Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt chặng đường 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, Lào Cai đã xây dựng được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, trở thành cầu nối quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam -Trung Quốc.
Lào Cai- những ngày đầu tách tỉnh ( ảnh tư liệu).
Cách đây 30 năm (1991), Lào Cai là một trong 6 tỉnh nghèo nhất Việt Nam, lúc đó tỉnh bị chiến tranh, hậu chiến tranh tàn phá nặng nề, 54/180 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, tự cung tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, 7/10 huyện, thị chưa có điện lưới quốc gia, 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, hủ tục lạc hậu còn nặng nề, trên 30% cán bộ xã không biết chữ; 15 xã trắng về y tế; 55% số hộ thuộc diện đói nghèo; thu nhập đầu người đạt 680 nghìn đồng/năm, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 19 tỷ đồng. An ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp,… Đây là những khó khăn chồng chất, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho tỉnh, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vươn lên của cả hệ thống chính trị.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt chặng đường 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, Lào Cai đã xây dựng được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, trở thành cầu nối quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam -Trung Quốc. Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai tự hào về điều đó. 30 năm một chặng đường, bức tranh kinh tế - xã hội Lào Cai đã cho thấy gam mầu phản chiếu tích cực so với thời điểm năm 1991. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.089 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt đạt 76,3 triệu đồng (xếp thứ 2 trong các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc và gấp 105 lần so với năm 1991), tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 54,8% (1991) xuống còn 8,46% (2020 theo tiêu chí mới), khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh theo hướng văn minh, hiện đại, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng ở tốp đầu cả nước (là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 đứng ở vị trí số 1 và nhiều năm thuộc Top đầu của cả nước,… Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với điểm nhấn là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được hoàn thành và đưa vào sử dụng; Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường là sản phẩm của tầm nhìn và quyết sách táo bạo; những tiềm năng, lợi thế, bước đi trên hành trình phát triển ngày càng được định hình sáng rõ.
Thành Phố Lào Cai - hiện đại, văn minh.
Thực tế 30 năm qua cho thấy một kinh nghiệm quý đó là, bất luận trong hoàn cảnh nào Lào Cai đều luôn sáng tạo, luôn tự đặt ra áp lực để vươn lên, thể hiện tầm nhìn và khát vọng trên mỗi chặng đường phát triển với tư duy nghĩ lớn hơn, tần nhìn xa rộng hơn. Để hiện thực hóa tầm nhìn Lào Cai trên mỗi chặng đường phát triển, tỉnh đã chủ trương khơi thông các điểm nghẽn bằng hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, nhất là trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đến với Lào Cai. Bên cạnh đó, vấn đề cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn cũng rất được quan tâm, chú trọng, đặc biệt ưu tiên xác định và thực hiện 02 khâu đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ.
Lào Cai cũng xác định rất rõ đâu là nguồn lực hữu hạn, đâu là tiềm năng vô hạn. Phát triển kết cấu hạ tầng và du lịch, dịch vụ chính là sự khởi đầu nhằm khai thác những tiềm năng vô hạn, tạo bước phát triển bền vững, không lệ thuộc vào những tài nguyên đang dần cạn kiệt, tạo ra dư địa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực cùng tăng trưởng. Trong ngắn hạn, tỉnh tập trung đề xuất hoàn hoàn thiện đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, xây dựng Cảng hàng không Sa Pa; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nâng cấp khổ rộng 1,4m đạt vận tốc 80-100km/h; nâng cấp, cải tạo tuyến đường thủy nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai)… Để tạo ra nguồn động lực cho sự phát triển du lịch, dịch vụ, Lào Cai tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai quy mô trên 2.700 ha, quy mô dân số trên 75.000 người thành trung tâm trung chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Đồng thời dành nguồn lực tạo đột phá trong phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng thị xã Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, cùng với phát triển du lịch xanh, du lịch bản sắc của Thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Y tý (Bát Xát) với mô hình du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch bản sắc; dịch vụ chất lượng cao, hiện đại.
Khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển, phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm thực hiện giai đoạn 2020 - 2025. Đó là, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững; khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển, trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại - du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Tỉnh uỷ cũng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2045 là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; Khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững; Khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển, phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước. Đồng thời đề ra 4 lĩnh vực đột phá (thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, du lịch dịch vụ) để chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết các cấp.
Trên chặng đường phát triển mới, trước thời cơ, vận hội mới, định hình rõ những khó khăn, thách thức trước mắt, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã xác định cho mình tầm nhìn xa rộng, với những quyết sách đúng đắn, với chiến lược lâu dài cùng đội ngũ cán bộ ngày càng được chuẩn hóa, đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, Lào Cai sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.
Dương Đức Huy
UV BTV, Trưởng BTG Tỉnh ủy