Ðúng một năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg "Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngành nông nghiệp, một trong tám lĩnh vực trọng điểm ưu tiên thực hiện bước đầu ghi nhận những chuyển động tích cực. Tuy vậy, muốn đạt mục tiêu một cách bền vững, cần có cơ chế chính sách để nông dân đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản tại Ðà Lạt. Ảnh: Bảo Văn
Thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất trong cuộc cách mạng của ngành nông nghiệp, đó chính là số lượng hộ nông dân trên toàn quốc lớn, nhưng quy mô canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu và phụ thuộc vào thương lái trung gian. Vì vậy để áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp thành công, trước hết hộ nông dân phải nhập cuộc. Trong một lần trò chuyện, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: "Những nỗ lực, hỗ trợ của Chính phủ, của bộ, ngành đều vô nghĩa nếu người dân không thay đổi, không dựa vào chính sức của mình". Do vậy, cần giúp họ thay đổi được tư duy sản xuất, kinh doanh, tham gia hợp tác, liên kết như tham gia các hợp tác xã theo chuỗi giá trị…
Nói một cách hình ảnh, áp dụng công nghệ số sẽ giúp người nông dân có thêm "công cụ canh tác" mới. Còn những nghiên cứu về các mô hình quản trị số, hay các nền tảng phần mềm phù hợp nhu cầu của các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông sản rất đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau trên toàn quốc... lại trở thành một dạng "tài nguyên nông nghiệp" mới, hết sức hứa hẹn. "Cơn khát" thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống được hóa giải khi người nông dân có cơ hội tăng cường khả năng kết nối, xóa nhòa khoảng cách địa lý hay giảm bớt thời gian, chi phí cho những thủ tục hành chính nhiều cấp hiện nay...
Có thể nói, thông qua các nền tảng số do doanh nghiệp hay Nhà nước cung cấp dưới dạng cơ sở dữ liệu mở, quản lý tập trung, nông dân có thể quản lý được chuỗi sản xuất của mình từ các yếu tố đầu vào cho đến khi thu hoạch, xuất bán, nhờ đó, ra quyết định kinh doanh chính xác hơn. Lợi nhuận thu về tốt hơn do giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Thêm nữa, quá trình canh tác hợp lý, khoa học cũng góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Tiếp đến, ở khâu sau thu hoạch, quản trị chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, truy xuất thông tin và bán hàng thông qua thương mại điện tử, vai trò của các nền tảng số là không nhỏ, giúp cho người nông dân có được mức chi phí phù hợp nhất và tiếp cận thị trường đa dạng hơn. Ngoài ra, người dân nông thôn cũng có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ hành chính công do Nhà nước cung cấp và các dịch vụ xã hội khác thông qua các nền tảng Chính phủ số và nền tảng xã hội số như chương trình nông thôn mới hay chương trình "Làng thông minh" - ở đó sẽ có những người nông dân thông minh, cộng đồng thông minh… Và chính trong "Làng thông minh" đó, người nông dân thông minh - "nhân vật trung tâm" đầu tiên phải sử dụng được những tiện ích thông minh. Qua đó, người dân có thể tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của mình, tự kết nối với thị trường, với thế giới.
Để vượt qua được các thách thức không nhỏ trong việc đưa người nông dân vào vị trí trung tâm của cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo tôi cần đầu tư vào một số giải pháp chính như sau: Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để tập trung xây dựng được kiến trúc công nghệ thông tin tổng thể của Chính phủ số và kinh tế số của ngành nông nghiệp và chương trình nông thôn mới, "Làng thông minh". Ðồng thời nghiên cứu xác định rõ nhu cầu dịch vụ chức năng của các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp và người dân nông thôn để thiết kế nền tảng số chung và khung cơ sở dữ liệu số cho nông nghiệp, đồng bộ giữa các nhóm ngành, nghề theo cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương. Ðể làm được điều đó, cần có đầu mối tập trung ở cấp bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung, sau này khó tích hợp được thành hệ thống chung, gây lãng phí.
Thứ hai, hợp tác công - tư để đầu tư phổ cập hạ tầng số nông thôn đến cấp xã, hợp tác xã và hộ nông dân. Thứ ba, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, nông thôn tích hợp, đồng bộ. Thứ tư, công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng theo hướng chuyên nghiệp, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung. Thứ năm, khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn mới, đồng hành với nông dân, vì đây là lực lượng khách hàng rất tiềm năng. Bởi công nghệ chính xác trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn gắn với nền tảng số truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần ưu tiên có thể ứng dụng ngay trong ngắn hạn.
Với mong muốn thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn theo định hướng của Chính phủ, việc thúc đẩy chuyển đổi số để hội nhập với toàn cầu là một yêu cầu tất yếu mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
PGS, TS Ðào Thế Anh