23/11/2024 lúc 07:43 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Thích ứng linh hoạt, an toàn và phát triển

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tỉnh Lào Cai đoàn kết, thống nhất hành động theo định hướng: “Đoàn kết – Kỷ cương – Thích ứng linh hoạt –An toàn và phát triển toàn diện”.

Theo đó, Lào Cai sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, an toàn, hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ tối đa an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, quản lý; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Đặng Xuân Phong- Ủy Viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu của tỉnh Lào Cai là phát triển kinh tế nhanh nhưng hài hòa, đảm bảo tính đồng bộ và bền vững.Theo đó, Lào Cai xác định tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, 2 lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ trọng tâm mà Lào Cai xác định trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; củng cố, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Các cấp, ngành huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tỉnh tiếp tục tập trung phát huy dân chủ, xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tăng cường phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng Đảng, chính quyền và các cấp tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Lễ hoàn thành Công trình xây dựng Trung tâm thương mại Go Lào Cai

Tỉnh luôn chủ động củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phấn đấu phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Lào Cai trong xây dựng địa phương phát triển và hội nhập; phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Cùng với đó, Lào Cai sẽ tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn. Mặt khác, thực hiện sắp xếp dân cư nông thôn; huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm tái định cư mới, các điểm dân cư hiện có; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Hai lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ tới của Lào Cai đó là: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn cùng hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số; phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó tập trung vào Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tuyến du lịch: thành phố Lào Cai- Trịnh Tường- Y Tí (Bát Xát)- Sa Pa; khu du lịch người Tày xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), khu du lịch tâm linh Đền Bảo Hà, du lịch huyện Bắc Hà, du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch bản sắc; dịch vụ chất lượng cao, hiện đại.

Cao tốc Lào Cai - Sa Pa

Tỉnh cũng chú trọng thúc đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ. Tiến hành khởi công loạt dự án để nâng tầm vị thế cho Lào Cai nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện “Bình thường mới” như: Khởi công dự án Cảng hàng không Sa Pa, công trình mở rộng, nâng cấp tuyến đường Kim Thành - Ngòi Phát (Bát Xát), dự án cải tạo, nâng cấp đường Bản Xèo – Dền Sáng – Y Tý….

Có thể nói với 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá thì đây là một nhiệm kỳ mà Lào Cai sẽ tăng tốc và đột phá; tiếp tục lấy công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu là trụ cột quan trọng cho phát triển, lấy thương mại du lịch làm mũi nhọn đột phá, duy trì nông-lâm nghiệp phát triển ổn định; quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng bằng những chương trình, đề án cụ thể theo từng giai đoạn và diễn biến chung.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cũng khẳng định:Trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu là phát triển kinh tế nhanh nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, hài hòa; trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm tới các vấn đề xã hội, môi trường, nâng cao thể chất, chất lượng con người Lào Cai một cách toàn diện; đặc biệt là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, áp dụng công nghệ số, kinh tế số và hướng tới là xã hội số.

Theo đó, Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2022 đã đặt ra 67 mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm tạo cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cụ thể, trong xây dựng chính quyền số, hiện Lào Cai đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ khối lượng công việc của hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý từ 10% (năm 2021) lên 30%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến từ 60% (năm 2021) lên 65%…Tỉnh sẽ phát triển hệ thống thông tin báo cáo kết nối với Chính phủ, phục vụ chỉ đạo điều hành thông suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến cấp xã theo hướng không dùng báo cáo giấy, trao đổi dữ liệu theo thời gian thực; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh; triển khai thí điểm hệ thống thông tin họp không giấy tờ đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, sẽ chuyển đổi số cho các chợ như: Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà.. gắn với xây dựng chợ văn minh; triển khai ứng dụng app công dân (công dân số) trên phạm vi toàn tỉnh; tích hợp các dịch vụ thiết yếu vào cổng dịch vụ công của tỉnh và ứng dụng app công dân (công dân số Lào Cai).

Toàn cảnh thành phố Lào Cai về đêm

Đối với lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, năm 2022, Lào Cai phấn đấu 9/9 số lượng địa phương cấp huyện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và quản lý tích hợp hệ thống thông tin đất đai, đưa vào quản lý, vận hành, cập nhật khai thác thông tin trên môi trường mạng. Tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 90%, tăng 30% so với năm 2021; tỷ lệ trường học, bệnh viện áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%, tăng 25% so với năm 2021…

Đối với việc phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, Lào Cai chú trọng chuyển đổi nhận thức bằng cách tổ chức các chuyên đề phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh sẽ xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số; chú trọng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thương mại điện tử… xây dựng các xã nông thôn mới thông minh, phấn đấu đưa toàn bộ sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

Về thương mại, xuất nhập khẩu, xác định lợi thế khi phát triển Khu kinh tế cửa khẩu trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Lào Cai luôn đặt mục tiêu lấy kinh tế thương mại qua cửa khẩu biên giới là nòng cốt, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, động lực để phát triển kinh tế địa phương…vì vậy, tỉnh luôn có cơ chế, chính sách ưu đãi trong xây dựng, vận hành trọng điểm là Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, hiện đang là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, là trung tâm kết nối của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ với cả nước, vừa là điểm sáng về xuất nhập khẩu, vừa là khu vực phát triển đa lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ năng động.

Lễ động thổ Cảng hàng không Sa Pa

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sau 3 lần quy hoạch mở rộng, hiện có diện tích gần 16.000ha. Kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu đang tiếp tục được bổ sung, hình thành thêm hệ thống logistics, các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu vực chức năng khác, hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Hà Khẩu…, tạo thành vùng kinh tế chủ lực, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục lựa chọn Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu chức năng với diện tích khoảng 1.400 ha. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ gồm 5 chức năng: Khu cửa khẩu quốc tế Kim Thành; Khu dịch vụ hậu cần Logistic; Khu phức hợp vui chơi giải trí và sân gofl huyện Bát Xát; Khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu Bản Qua và Khu cửa khẩu Bản Vược.

Đến cuối năm 2021, trong khu kinh tế cửa khẩu đã có 242 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án lớn như Nhà máy Luyện đồng Bản Qua; các dự án Logistics, kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế, nâng cấp tuyến đường Kim Thành - Ngòi Phát (Bát Xát)… Hiện thường xuyên có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế qua biên giới và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Trong những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai tiếp tục chủ động xây dựng chiến lược phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là: phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu của tỉnh là vùng kinh tế động lực chủ đạo của địa phương và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia.

Ông Trịnh Xuân Trường - Phó bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đang ưu tiên xây dựng mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp. Thiết lập vùng “xanh” xuất nhập khẩu hàng hóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tỉnh phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng cơ chế phòng chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh hơn; hợp tác với phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu biên giới tại xã Bản Vược (Bát Xát) để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai tiếp tục chủ động xây dựng chiến lược phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu để Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cùng với Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối, đẩy nhanh việc xây dựng Cảng hàng không Sa Pa nhằm tạo lực đẩy phát triển khu kinh tế tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc./.

Diệu Ly