15/01/2025 lúc 12:21 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: 30 năm phát triển và mục tiêu giai đoạn mới

Từ những ngày đầu tái lập đầy khó khăn và thách thức Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc.

Ngày 01/10/2021 là ngày đánh dấu mốc 30 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Lào Cai. Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ) và bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ) bao gồm 8 huyện, hai thị xã. Từ những ngày đầu tái lập đầy khó khăn và thách thức Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc.

 Ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập và bắt tay vào xây dựng tỉnh mới với nhiều khó khăn thách thức của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc như: Mặt bằng dân trí thấp (60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã trắng về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, Lào Cai nằm trong tốp 20 tỉnh nghèo nhất cả nước; 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường…Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Lào Cai cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế như phổ khí hậu đa dạng, tài nguyên khoáng sản phong phú, có vị trí chiến lược cho phát triển kinh tế biên mậu. Tận dụng những lợi thế và tiềm năng này để vượt qua khó khăn là bài toán đặt ra cho các cấp lãnh đạo, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Thành phố Lào Cai sau 30 năm tái lập tỉnh.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội qua 30 năm của tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện: Tăng trưởng bình quân từ năm 1991-2020 luôn ở mức hai con số. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Đến hết năm 2020: Tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 12,2%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 45,3%, dịch vụ chiếm 42,5%; GRDP năm 2020 gấp gần 27 lần năm 1991, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, năm 2019 đạt 9.500 tỷ đồng, gấp 500 lần năm 1991; thu nhập bình quân đầu người gấp 107 lần so với năm 1991, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 8,2% (năm 1991 tỉ lệ hộ đói, nghèo là 55%, trong đó trên 30 % thiếu đói thường xuyên). 100% thôn, bản: Có đường giao thông ô tô cứng hóa đến trung tâm thôn, có điện lưới quốc gia (năm 1991 có 9/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia), phủ sóng phát thanh, truyền hình (trên vệ tinh Vinasat-1) có nhà văn hóa, có loa phát thanh, được phủ sóng điện thoại, 100% hộ gia đình được xóa nhà tạm; 100% các trường học xóa phòng học tạm (năm 1991 chủ yếu là phòng học tạm) và đáp ứng nhu cầu về nhà công vụ, phòng học bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn cho học sinh và giáo viên; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...                   

Cùng với những thành tựu đạt được, Đảng bộ tỉnh Lào Cai cũng đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn mới 2020-2025 bao gồm 24 chỉ tiêu, trong đó, đáng chú ý là một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 hơn 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 126 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng, bảo đảm cân đối chi thường xuyên; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 10 triệu lượt; doanh thu du lịch hơn 44.500 tỷ đồng; giá trị xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 9 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 60% tổng số xã trên địa bàn; có hơn 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều bình quân hằng năm đạt 3% - 5%/năm.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nói trên, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 9 giải pháp. Đó là, tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; củng cố, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong cả hệ thống chính trị. Huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Từ những khó khăn, hạn chế, thách thức và kết quả đạt được, Lào Cai quyết tâm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía bắc vào năm 2025 và trong tương lai không xa là tỉnh phát triển của cả nước./.