20/01/2025 lúc 18:16 (GMT+7)
Breaking News

Lễ cấp sắc – Dấu mốc trưởng thành của đàn ông người Dao đỏ

Trong một đời người, từ khi sinh ra, lớn lên đến khi chết đi, ai cũng phải trải qua rất nhiều nghi lễ. Tuy nhiên, tùy từng dân tộc lại có những bản sắc khác nhau, như người Dao Đỏ có nghi lễ cấp sắc độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nhiệm.

Đồng bào người Dao có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Họ đã và đang lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như: kiến trúc, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, nghệ thuật... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bản sắc văn hóa người Dao đang dần bị mai một. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Dao nói riêng trên cả nước và ở Lào Cai đã thu được những kết quả nhất định. Một trong số đó là các hoạt động tái hiện lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Người Dao đỏ đặc biệt chú ý sửa sang mũ đội trên đầu, vì họ quan niệm đó là nơi thần linh trú ngụ trong mỗi người được cấp sắc. Ảnh: CTTĐT.

Lễ cấp sắc là cầu nối giúp người đàn ông chính thức được tổ tiên công nhận là người trưởng thành, thường diễn ra vào dịp cuối năm và sau Tết âm lịch. Ở đây, trưởng thành được hiểu theo nghĩa là người hiểu biết, có thể làm thầy cúng, lập bàn thờ, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên. Người chưa được cấp sắc đồng nghĩa với việc không được mời tham gia hay quyết định các công việc hệ trọng trong làng bản. Còn người đã được cấp sắc dù trẻ tuổi vẫn được tham gia các nghi lễ quan trọng của gia đình hay cộng đồng. Người Dao quan niệm, chỉ người đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao.

Tại lễ cấp sắc của chồng, người vợ phải chùm kín đầu trong chiếc mũ đỏ. Ảnh: CTTĐT.

Đối với người Dao đỏ, con trai đã lập gia đình mới được làm lễ cấp sắc, tùy theo cấp bậc mà số lượng quân binh được cấp cho chồng, vợ là khác nhau. Cấp sắc 3 đèn “quả phàm thoi”, chồng được cấp cho 36 quân âm binh, vợ được cấp 24 quân âm binh; cấp sắc 7 đèn “quả siết phing”; cấp sắc 12 đèn “tậu say”, chồng được cấp 120 quân, vợ được cấp 60 quân âm binh. Số quân âm binh luôn theo để bảo vệ người cấp sắc, đối với người phụ nữ Dao đỏ thì quân âm binh chỉ có ý nghĩa bảo vệ.

Nghi thức và nội dung tổ chức lễ cấp sắc của mỗi nhóm người Dao tuy có những đặc điểm khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho những người đàn ông. Căn cứ vào gia phả của từng họ người Dao đỏ để biết được dòng họ đó tổ chức lễ cấp sắc ở cấp bậc nào. Số lượng đèn được cấp phản ánh cấp bậc làm thầy của học trò. Vì thế, thời gian tổ chức ở mỗi cấp bậc cũng khác nhau, thường từ 3 - 7 ngày.

Tranh các vị thần trong lễ cấp sắc. Ảnh: CTTĐT.

Đại lễ cấp sắc 12 đèn là cấp bậc cao nhất, người Dao đỏ sử dụng 12 thầy chính và nhiều thầy phụ. Mỗi thầy giữ một nhiệm vụ khác nhau nhưng chung mục đích là truyền lại toàn bộ các phép, quân binh, đạo đức... của mình cho các học trò. Các học trò phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. Người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. Đối với người Dao, lễ cấp sắc ngoài gia đình dòng họ, còn có sự tham gia chứng kiến của cộng đồng.

So với các nhóm người Dao khác, diễn trình nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Lào Cai có quy mô và độc đáo hơn. Theo đó, nghi lễ sẽ diễn tả lại toàn bộ quá trình từ khi đứa trẻ được tạo ra, nuôi dưỡng, trưởng thành đến lúc được trải qua lễ.

Các cặp đôi thụ lễ phải ăn chay 3 – 7 bữa. Ảnh: CTTĐT.

“Lễ cấp sắc được các gia đình chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Lễ vật cúng gồm lợn, gà, gạo, tiền... Ngoài ra, người Dao đỏ còn chuẩn bị các vật dụng cho thầy cúng, tranh ảnh ông thần; các cặp đôi thụ lễ phải chuẩn bị 1 bộ hình nộm bằng gỗ, quần áo mới. Đặc biệt, họ phải ăn chay 3 – 7 bữa, không được sát sinh cho đến khi lễ kết thúc. Những điều kiêng kỵ nghiêm ngặt, khắt khe làm tăng tính chất linh thiêng của nghi lễ”, chị Tẩn Tả Mẩy (Tả Phìn – Sa Pa) chia sẻ.

Cụ thể, mở đầu là nghi lễ đón thầy “Chíp sài tía” thể hiện sự tôn kính của học trò đối với các thầy; tiếp đó là lễ trình báo đón tổ tiền, mời thần thánh về dự; lễ trình diện của những học trò được thụ lễ và nhiều nghi lễ khác được tiến hành theo trình tự thầy chính đặt ra; múa thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến; lễ trình diện tổ tiên; lễ xin treo tranh nhỏ… Mỗi một nghi lễ trong lễ cấp sắc đều mang nội dung và ý nghĩa sâu sắc. Theo đó, người thầy sẽ là cầu nối dẫn các trò lên dương, xuống âm. Các trò múa quanh đàn lễ lập bên ngoài nhà, đi quanh chân cột của đàn lễ để xua đuổi thú dữ, cái xấu. Buổi lễ kết thúc bởi những động tác múa kiếm, búa, cờ hòa theo nhịp điệu chiêng, trống rộn ràng. Đây cũng là hình ảnh tiễn thánh về trời. Từ đó, các học trò đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Những người thụ lễ nhận sắc từ thầy cúng. Ảnh: CTTĐT.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngày 27/12/2012. Nghi lễ không chỉ đơn thuần là lễ trưởng thành mà còn mang ý nghĩa giáo dục nhân cách, khuyên răn mọi người sống thiện, có trách nhiệm, đạo đức và tránh xa cái ác.

Tiếp tục triển khai Đề án số 03/ĐA-TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển Văn hóa - Du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025”, tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cơ sở vật chất văn hóa phục vụ phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, tỉnh Lào Cai định hướng, vận động cộng đồng dân tộc Dao gắn việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch./.

An Nhiên