16/01/2025 lúc 05:02 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Kinh tế nông nghiệp phát triển, tốc độ tăng trưởng luôn đạt ở mức cao

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề án Tái cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề án Tái cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Cơ cấu sản xuất tại tỉnh Lào Cai sau thời gian dài được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, cụ thể:  

Trong lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi từ nông nghiệp thuần nông (năm 2008) độc canh cây lúa, sang nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và kinh tế nông nghiệp (năm 2020). Chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đều vượt kế hoạch và tăng cao, đặc biệt năng suất cây trồng chính như cây lúa tăng 11,97 tạ/ha (từ 41,74 tạ/ha năm 2008 tăng lên 53,71 tạ/ha năm 2020); cây ngô tăng 13,97 tạ/ha (từ 28,06 tạ/ha năm 2008 tăng lên 42,03 tạ/ha năm 2020); Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao như: rau, cây ăn quả, dược liệu...Hình thành vùng sản xuất rau với quy mô đạt trên 15.353 ha; Vùng chè đạt 6.500 ha; vùng sản xuất dược liệu đạt 3.583,7 ha; vùng cây ăn quả 13.000 ha...

Đồi chè Ô Long Sa Pa.

Lĩnh vực chăn nuôi: Chuyển từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại có áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; phát triển mạnh một số giống ưu thế của vùng, địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng ngành chăn nuôi đạt 7,8%, đặc biệt giai đoạn từ năm 2014 - 2018 ngành chăn nuôi phát triển vượt bậc, tăng trưởng sản lượng đạt 14,5%/năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt gần 5,45 triệu con, tăng 2,34 triệu con so với năm 2008; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 63.096 tấn; đã xây dựng được 02 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ với quy mô khoảng 600 lợn nái và 6.000 lợn thịt; 01 liên kết mô chăn nuôi gia cầm quy mô 40-70 ngàn con/tháng, hợp tác xã cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho cho các thành viên. Toàn tỉnh hiện có 213 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại, có giá trị sản xuất đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên; 09 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm không ngừng tăng .

Người nông dân Lào Cai phát triển kinh tế nhờ trồng cây quế.

Lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ 356.854,8 ha rừng hiện có; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, với tổng diện tích 64.630 ha (có rừng 57.656,9 ha), gồm: Vườn quốc gia Hoàng Liên có diện tích 20.950 ha, Khu Bảo BTTN Hoàng Liên Văn Bàn có diện tích 24.938 ha; Khu BTTN Bát Xát có diện tích 18.637 ha và Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ 105 ha. Tổ chức, triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sau 10 năm triển khai đã thực hiện chi trả cho diện tích trên một triệu lượt ha rừng các loại, tổng số tiền chi trả hơn 600 tỷ đồng. Chế biến lâm sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 365 cơ sở chế biến lâm sản, bao gồm: 31 công ty, doanh nghiệp; 12 hợp tác xã, 322 hộ kinh doanh gia đình. Lâm nghiệp đã dần chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích. Kinh tế lâm nghiệp Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt 2.355 tỷ đồng, chiếm 15% trong cơ cấu giá trị của Nông nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng từ 48,53% năm 2008 lên 56,07% (năm 2020) vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV và cao hơn bình quân cả nước 14%.

Đặc sản gạo Séng Cù Mường Vi, Lào Cai.

Sau 13 năm, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển, tốc độ tăng trưởng luôn đạt ở mức cao, các hình thức tổ chức sản xuất có bước đột phá mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Có 101 Tổ hợp tác được chứng thực hợp đồng hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ; 119 trang trại (theo tiêu chí mới), tăng 80 trang trại so với năm 2008; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Toàn tỉnh hiện có 92 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 44 xã, phường, thị trấn...

Khoa học công nghệ và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, chất lượng nông sản được nâng lên, xúc tiến đầu tư được quan tâm mở rộng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ vào một số những vấn đề trọng yếu: Cải thiện giống cây trồng, nhà màng, nhà kính, cơ giới hóa trong sản xuất, sơ chế bảo quản sau thu hoạch.... Trong chăn nuôi đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ mới trong xử lý chất thải như sử dụng đệm lót sinh học; xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas (bể xây và Composet); ủ phân bằng chế phẩm sinh học đã phần nào giảm được dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. 

Lào Cai áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường. Tiếp tục triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử, đã có 72 doanh nghiệp, HTX với 267 dòng sản phẩm được gắn mã truy suất nguồn gốc (mã QRcode); Kết nối các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 71 chuỗi sản phẩm được kiểm soát an toàn. Một số vùng sản xuất tập trung thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ bền vững (chuỗi chè, dứa, quế, Actiso…), chất lượng, giá trị được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Công tác chứng nhận hữu cơ, VietGAP được đẩy mạnh, đến nay đã có trên 1.000 ha chè VietGAP, 215 ha chuối VietGAP, 10 ha dứa VietGAP, 212 ha quýt VietGAP, 138 ha dược liệu GACP - WHO, trên 100 ha rau VietGAP; Có 4.335 ha quế hữu cơ, 655 ha chè hữu cơ, 5 ha rau hữu cơ; cấp 17 mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất.

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm thực hiện: toàn tỉnh đã thu hút được 07 dự án của các doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết chế biến sâu các sản phẩm nông sản trong đó: Đã đi vào hoạt động 02 nhà máy (Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu;  Nhà máy chế biến sâu sản phẩm chè xanh xuất khẩu chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu của Hợp tác xã chè Mường Khương); đã khởi công: 01 nhà máy (sản xuất và chế biến quế hữu cơ tại xã Liêm Phú của Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam); đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện các thủ tục, phương án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất theo quy định: 02 dự án (Dự án đầu tư Kho GPS và sơ chế, chế biến dược liệu tại Khu Kim Thành - Bản Vược của Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam Group; Dự án xây dựng xưởng sản xuất và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ của công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trà Tiên Thiên); đang chờ giải phóng mặt bằng: 01 dự án (Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế của Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà); Đang lập quy hoạch, xin chủ trương đầu tư 01 dự án khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung kết hợp với sắp xếp dân cư xã Phong Niên (trong đó có Dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm của Công ty TNHH Biển Đông DHS).

Từ những kết quả phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân vùng nông thôn, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới./.