã hướng tới tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Riêng các huyện ở miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang thì phát triển đủ các loại cây ăn quả như bưởi thờ, cam Bù, Cam chanh, cam Khe Mây…cũng vào dịp Tết này nông dân các huyện miền núi nói trên còn tranh thủ lên rừng tìm kiếm, khai thác mật ong rừng, đây là những loại sản phẩm nông sản được SX, và hái lượm từ lộc “trời cho” tất cả đều là những sản phẩm đạt chất lượng sạch bày bán giữa chợ như trăm hoa đua nở đón một mùa xuân mới, sức sống mới tràn trề.
Nơi nông dân đến khoe sản phẩm nông tự mình làm ra
Dạo quanh một vòng trong lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp, tôi ngỡ ngàng như đang lạc vào khu chợ trung tâm đầu mối ở một thành phố lớn nào đó, bởi ở Hà Tĩnh cứ dịp tết đến xuân về tỉnh lại tổ chức Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp, đây là năm thứ 5 Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp được bày bán la liệt, đủ các loại sản phẩm nông sản quý hiếm như mật ong rừng, thịt bò 3B, thịt lợn rừng tự nuôi, Cam bù Hương Sơn, cá thu, mực ống…Đây là sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên Đán Quý Mão năm mới 2023, tất cả các quầy hàng đều được bố trí ngăn nắp, gọn gàng, mọi nhãn mác bắt mắt, hấp dẫn.
Ghé tham quan quầy hàng giới thiệu sản phẩm mật ong hương rừng của mô hình kinh tế HTX nuôi ong lấy mật do chị Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch hội nông dân xã Kỳ Lạc cho biết, sản phẩm mật ong rừng đóng chai của HTX được các cơ quan chức năng qua 2 vòng chấm điểm và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao kể từ năm 2021 đến nay, được khách hàng khắp nơi tìm đến để mua bởi sản phẩm mật ong nguyên chất.
Rời quầy hàng mật ong rừng đến tham quan quầy hàng giới thiệu sản phẩm Chẻo Bà Châu, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, đây là sản phẩm nông nghiệp được chế biến ra từ các loại sản phẩm củ, quả hữu cơ nông nghiệp.
Đến quầy giới thiệu sản phẩm nước mắm HTX thu mua chế biến thủy hải sản “Nước mắm & sứa ăn liền Trung Khang” thì phải nói, đây là nước mắm “độc nhất vô nhị” do HTX Trung Khang SX, chế biến ra từ sản phẩm thủy hải sản tươi ngon khi ngư dân vừa mới đánh bắt từ vùng biển lên với những mẻ lưới ngoài khơi đưa vào bờ, được bà chủ giám đốc HTX Trung Khang Trần Thị Hà luôn đón đợi có được chừng nào mua hết chừng đó. Vì thế sản phẩm nước mắm Trung Khang, Kỳ Anh được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp “Đến hẹn lại lên”
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ cam và các nông sản đặc sản của tỉnh như đã trở thành việc làm hàng năm của tỉnh Hà Tĩnh.
Cam đạt chuẩn hữu cơ của HTX Gia Phúc Huyện Can Lộc
Sau 4 năm triển khai, lễ hội đã tạo được sự lan tỏa, mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm và tham gia của các đơn vị, nhà sản xuất, kinh doanh; được đông đảo Nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng, đồng hành nhiệt tình. Thương hiệu cam và nông sản của Hà Tĩnh được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, ưa chuộng.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 5, năm 2023 diễn ra trong 5 ngày (từ 6 - 10/1) với quy mô 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản tiêu biểu của các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh.
Lễ hội là sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, phục vụ Nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các sản phẩm Hà Tĩnh.
Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh kết nối, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm; góp triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng; từ đó có chiến lược nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.